Tranh chấp quyền đánh bắt cá, Anh gửi tàu hải quân đến Jersey

Anh quốc đã cử hai tàu tuần tra xa bờ để “theo dõi tình hình” ở Jersey trong bối cảnh tranh chấp quyền đánh bắt cá hậu Brexit với Pháp.

Trước đó, phía Pháp đã đe dọa cắt điện của đảo Jersey và ngư dân Pháp sẽ phong tỏa cảng chính St Helier để chặn dòng lưu thông hàng hóa.

Phố Downing xác nhận Thủ tướng Boris Johnson đã nói chuyện với Thủ hiến Jersey John Le Fondre vào tối thứ Tư 4/5 về các biện pháp phòng ngừa.

Người phát ngôn của phố Downing nói: “Thủ tướng và Thủ hiến nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về việc giảm leo thang căng thẳng và tăng cường đối thoại giữa Jersey và Pháp về quyền tiếp cận biển để đánh bắt cá”.

"Ông Johnson nhấn mạnh sự ủng hộ vững chắc của mình đối với Jersey. Thủ tướng cho biết mọi hành động phong tỏa là hoàn toàn không hợp lý. Để phòng xa, Vương quốc Anh sẽ cử hai tàu tuần tra ngoài khơi tới Jersey để theo dõi tình hình. Thủ tướng và thủ hiến đồng ý chính phủ Anh và Jersey sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ về vấn đề này".

6uk

Ông Johnson bày tỏ sự ủng hộ mãnh mẽ cho chính quyền Jersey

Vụ việc xảy ra sau khi Jersey thực hiện các yêu cầu mới trong điều khoản của thỏa thuận thương mại Anh-EU, theo đó tàu thuyền phải nộp bằng chứng về hoạt động đánh bắt trong quá khứ để được cấp giấy phép hoạt động trong vùng biển Jersey.

Pháp cáo buộc Anh sử dụng thủ tục quan liêu để hạn chế đánh bắt cá quanh hòn đảo và vi phạm thỏa thuận Brexit với EU vào năm ngoái.

Hiện Pháp cung cấp 95% điện năng của Jersey thông qua ba đường cáp dưới biển.

Bà Annick Girardin, bộ trưởng hàng hải của Pháp, nói với quốc hội của nước này rằng Paris có "phương tiện" để thực hiện hành động nhằm vào Jersey nếu vấn đề không thể được giải quyết.

“Mặc dù tôi rất tiếc vì sự việc đã đến mức này, nhưng chúng ta phải làm như vậy nếu cần thiết”, bà Annick nói.

Bộ trưởng cho biết Chính phủ Pháp đã “sẵn sàng sử dụng… các biện pháp trả đũa” chống lại Jersey -  một khu vực tự trị phụ thuộc vào Anh.

Anh quốc và Jersey đã có hành động phản đối sự đe dọa từ phía Pháp.

George Eustice - Bộ trưởng Môi trường và Thực phẩm Anh, cho biết 17 tàu cá Pháp đã không cung cấp được giấy tờ để Jersey cấp giấy phép đánh bắt trong vùng biển của họ.

Theo ông Eustice, Anh quốc đã yêu cầu Ủy ban châu Âu cung cấp dữ liệu để hoàn thành đơn xin cấp phép và sẽ hoàn thành quy trình này ngay khi nhận được dữ liệu cần thiết.

“Tôi nghĩ rằng sự đe dọa từ phía Pháp là hoàn toàn không hợp lý và không thể chấp nhận được,” ông Eustice nói, "Chúng tôi đang làm việc dựa vào thỏa thuận, Jersey đã cấp phép cho hơn 40 tàu, trên thực tế họ đã làm việc rất hiệu quả trong suốt quá trình này. Jersey cũng đã nhấn mạnh họ sẽ xử lý khoảng 17 tàu còn lại ngay khi nhận được dữ liệu, vì vậy tôi nghĩ những bình luận vừa qua của Pháp là không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, bà Girardin tuyên bố việc cho phép 41 thuyền đánh cá trong vùng biển Jersey đi kèm với những yêu cầu mới "chưa được dàn xếp hay thảo luận và Pháp không được thông báo về điều này".

 

Hai tàu tuần tra của Anh

Phía Pháp tiết lộ các yêu cầu này bao gồm quy định những vùng tàu bè được và không được phép lui tới, thời gian hoạt động trên biển và máy móc được phép sử dụng.

Ông Ian Gorst - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jersey, tuyên bố hòn đảo này không tìm cách ngăn cản thuyền đã từng đánh bắt trong vùng biển Jersey và khẳng định tranh chấp có thể được giải quyết bằng cách thức hòa bình.

Ông Ian cho biết trong số 41 chiếc thuyền đang xin giấy phép theo quy định mới vào thứ Sáu tuần trước, chỉ còn 17 thuyền chưa đưa ra bằng chứng cần thiết.

Ông Ian nói: “Thỏa thuận thương mại rất minh bạch nhưng tôi nghĩ đã có một số nhầm lẫn về cách thức thực hiện, bởi vì chúng tôi hoàn toàn tôn trọng quyền lâu đời của ngư dân Pháp trong quá trình đánh bắt cá ở vùng biển Jersey - điều họ đã làm trong nhiều thế kỷ”.

“Tôi nghĩ sẽ có giải pháp cho vấn đề này".

"Tôi khá lạc quan rằng Jersey có thể cung cấp thêm thời gian để các tàu cung cấp bằng chứng”.

Ông Ian tiết lộ chính quyền Jersey hiện đang xin phép London và Brussels để đối thoại trực tiếp với các ngư dân Pháp có liên quan và giải quyết tranh chấp.

Viethome (Theo Metro)