Công nhân may mặc ở Leicester bị bóc lột hàng triệu bảng mỗi tuần

Hiệp hội Bán lẻ Anh BRC cho biết công nhân trong các nhà máy dệt ở Leicester đã bị mất hơn 27 triệu bảng tiền lương trong vòng 3 tháng qua.

textile

Hầu hết người làm trong các xưởng may chật chội từ chối trả lời phỏng vấn

Tháng 7 vừa rồi, BRC đã viết thư gửi Bộ trưởng Nội vụ vào để thúc giục chính phủ nhanh chóng giải quyết tình trạng trả lương thấp trái với luật pháp và môi trường làm việc không an toàn ở một số nhà máy may mặc.

BRC không nhận được phản hồi và đã gửi thêm một bức thư nữa tới Bộ Nội vụ. Theo đó, BRC “ước tính công nhân trong các nhà máy may mặc ở Leicester bị bóc lột 2,1 triệu bảng một tuần”.

"Con số này lên đến hơn 27 triệu bảng Anh kể từ khi chúng tôi nêu vấn đề này với Bộ Nội vụ vào tháng 7. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được”, BRC viết.

Ritu, người đã yêu cầu chúng tôi đổi tên do lo ngại sẽ bị trả thù, đã làm công nhân tại nhà may ở Leicester trong sáu năm qua.

Theo phiếu lương, Ritu được trả mức lương tối thiểu theo chuẩn quốc gia là 8,72 bảng mỗi giờ, và cô ấy phải làm việc 42 giờ mỗi tuần. Nhưng Ritu cho biết mình buộc phải làm việc bảy ngày một tuần với số giờ làm việc nhiều hơn mức lương được trả.

"Tôi phải làm 65 giờ hoặc 75 giờ một tuần”, Ritu nói, "Không lương ốm, không trợ cấp, chỉ làm việc thôi. Tính ra tôi được trả 5 bảng Anh một giờ”.

Ritu cho biết mình không thể tìm việc ở một nhà máy khác do mức lương thật luôn dao động từ 5 đến 5.5 bảng.

textile1

Ritu cho biết cô rất sợ các ông chủ của mình

Khi được hỏi liệu cô ấy có sợ ông chủ của nhà máy hay không, Ritu trả lời "tất nhiên là có".

Cô ấy cũng nghĩ rằng tiếng Anh của mình chưa tốt tốt nên quyết định không tìm việc khác.

Hiện có tới 10,000 công nhân đang làm việc trong hàng trăm nhà máy và xưởng may ở Leicester.

Ông Peter Andrews, cán bộ cao cấp của BRC, cho biết Chính phủ cần thắt chặt quy định đối với ngành dệt may.

textile4

Ông Peter Andrews kêu gọi Chính phủ thiết lập hệ thống cấp phép

“Chúng tôi đang yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ triển khai một hệ thống cấp phép đã được thử nghiệm”, ông Andrews nói, "Việc này đảm bảo tất cả các doanh nghiệp đều được cơ quan chức năng kiểm tra xem họ có trả đủ mức lương tối thiểu, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, an toàn cũng như đối xử với người lao động công bằng hay không”.

Số lượng các công nhân gọi đến Đường dây trợ giúp Nô lệ Hiện đại trên toàn quốc đã tăng lên. Justine Corrall, giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Unseen UK, nói rằng đây là vấn đề mang tính hệ thống. Cá biệt, một số công nhân chỉ được trả 3,50 bảng một giờ.

"Việc này không xảy ra ở một nhà máy hay một địa điểm, mà là tình trạng chung”, bà Corrall nói, "Vì vậy, nếu công nhân lên tiếng về các vấn đề này, những nhà máy khác có thể đồng loạt không tuyển họ”.

textile3

Bà Corrall cho biết nhiều công nhân bị đe dọa

Bà Corrall cũng cảnh báo về nguy cơ người lao động và gia đình họ “bị đe dọa về mặt thể chất”.

"Ngoài ra, một số công nhân có thể không có các tư cách hợp thức ở Anh, có nghĩa là họ không thể phàn nàn do điều đó có thể đẩy họ vào tình trạng nguy cấp hơn”, bà Corall giải thích.

Bộ Nội vụ cho biết họ đã nhận thư từ BRC và sẽ trả lời trong thời gian thích hợp.

"Việc bóc lột những người lao động dễ bị tổn thương vì lợi ích thương mại là điều đáng khinh và chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp làm tất cả những gì có thể để giải quyết vấn đề lạm dụng và bóc lột trong chuỗi cung ứng của họ”, người phát ngôn của Bộ nói.

Bộ Nội Vụ cũng khẳng định “sẽ đưa thủ phạm ra trước pháp luật nếu Đội điều tra do Gangmasters dẫn đầu và Cơ quan Chống Lạm dụng Lao động tìm được bằng chứng ".

Viethome (Theo Sky News)