Manchester trở thành thủ phủ ăn chơi mới của Anh

Từng là nơi không có "nhịp đập", thủ phủ miền Bắc nước Anh đang mang đến cảm giác sôi động, trẻ trung, với dân số nửa triệu người và độ tuổi trung bình là 31.

manchester thu phu an choi 1
Cư dân ở Manchester có độ tuổi trung bình khá trẻ.

Nhiều người đến Manchester (Anh) vui chơi không thể bỏ qua “căn phòng màu xanh lá cây” (được đặt trong container vận chuyển) tại một hộp đêm trong mái vòm của nhà ga xe lửa Mayfield cũ.

Nơi này hiện đã trở thành phức hợp giải trí rộng lớn với các lễ hội, chợ thực phẩm và rạp chiếu phim đông đúc, theo The Times. Những quán bar hoạt động theo mùa từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau được đánh giá là địa điểm đáng thử nhất tại Manchester.

Ngành nightlife phát triển

"Cottonopolis" (thủ phủ bông) là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất ở châu Âu. Trên thực tế, Manchester đang hưng thịnh đến mức Paulette Constable - một trong những người tiên phong trong lĩnh vực âm nhạc tại hộp đêm Haçienda và đã trở lại đây sau hơn hai thập kỷ ở Ibiza, Paris và London - cũng phải công nhận điều này.

Thủ phủ miền Bắc nước Anh mang đến cảm giác sôi động, trẻ trung, với dân số nửa triệu người và độ tuổi trung bình là 31. Nếu đi ngang qua Depot Mayfield, một câu lạc bộ có sức chứa 10.000 người ở Manchester, du khách có thể bắt gặp nhiều ngôi sao hạng A cũng đến đây để hòa vào cuộc sống về đêm.

Ca sĩ Róisín Murphy yêu thích tụ điểm này và thường ghé qua để khiêu vũ với chiếc mũ lưỡi trai che kín mắt. 

Bên cạnh đó, chợ thực phẩm Escape to Freight Island cũng khá hút khách với các cửa hàng bánh mì kẹp thịt, nhà hàng cao cấp và nhiều món ăn khác. 

Bằng cách tập trung vào âm nhạc và bóng đá, Manchester là một thành phố thể hiện sự ưu tiên rõ ràng.

manchester thu phu an choi 1
Những người thích tiệc tùng xếp hàng bên ngoài để vào câu lạc bộ Depot Mayfield.

Trong bản kế hoạch kinh tế ban đêm năm 2019, thị trưởng Andy Burnham đã công bố dự định biến khu vực này trở thành “một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để ăn chơi, sống, làm việc và điều hành doanh nghiệp từ 18h đến 6h”.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ dành cho ngành công nghiệp nightlife không được áp dụng đồng đều trên toàn xứ sở sương mù.

Đặc biệt là khi các quán bar, câu lạc bộ phải trải qua nhiều đợt “tấn công”, từ đại dịch, giá nhiên liệu, vật lộn với chi phí sinh hoạt đến những tác động trong quá trình chuyển đổi.

Mới đây, chình quyền Manchester ban hành quy định từ ngày 1/4, khách du lịch phải trả 1 bảng Anh tiền thuế để lưu trú qua đêm. Đây là thành phố đầu tiên ở xứ sở sương mù áp thuế với không phải người bản xứ.

Cụ thể, khách hàng tại các khách sạn hoặc căn hộ nghỉ dưỡng ở trung tâm sẽ bị tính phí 1 bảng Anh/đêm/phòng.

Đây là một phần của kế hoạch mới để tài trợ cho khu cải thiện kinh doanh chỗ ở (ABID), nhằm mục đích cải thiện trải nghiệm của du khách và hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong 5 năm tới.

Gần 6.000 phòng sẽ được bổ sung vào Manchester trong tương lai, với dự đoán nó sẽ mang đến một triệu lượt lưu trú.

Annie Brown, chủ tịch đầu tiên của ABID, nói rằng bất chấp cuộc khủng hoảng giá cả, việc áp dụng thuế là một “bước đi thông minh”.

“Tôi nghĩ chính sách này đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, khi so sánh với các thành phố châu Âu đã áp dụng thuế và phí du khách trong nhiều năm, chúng tôi thấy đây là một số tiền tương đối nhỏ. Một số nơi khác cũng đang thực hiện theo những quy định của Manchester”, cô nói.

Điểm du lịch mới

Công nghệ và các phương tiện truyền thông cũng đang dành sự ưu ái cho “thánh địa của bóng đá”, đặc biệt là Google, Amazon, Microsoft và BBC.

Nihal Arthanayake, phát thanh viên, chuyển đến Manchester vào năm 2016.

Trong khi các đồng nghiệp chọn London hoặc Salford, anh và vợ đã đổi một căn hộ 2 phòng ngủ ở thủ đô nước Anh để lấy ngôi nhà biệt lập 5 phòng ở Stockport (thị trấn cách Manchester vài dặm về phía nam).

Manchester đã được đưa vào danh sách Best in Travel 2023 của Lonely Planet và địa điểm duy nhất ở Anh xuất hiện trong hạng mục Best of the World 2023 của National Geographic.

“Manchester đang phát triển và mọi người cũng tham gia vào quá trình đó. Họ cảm thấy mình được góp phần cho sự hưng thịnh và tự hào về điều đó”, Sam Kandel, đồng sáng lập Warehouse Project, cho biết.

Nick Johnson, người đứng đằng sau sự hồi sinh của Manchester thông qua nhiều vai trò từ marketing đến bất động sản, chia sẻ trong nhiều năm, thủ phủ miền Bắc nước Anh đã ở trong tình trạng vật vã, giống như Detroit, nó hầu như không có “nhịp đập”.

Quá trình tái tạo Manchester bắt đầu vào những năm 1990. Khi đó dân số ở trung tâm thành phố là 750 người, nhưng bây giờ đã tăng lên 250.000 người.

Zing (theo The Times)