Yêu cầu chính phủ xem xét lại chính sách nô lệ sau khi các nạn nhân trẻ em đã được cứu thoát lại tiếp tục bị bóc lột

Nhân viên xã hội và cảnh sát cảnh báo hệ thống “đang rơi vào tay những kẻ buôn người” khi các nạn nhân nô lệ trẻ em bị tước đi những hỗ trợ đặc biệt khiến các em tiếp tục bị lạm dụng.

no le tre em

Các giới chức đang thúc giục Chính phủ xem xét lại các chính sách nô lệ vì nhiều nạn nhân trẻ em của nạn buôn lậu đã bị bóc lột trở lại chỉ sau vài tuần được giải cứu.

Các nhân viên xã hội, cảnh sát và luật sư cảnh báo rằng Hệ thống Tham chiếu Quốc gia NRM – hệ thống chính thức dành cho nạn nhân của nạn buôn người ở Anh – đang thất bại trong việc bảo vệ các em nhỏ, cả trong và sau quá trình xác định danh tính.

Trẻ em dưới 13 tuổi từ nhiều quốc gia bao gồm cả Anh đã được xác nhận là nạn nhân nô lệ và được nhập thông tin vào kho dữ liệu quốc gia, nhưng sau đó chỉ vài tuần hoặc vài ngày, các em đã bị đẩy trở lại vào hoàn cảnh bị bóc lột.

Trong khi Chính phủ chi 9 triệu bảng mỗi năm vào hệ thống hỗ trợ đặc biệt dành cho các nạn nhân người lớn ở Anh và xứ Wales sau khi họ được xác nhận danh tính, trách nhiệm chăm sóc nạn nhân trẻ em lại nằm ở chính quyền địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ được đưa vào hệ thống chăm sóc thông thường và không nhận được hỗ trợ cho các hoạt động chăm sóc đặc biệt.

Các chuyên gia cho biết quy trình đánh giá liệu một đứa trẻ có phải là nạn nhân hay không kéo dài tới một năm, và kể cả khi đã được xác định là nạn nhân, lũ trẻ cũng không nhận được các chăm sóc cần thiết, như nhà ở đặc biệt hoặc tư vấn tâm lý.

Một khảo sát thực hiện bởi quỹ từ thiện nô lệ trẻ em Ecpat UK tiết lộ hầu hết các chuyên viên tiếp xúc với trẻ em bị lạm dụng đều bày tỏ thái độ không tin tưởng vào sự an toàn của hệ thống.

Chỉ có 7% người tham gia khảo sát cho rằng NRM luôn mang lại sự bảo vệ phù hợp cho các em, trong khi hơn 1 trong số 10 người nói NRM chưa bao giờ đạt được mục tiêu này và 31% cho rằng NRM hiếm khi đạt được điều đó. Bốn trên năm người tham gia không tin các quyết định của NRM được đưa ra trong thời gian quy định và họ cho rằng quy trình không được thực hiện vì lợi ích của trẻ em.

Một cô bé người Anh 15 tuổi được đưa vào hệ thống NRM vào tháng Tư năm ngoái vì có dấu hiệu bị lạm dụng tình dục và là nạn nhân buôn người sau khi cảnh sát phát hiện ra em giữ trong người ma túy hạng A và bao cao su.

Jo, tên em được thay đổi để bảo vệ danh tính, được sắp xếp đưa đến nơi bảo vệ khẩn cấp ở một hạt khác, nhưng việc này bị tạm dừng vào ngày hôm sau, khi Cảnh sát giao thông Anh đưa chuyến tàu trở lại nơi em được phát hiện.

Quyết định tiến hành xác nhận em là nạn nhân của nạn buôn người được đưa ra sau đến 7 tháng, việc lẽ ra chỉ nên mất vài ngày. Hơn một năm sau, quyết định cuối cùng xác nhận Jo là nạn nhân vẫn chưa được NRM đưa ra. Điều này khiến cảnh sát không rõ nên đối xử với em như nạn nhân hay tội phạm. Và cô bé lại tiếp tục trở lại là nạn nhân bị bóc lột ngay trong quá trình chờ đợi kết quả.

