Thêm bốn công ty năng lượng có thể phá sản trong tuần này

Hiện các công ty trên đã bắt đầu thảo luận với cơ quan quản lý Ofgem. Thông báo về tương lai hoạt động của họ có thể được công bố sớm nhất vào hôm nay thứ Tư 13/10.

Sau một mùa thu khắc nghiệt, ngành công nghiệp năng lượng ở Anh tiếp tục gặp khủng hoảng. Số công ty năng lượng ngừng hoạt động trong năm nay sẽ lên con số 16 sau khi chín công ty sụp đổ chỉ trong tháng trước.

Giá khí đốt tăng mạnh đang gây ra sự hỗn loạn trong ngành, với các công ty bị hạn chế chuyển chi phí tăng cao cho khách hàng bởi giới hạn giá trần.

Cho đến nay, chính phủ đã từ chối cứu trợ các công ty đang gặp khó khăn. Trong khi đó, người tiêu dùng được bảo vệ bởi hệ thống “bên cung cấp cuối cùng” - theo đó một bên cung cấp năng lượng khác sẽ được chỉ định hỗ trợ khách hàng của các công ty phá sản.

13ukAnh vẫn đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng

Hiện Ofgem đang chuyển khách hàng sang nhà cung cấp mới để đảm bảo rằng mọi khoản tín dụng trên tài khoản của họ được bảo vệ.

Các công ty lớn bao gồm British Gas, E-On và EDF Energy đã tiếp nhận phần lớn trong số 1.7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng kể từ đầu tháng 8. Tuy nhiên, hóa đơn năng lượng đã tăng lên hàng trăm bảng khi khuyến mại và ưu đãi của nhà cung cấp cũ bị xóa bỏ.

Giới hạn giá trần năng lượng đã tăng lên 1,309 bảng vào đầu tháng này và dự kiến ​​sẽ tăng trở lại trong lần đánh giá kế tiếp vào tháng 4 năm 2022.

Avro Energy - với 580,000 khách hàng, là nhà cung cấp lớn nhất bị sụp đổ cho đến nay. Tuy nhiên, đã có cảnh báo ngay cả các công ty lớn cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

Cuộc khủng hoảng khí đốt đang có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình trong nước khi một số doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng cảnh báo sẽ không thể chi trả hóa đơn nếu giá tăng cao hơn.

Hôm qua, Thị trưởng London Sadiq Khan đã kêu gọi Chính phủ nên can thiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt tăng.

Ông Khan cho biết nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với “cơn bão hóa đơn năng lượng” khi vừa phục hồi sau đại dịch, trong đó nhiều doanh nghiệp “chỉ mới thoát khỏi khó khăn”.

“Chính phủ cần can thiệp và giúp đỡ bởi vì nếu không, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản và các bộ trưởng sẽ phải chi nhiều hơn khi chi trả trợ cấp cho người lao động bị mất việc”, ông Khan nói.

Viethome (Theo Metro)