Liệu thẻ căn cước có phải là giải pháp cho vấn đề nhập cư bất hợp pháp?

ID
Mẫu thẻ căn cước được Đảng Lao động giới thiệu vào năm 2008
 
Hai cựu Bộ trưởng Nội vụ là thành viên Đảng Lao động – Charles Clarke và Alan Johnson – đang thúc giục chính phủ cân nhắc lại vấn đề sử dụng thẻ căn cước.
 
Trong một lá thư chung gửi tới tờ Times, các cựu nghị sĩ nói rằng phương pháp này có thể giúp ngăn chặn những khủng hoảng như vụ bê bối Windrush mới đây.
 
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Nội vụ của Đảng Bảo thủ, Ken Clarke, bày tỏ không thể kiểm soát vấn đề nhập cư bất hợp pháp mà không sử dụng hệ thống căn cước.
 
Kể từ khi thẻ căn cước bị loại bỏ ở Anh vào năm 1952, liên tục xuất hiện những lời kêu gọi mang chúng trở lại.
 
Nỗ lực mới đây nhất – và cũng nghiêm túc nhất – là vào thời điểm sau vụ tấn công 11/9 ở Mỹ năm 2001. Khi đó, chính phủ cầm quyền bởi Đảng Lao động có đường lối quản lý nhập cư và an ninh cứng rắn hơn.
 
Đây là giai đoạn người ta tin rằng những mối đe dọa khủng bố chủ yếu đến từ những người ngoại quốc sinh sống ở Anh, nhiều người trong số đó mang nhiều danh tính khác nhau và đang lưu trú tại quốc gia này bất hợp pháp.
 
Nhưng khi Bộ trưởng David Blunkett công bố đề xuất của ông vào tháng Bảy năm 2002, thẻ căn cước được đặt tên lại thành “thẻ định danh”, chủ yếu được dùng để giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ và phúc lợi.
 
Phải mất thêm sáu năm nữa, những chiếc thẻ đầu tiên mới được phát hành, nhưng đến năm 2010, một chiến dịch tự do dân chủ mạnh mẽ có sự hỗ trợ của Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do đã bác bỏ kế hoạch này. Tính đến thời điểm đó, việc phát hành thẻ căn cước đã tiêu tốn đến 300 triệu bảng.
 
Hiện tại, cuộc khủng hoảng Windrush một lần nữa làm dấy lên lo ngại về vấn đề nhập cư bất hợp pháp và nhu cầu đăng ký danh tính của 3.5 triệu công dân châu Âu muốn sống tại Anh sau Brexit dẫn đến kết luận rằng hệ thống thẻ căn cước nên được thiết lập.
 
Tuy nhiên, viễn cảnh này còn khá xa xôi. Thủ tướng Theresa May từng là bộ trưởng bộ nội vụ quyết định loại bỏ kế hoạch căn cước trước đây. Việc thiết lập và ban hành thẻ cũng khá tốn kém (ước tính trước đây là khoảng 5 tỷ bảng). Bên cạnh đó, trong chính phủ vẫn có nhiều người kịch liệt phản đối kế hoạch trước đây và vẫn giữ quan điểm đó ở thời điểm hiện tại, điển hình là Bộ trưởng chịu trách nhiệm vấn đề Brexit, ông David Davis.
 
Một nghị sĩ của Đảng Bảo thủ, ông Jacob Rees-Mogg, cho rằng việc đưa thẻ căn cước vào hoạt động sẽ là một sai lầm: “Nếu bạn có thẻ căn cước, cảnh sát có thể truy hỏi bạn là ai và bạn đang làm gì vào bất cứ khi nào. Đó không phải là phong cách Anh,” ông nói.
 
Nước Anh là một trong ba quốc gia EU duy nhất không ban hành thẻ căn cước, hai nước còn lại là Đan Mạch và Cộng hòa Ai-len.
 
Thẻ căn cước là bắt buộc ở 16 quốc gia, bao gồm Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cyprus, CH Séc, Estonia, Đức, Hy Lạp, Italy, Luxembourg, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha và Slovakia
 
Trong khi công dân ở một vài nước không bắt buộc phải đăng ký thẻ căn cước, họ vẫn được yêu cầu sở hữu những giấy tờ xác minh khác thay thế, như ở Hungary, Latvia, Lithuania, Slovenia, Áo, Phần Lan, Pháp, Hà Lan và Thụy Điển.
 
 
VietHome (Theo BBC)