Jo chỉ là một trường hợp điển hình. Theo thống kê hồi năm ngoái của Ecpat UK, 167 trên 590 trẻ em bị nghi ngờ hoặc được xác định là nạn nhân của nạn buôn người đã biến mất khỏi nơi chăm sóc các em trên khắp đất nước.

Paul Smith, cảnh sát điều tra thuộc đội tìm kiếm người mất tích của sở cảnh sát Croydon, là người tham gia vào vụ án của Jo, cho biết khi người lớn được phát hiện là nạn nhân, hệ thống sẵn sàng trợ giúp. Nhưng hệ thống này đơn giản là không dành cho nạn nhân trẻ em – và trách nhiệm hoàn toàn bị đẩy cho chính quyền địa phương.

“Rõ ràng với những cắt giảm các hội đồng địa phương đang phải chịu, các khu chăm sóc ở Anh không thể có đủ sức chứa dành cho các nạn nhân trẻ em cần bảo vệ,” ông nói.

“Tôi không có ý phê phán chính quyền địa phương – nhưng rõ ràng trẻ em không nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ mà chúng cần. Chúng tôi nhận thấy rất nhiều nạn nhân lại tiếp tục bị đem ra buôn bán. Bọn trẻ luôn ở trong tình trạng nguy hiểm, từng bị ép sử dụng ma túy hoặc bị lạm dụng tình dục, và luôn có nguy cơ bị trượt vào vũng lầy một lần nữa.

“Khi chúng tôi chứng minh được có điều gì đó không ổn với một đứa trẻ và rằng đứa trẻ này đang bị lạm dụng hoặc có nguy cơ gặp nguy hiểm, NRM dường như chỉ quan tâm lấy lệ thay vì bảo vệ bọn trẻ cẩn thận.”

Ông Smitth lên tiếng yêu cầu khoản hỗ trợ quốc gia dành cho nạn nhân người lớn cũng phải có phần cho trẻ em. Ông nói: “Là những người cảnh sát, chúng tôi muốn bảo vệ và đưa bọn trẻ đến chỗ an toàn, nơi chúng nhận được hỗ trợ.

“Chúng ta cần một phương pháp toàn diện hơn. Chúng ta cần hỗ trợ nhiều tài chính hơn để xây dựng nơi trú ẩn cho những nạn nhân nhỏ tuổi.”

Andy Elvin, một nhân viên xã hội và là giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện TACT Care, cho biết việc thiếu sự chú ý và quan tâm dành cho các nạn nhân trẻ em khiến bọn trẻ có nguy cơ tiếp tục bị lạm dụng.

“Chúng ta không có sự quan tâm đầy đủ và nhất quán đối với nạn nhân buôn người là trẻ em,” ông nói. “Những đứa trẻ này đều phải đối mặt với một số vấn đề cụ thể. Các em dễ dàng chạy khỏi nơi trú ẩn bởi các em sợ bọn buôn người và bị chúng yêu cầu phải đến gặp chúng. Bọn trẻ sẽ đi vì các em sợ gia đình mình sẽ gặp nguy hiểm; một vài em bị ghi nợ vì thế chúng sợ phải nợ thêm tiền.

“Có thể cảnh sát sẽ lại tìm được bọn trẻ, nhưng rồi các em sẽ lại chạy trốn khỏi sự chăm sóc của chúng ta, trừ khi chúng ta có những nơi chú ẩn đặc biệt dành riêng cho các em. Các em cần được nhận quốc tịch vĩnh viễn và cần được giúp đỡ để tránh rơi lại vào bàn tay của lũ buôn người. Các em cần được cảm thấy an toàn và có thể thoát ra khỏi những trải nghiệm xấu đã qua.”

Philippa Southwell, cố vấn pháp luật thuộc tổ chức Birds Solicitors, chuyên chịu trách nhiệm biện hộ cho nạn nhân trẻ em trong các vụ án buôn người, cho biết bà thường phải cố gắng nhờ cậy đến các tổ chức từ thiện để tìm kiếm sự hỗ trợ cho các thân chủ của bà.

