Anh đổ thêm 1,6 tỉ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Anh tuyên bố sẽ chi thêm 1,6 tỉ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. 

Anh cho biết nước này sẽ cung cấp thêm gói hỗ trợ và tài trợ quân sự trị giá 1,6 tỉ USD cho Ukraine. Đây là tuyên bố được Anh đưa ra trước hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo G7 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào hôm nay (8/5).

Anh hiện là một trong những nước hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2. Thậm chí, vào tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson còn trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Ukraine kể từ khi Nga tấn công Ukraine.

anh do them tien vao ukrainaHai nhà lãnh đạo Anh - Ukraine dự cuộc họp báo chung ở Kiev. (Ảnh: Reuters)

Reuters đưa tin, trên thực tế, chính quyền của Thủ tướng Johnson đã chuyển nhiều tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không và các loại vũ khí khác cho Ukraine phục vụ cuộc chiến chống Nga.

Khoản chi thêm 1,6 tỉ USD gần như cao gấp đôi với những cam kết hỗ trợ mà Anh đưa ra trước đây cho Ukraine. Theo chính phủ Anh, đây là mức chi cao nhất cho một cuộc chiến kể từ sau chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, Anh không đưa ra con số cụ thể về các khoản chi tiêu quân sự này.

Còn trong ngày hôm nay, nhóm G7 gồm Anh, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Zelenskiy. Hội nghị trực tuyến diễn ra chỉ trước một ngày Nga kỷ niệm ngày Thế chiến thứ Hai kết thúc ở châu Âu hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng.

Được biết số tiền 1,6 tỉ USD cho Ukraine sẽ được Anh rút ra từ khoản dự trữ dành cho chính phủ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, chính phủ Anh cho biết thêm Thủ tướng Johnson sẽ chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo công ty quốc phòng hàng đầu nước này trong tháng Năm để thảo luận về việc tăng cường sản xuất vũ khí do nhu cầu tăng cao liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.

Dù khoản hỗ trợ quân sự của Anh cho Ukraine được đánh giá khá lớn, nhưng Anh lại tiếp nhận rất ít trong tổng số hơn 5 triệu người tị nạn Ukraine bỏ chạy khỏi đất nước để tránh xung đột. Chính phủ Anh công bố hôm 7/5 rằng, nước này đã cấp hơn 86.000 visa cho công dân Ukraine, nhưng mới có khoảng 27.000 người Ukraine đã tới được Anh.

Cũng trong ngày 7/5, ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, đã cáo buộc Washington phối hợp hành động quân sự ở Ukraine. Nói cách khác, ông Volodin cho rằng Mỹ có hành động can thiệp trực tiếp quân sự chống lại Nga.

“Washington thực chất đang điều phối và phát triển các hoạt động quân sự mà bằng cách đó tham gia trực tiếp những hành động quân sự chống lại Nga”, Reuters dẫn bài viết của ông Volodin trên Telegram cá nhân.

Mỹ và các nước thành viên châu Âu trong liên minh quân sự NATO đã cung cấp cho Ukraine hàng loạt vũ khí hạng nặng để ngăn chặn đòn tấn công từ phía quân đội Nga. Hiện quân đội Nga đã nắm quyền kiểm soát được nhiều khu vực ở phía đông và phía nam Ukraine, nhưng không giành được thủ đô Kiev.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh NATO đã nhiều lần khẳng định không tham gia chiến đấu ở Ukraine, và tránh không để trở thành một bên tham chiến ở Ukraine.

Giới chức Mỹ cho hay Washington cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine để hỗ trợ ngăn chặn đòn tấn công của Nga, nhưng phủ nhận những thông tin này bao gồm dữ liệu tấn công mục tiêu chính xác.

Theo Infonet