Kêu gọi khám nghiệm tử thi người xin tị nạn tử vong tại cửa hàng rửa xe

Gia đình của Mustafa Dawood, người qua đời trong cuộc đột kích của cục di trú, đã kêu gọi ‘tìm sự thật’.
 
322
 
Gia đình của người thanh niên xin tị nạn 23 tuổi chết trong cuộc đột kích của Bộ Nội vụ đang kêu gọi điều tra về cái chết của anh để biết rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra.
 
Mustafa Dawood chạy trốn khỏi những bất ổn ở quê nhà Darfur, Sudan, một trong những nơi vi phạm nhân quyền nhất trên thế giới, và đến Anh vào năm 2015.
 
Hoàn cảnh dẫn đến cái chết của anh vẫn chưa được làm rõ. Thanh niên này đã làm việc trái phép tại cửa hàng rửa xe Shaftesbury ở Newport, Wales, và trong một cuộc đột kích của bộ Nội vụ hôm 30/6, anh đã ngã từ mái nhà của một nhà xưởng gần đó và tử vong.
 
Anh trai anh, Ahmed Dawood, 29 tuổi đã lặn lội từ Colorado, Hoa Kỳ, tới Anh sau khi được thông báo về vụ việc, và người anh họ, Abdulaziz Osman, 35 tuổi, sống tại Southampton cũng có mặt. Hai người thâ này nghĩ rằng họ sẽ nhìn thấy người em của mình với nhiều vết thương nghiêm trọng do cú ngã. Nhưng họ cho biết tất cả những vết thương có thể nhìn thấy được chỉ là một dấu nhỏ trên ngón tay và một vết xước khác trên cằm.
 
“Đây không phải là những dấu hiệu thường thấy khi một người ngã xuống từ độ cao như vậy,” Osman nói. “Chúng tôi có rất nhiều thắc mắc về cái chết của Mustafa và một cuộc khám nghiệm tử thi có thể giúp chúng tôi tìm ra sự thật về cái chết của Mustafa.”
 
Phát ngôn viên của đội điều tra những cái chết bất thường cho biết hiện họ chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu có thực hiện khám nghiệm tử thi hay không và trong một vài trường hợp, các hồ sơ từ bệnh viện như phim X quang, phim chụp CT cũng có thể cung cấp đầy đủ bằng chứng y khoa cần thiết.
 
“Thật đau buồn khi Mustafa đã cố gắng thoát khỏi được tất cả những mối nguy hiểm ở Dafur, đến được Anh sau khi băng qua những nơi khắc nghiệt như Libya, vượt qua Địa Trung Hải, đi qua Châu Âu tới Calais và trốn trong một chiếc xe tải để vào Anh, nơi cậu ấy nghĩ rằng mình đã được an toàn,” Dawood nói. “Vậy mà cuối cùng cậu ấy lại mất mạng trong một cuộc đột kích của Bộ Nội vụ ở chính anh quốc, nơi cậu ấy nghĩ là an toàn.”
 
Dawood và Osman bày tỏ lòng thương tiếc đối với người thân của mình. “Cậu ấy là một thanh niên trầm tĩnh và được nhiều người yêu mến. Cậu ấy có 4,000 người bạn trên Facebook. Cậu ấy không bao giờ uống rượu hay hút thuốc và luôn cố gắng giúp đỡ mọi người.”
 
Mustafa Dawood đến Anh vào ngày 30 tháng Bảy năm 2015 và xin tị nạn vào cùng ngày, dựa trên cơ sở anh là một người da màu đến từ Dafur, thuộc bộ tộc Zaghawa, nhóm người được Bộ Nội vụ xác nhận là bị khủng bố bởi chính quyền Sudan. Anh đã cung cấp cho Bộ Nội vụ các bằng chứng về xuất thân của mình nhưng yêu cầu xin tị nạn của anh đã bị từ chối và vào tháng Tư năm 2018, anh nhận được một lá thư cho biết Bộ Nội vụ sẽ dừng cung cấp nhà ở và các hỗ trợ khác cho anh.
 
“Cậu ấy làm việc để kiếm tiền mua thức ăn,” Ahmed Dawood nói. “Cậu ấy không hề ăn cắp tiền của ai. Cố gắng làm việc để sống không phải là tội lỗi.”
 
Osman nói phải hơn hai ngày sau khi Mustafa Dawood qua đời, anh mới được ảnh sát Newport cho biết tin. “Bộ Nội vụ ghi nhận tôi là người thân của Mustafa ở Anh. Tôi không biết tại sao họ lại không lập tức thông báo mọi chuyện cho tôi,” anh nói.
 
Gia đình đang yêu cầu Bộ Nội vụ cấp visa cho mẹ Dawood tới Anh để dự tang lễ nhưng không rõ có được chấp thuận hay không.
 
“Chúng tôi thực sự sốc. Sauk hi vượt qua muôn vàn khó khăn, Mustafa lại bỏ mạng tại chính nơi đây,” Osman nói. “Bộ Nội vụ nói, mọi chuyện đã được cải thiện sau vụ bê bối Windrush nhưng chẳng có gì thay đổi với Mustafa.”
 
Natasha Thompson, thuộc quỹ từ thiện Inquest, nói: “Việc tiếp cận với những người xin tị nạn thông qua các cuộc đột kích như đang diễn ra ở Anh thực sự đáng lo ngại và xấu hổ. Chúng tôi hy vọng rằng cái chết của Mustafa sẽ được xem xét từ bối cảnh thiếu thân thiện hiện tại, và ảnh hưởng của chính sách này không nên bị xem nhẹ.”
 
Yarra Nabulsi, từ tổ chức hỗ trợ người bị tạm giữ do nhập cư trái phép, nói: “Tước quyền làm việc của những người xin tị nạn đẩy họ vào những điều kiện làm việc thiếu an toàn và bị lạm dụng. Mối đe dọa bị giam cầm và chính sách thiếu thân thiện khiến cho cuộc sống của những người này thêm khó khăn.”
 
Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Nhờ vào nguồn thông tin được cung cấp, lực lượng di trú có mặt tại cửa hàng rửa xe Shaftesbury trên đường Albany, Newport vào ngày thứ Bảy, 30/6. Trong quá trình làm việc, một thanh niên người Sudan 23 tuổi đã ngã từ trên cao xuống và cuộc kiểm tra đã được tạm dừng. Các nhân viên có mặt tại hiện trường đã cố gắng thực hiện các thao tác cấp cứu và hồi sức cho đến khi nhân viên y tế đến. Người thanh niên này đã được xe cứu thương đưa tới bệnh viện và tử vong tại đó. Chúng tôi xin chia buồn với gia đình người bị nạn.
 
“Cũng giống như các trường hợp tử vong khác xảy ra trong các cuộc kiểm tra của đội di trú, cảnh sát đã được thông báo và vụ việc được chuyển tới cơ quan độc lập kiểm tra hành vi của cảnh sát và hiện đang được điều tra.”
 
 
VietHome (Theo Guardian)