2/3 người lao động hưởng trợ cấp “vẫn đi làm trong thời gian phong toả”

Một báo cáo mới đây đã chỉ ra 2/3 trên tổng số 9.4 triệu lao động được nghỉ làm có lương do đại dịch COVID-19 vẫn đi làm.

Theo các nhà nghiên cứu tại thuộc trường đại học Oxford, Cambridge và Zurich, mặc dù các công ty được cảnh báo rằng những nhân viên làm việc trong thời gian phong tỏa sẽ không được hưởng trợ cấp, ước tính vẫn có khoảng sáu triệu người lao động phạm luật. Một phần ba còn lại bị chủ bắt buộc phải làm việc. Cá biệt có một điều dưỡng được yêu cầu tiếp tục đi làm nếu không bệnh nhân sẽ không được chăm sóc. Những người khác vẫn làm việc tại nhà vài giờ một tuần dù biết việc này trái luật.

Những người phạm luật  làm việc trung bình 15 giờ một tuần, trong đó nam giới  thuộc nhóm thu nhập cao có khả năng vi phạm cao  nhất. Cơ quan Thuế và Hải quan Anh HMRC hứa sẽ điều tra tất cả các công ty bị cáo buộc sai phạm.

PRI 156059600

Hàng triệu lao động được hưởng trợ cấp của Chính phủ

Khi Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak tuyên bố Chính phủ sẽ chi trả 80% lương tháng 3 của người lao động trong thời gian nghỉ việc tạm thời, ông đã kêu gọi “cả nước cùng chung tay cố gắng” . Tuy nhiên, kết quả khảo sát  9.000 lao động cho thấy 63% người thuộc diện được hưởng trợ cấp phạm luật. Trong số đó, khoảng một phần ba bị sếp “ép buộc” đi làm.

Báo cáo cho biết: “Người lao động thường xuyên bỏ qua lệnh cấm làm việc trong thời gian được nghỉ có lương, đặc biệt là những người có thể hoàn thành phần lớn công việc của họ ở nhà”. Lĩnh vực công nghệ thông tin “đóng góp” lớn nhất với 44% người lao động tiếp tục làm việc tại nhà.

Georgina Halford-Hall, giám đốc điều hành của WhistleblowersUK, nói: “Chúng tôi phát hiện một nhóm 15 công nhân xây dựng phải tiếp tục làm việc nếu họ không muốn bị đuổi khi đợt nghỉ được trả lương kết thúc”.

Bà Hall cũng cho biết người lao động thường nhận được câu trả lời “ai cũng làm thế” và “không ai biết chuyện này đâu” khi họ bày tỏ lo ngại về việc vi phạm pháp luật với chủ doanh nghiệp.

HMRC hiện đang điều tra 8,000 cáo buộc nhận được qua đường dây nóng và đã từ chối 30.000 khiếu nại họ cho là không có căn cứ.

Cơ quan này đã gửi “tối hậu thư” cho các công ty bị nghi ngờ phạm luật và đang sử dụng “phần mềm máy tính tinh vi” để tìm bằng chứng. Người sử dụng lao động có 90 ngày để hoàn trả toàn bộ tiền trợ cấp họ đã gian lận. Sau 90 ngày, doanh nghiệp chưa thực hiện yêu cầu sẽ bị phạt gấp đôi số tiền kiếm được nhờ lách luật.

HMRC cho biết họ “cam kết sẽ bảo vệ chính sách hỗ trợ người lao động của Chính phủ khỏi sự lạm dụng của tội phạm có tổ chức, các hình thức ‘khai khống’ và phạm luật khác”. “Chúng tôi đang bắt đầu điều tra các khoản trợ cấp dựa trên dữ liệu bảng lương hiện có”, người đại diện của HMRC nói.

Viethome (Theo Metro)