Anh sẽ giảm mạnh giá trần năng lượng từ tháng 4/2024

Việc cắt giảm giá trần năng lượng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình đang vật lộn trước cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh, đồng thời giúp kiềm chế lạm phát.

ggggg
Anh sẽ giảm mạnh giá trần khí đốt. (Ảnh: unsplash)

Kể từ tháng Tư tới, chi phí thanh toán cho hóa đơn tiền điện và khí đốt mà hàng triệu người dân Vương quốc Anh phải trả sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua, sau khi cơ quan quản lý năng lượng Ofgem của nước này thông báo sẽ giảm giá trần thêm khoảng 12%.

Cụ thể, mức trần giá điện và khí đốt trung bình đối với hộ gia đình sẽ là 1.690 bảng Anh (2.139 USD)/năm. Mức giá trần trước đó là 1.928 bảng Anh/năm.

Việc cắt giảm giá trần đối với năng lượng hộ gia đình sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình đang vật lộn trước cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh, đồng thời giúp kiềm chế lạm phát.

Giải thích cho bước đi nói trên, Ofgem cho biết giá bán buôn mặt hàng năng lượng đã có xu hướng đi xuống.

Ngoài yếu tố giá bán buôn mặt hàng năng lượng, Ofgem cũng sẽ thay đổi mức giá trần dựa trên hai yếu tố khác là chi phí vận hành và nâng cấp mạng lưới cung cấp năng lượng trên toàn quốc, cũng như chi phí cho các chính sách bảo vệ môi trường và xã hội.

Hồi năm 2019, Ofgem bắt đầu áp dụng mức trần giá điện và khí đốt nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng được gọi là "giá cắt cổ" mà các công ty năng lượng của Anh áp dụng.

Trước đó, ngày 21/2, Chính phủ Anh tuyên bố nước này sẽ từ bỏ Hiệp ước điều lệ năng lượng (ECT) gây tranh cãi sau khi nỗ lực điều chỉnh theo kế hoạch phát thải ròng bằng 0 không thành công.

Hiệp ước cho phép các nhà đầu tư nhiên liệu hóa thạch kiện các quốc gia trước khả năng lợi nhuận bị mất trong một hệ thống trọng tài doanh nghiệp không rõ ràng được thiết lập để bảo vệ các nhà đầu tư nhiên liệu hóa thạch ở các nền kinh tế thuộc Liên Xô cũ vào những năm 1990.

ECT là thỏa thuận đầu tư bị kiện tụng nhiều nhất trên thế giới và sự hiện diện liên tục của Anh trong thỏa thuận này đã làm dấy lên lo ngại về “các vụ kiện gây tổn hại đến khí hậu” nếu chính phủ thông qua dự luật cấp phép khai thác dầu khí ngoài khơi, nhằm mục đích tăng cường khai thác dầu khí của Anh.

Theo nghiên cứu của tổ chức tư vấn Common Wealth, khoảng 40% số giấy phép khai thác dầu khí ở Biển Bắc thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, số liệu chính thức được công bố ngày 14/2 cho thấy lạm phát tính theo năm của Anh không biến động trong tháng Một so với tháng trước đó, trái ngược với dự báo lạm phát tại Anh tăng lên trong tháng trước.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 4% trong tháng Một so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này cao gấp đôi mục tiêu của Ngân hàng trung ương Anh (BoE), nhưng vẫn thấp hơn mức tăng được dự đoán là 4,2%.

Giá điện và khí đốt tăng là yếu tố chính đóng góp và tỷ lệ lạm phát nói trên. Bên cạnh đó, giá xe ô tô cũ cũng tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023. Nhưng sự gia tăng này lại bị lấn át bởi giá nội thất, thực phẩm và đồ uống không cồn giảm.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết, nước này đã đạt được những tiến triển lớn trong việc đưa lạm phát giảm xuống từ mức 11%, và BoE dự đoán lạm phát sẽ giảm về mức khoảng 2% trong vài tháng tới.

BoE đã tăng lãi suất lên mức cao nhất 16 năm qua nhằm kiếm chế lạm phát. Lạm phát tại Anh đã giảm mạnh từ mức 11,1% trong tháng 10/2022, mức cao nhất 41 năm.

Giới phân tích nhận định số liệu nói trên cho thấy BoE có thể quyết định hạ lãi suất từ mức 5,25% trong những tháng tới.

Theo ONS, nền kinh tế Anh bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật vào quý 4/2023, khi các hộ gia đình ở nước này cắt giảm chi tiêu để ứng phó với tình trạng giá cả tăng vọt.Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong quý 4/2023 đạt -0,3%, tệ hơn so với mức -0,1% của quý trước đó.

Kết quả này cũng thấp hơn dự báo của nhà phân tích là -0,1%. So với cùng kỳ năm 2022 tốc độ tăng trưởng GDP của Anh trong quý 4/2023 là -0,2%, cũng giảm so với mức 0,2% của quý 3 và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 0,1%. Đây là mức suy giảm GDP đầu tiên kể từ năm 2021.

Tính trong cả năm 2023, GDP của Anh chỉ nhích 0,1%. Mặc dù không có định nghĩa chính thức về suy thoái kỹ thuật, nhưng một nền kinh tế thường được cho là đã bước vào giai đoạn sau hai quý tăng trưởng kinh tế âm liên tiếp.

Việc chứng kiến GDP sụt giảm trong cả quý 3/2023 và quý 4/2023, Vương quốc Anh hiện được coi là đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Ông Matthew Ryan, người đứng đầu chiến lược thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Ebury, cho biết: “Đồng bảng Anh bị bán tháo so với các đồng tiền khác, mặc dù chỉ ở mức rất khiêm tốn, và đồng bảng Anh vẫn là một trong những đồng tiền chính hoạt động tốt hơn trên thế giới trong năm nay. Rõ ràng các nhà đầu tư không bị thuyết phục rằng một cuộc suy thoái nhẹ sẽ đủ để khuyến khích BoE theo đuổi chính sách lãi suất thấp, vì các nhà hoạch định chính sách tập trung nhiều hơn vào việc giảm lạm phát ở Anh hơn là thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn."

Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Joseph Rowntree, Alfie Stirling, cũng lưu ý rằng tin tức này rất đáng lo ngại.

Ông nói thêm: “Các khoản vay và trả nợ thế chấp đang bị bỏ lỡ khi lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến tài chính gia đình. Và việc làm ngày càng gặp rủi ro khi thị trường lao động tiếp tục xấu đi.”

Ông Stirling cũng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng an ninh kinh tế này, từ các gia đình cá nhân đến toàn quốc, phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.

Theo Vietnamplus