“Cơ chế của chúng ta có vấn đề. Tôi phải phụ thuộc rất nhiều vào các tổ chức phi chính phủ để nhận được hỗ trợ chuyên môn. Và khi bọn trẻ được tư vấn và chăm sóc một-một, chúng thực sự cảm thấy dễ dàng hòa nhập trở lại với xã hội hơn,” bà nói.

“Nhân viên xã hội của chúng ta không có đủ năng lực hoặc tài chính để làm những việc đó. Một vài đứa trẻ mắc chứng sợ hãi nghiêm trọng đến độ các em không dám sử dụng phương tiện công cộng một mình. Chỉ là những việc cơ bản như vậy.”

Hiệp hội Chính quyền Địa phương (LGA), tổ chức đại diện cho 370 hội đồng địa phương thuộc nước Anh và xứ Wales, đã cùng đưa ra lời kêu gọi Chính phủ hãy cho nạn nhân trẻ em được hưởng quỹ quốc gia dành cho nạn nhân nô lệ như người lớn.

Ông Richard Watts, chủ tịch ban Trẻ em và Thanh thiếu niên thuộc LGA, cảnh báo việc các chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm hỗ trợ các nạn nhân nô lệ trẻ em mà không có bất cứ nguồn tài chính nào khác khiến các chính quyền phải đối mặt với nhiều áp lực và căng thẳng hơn.

“Chính quyền địa phương luôn cam kết bảo vệ những cá nhân yếu thế trong xã hội của chúng ta, bao gồm cả những người phải chịu đựng nạn nô lệ hiện đại. Nạn nhân có thể là người lớn hoặc trẻ em, nhưng hiện nay trẻ em không được tiếp cận với hỗ trợ của Chính phủ,” ông nói.

“Trong khi đó, các dịch vụ của chính quyền địa phương đang phải chịu khoản thâm hụt tài chính lên đến 2 tỷ bảng, tính tới năm 2020. Việc thiếu sự hỗ trợ mang tính quốc gia này càng đặt thêm áp lực lên các địa phương vốn đã đang phải gồng mình chống đỡ.

“Nếu không có giải pháp nào cho thâm hụt tài chính này, những dịch vụ quan trọng mà rất nhiều trẻ em và gia đình, trong đó có cả các nạn nhân nô lệ hiện đại, trên khắp đất nước đang phải bám víu sẽ đứng trước nguy cơ dừng hoạt động.”

Ông kêu gọi Chính phủ hành động để bù đặp khoản hỗ trợ 2 tỷ bảng dành cho các dịch vụ trẻ em, và để cho trẻ em cũng được hưởng hỗ trợ như nạn nhân người lớn.

“Các chính quyền địa phương sẽ không khoanh tay đứng nhìn người dân trong cộng đồng của họ bị bóc lột và đềuca m kết sẽ bảo vệ những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là trẻ em,” ông nói thêm.

“Bởi tính chất bí mật của nó, nạn nô lệ trẻ em đang trở thành mối đe dọa trên khắp đất nước. Việc quan trọng chính là chính quyền địa phương và chính phủ phải làm việc cùng nhau để đảm bảo các nạn nhân ở bất cứ lứa tuổi nào có thể tiếp cận với những hỗ trợ họ cần.”

Bộ Nội vụ hiện đang kiểm tra lại quy trình xác định và hỗ trợ nạn nhân buôn người, sau khi hoạt động của NRM vào năm 2014 được xác nhận là thất bại. Nhưng nhiều người cho rằng việc kiểm tra này đang kéo dài quá lâu.

Sau đề xuất của Ecpat UK, các nhà hoạt động đã cùng đưa ra đơn thỉnh cầu, kêu gọi các bộ trưởng kiểm tra kỹ lưỡng hoạt động của NRM và xây dựng một hệ thống mới lấy quyền trẻ em làm trung tâm, thu hút sự tham gia của những chuyên gia bảo vệ trẻ em được đào tạo và có kinh nghiệm trong việc xác định và giúp đỡ các trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng.

Chloe Setter, người chịu trách nhiệm vấn đề chính sách của Ecpat UK, cảnh báo sự thất bại của hệ thống hiện tại đẩy nó rơi vào tay chính những kẻ buôn người.

“Cách trẻ em bị lạm dụng ở nước Anh được đối xử quả là một vụ bê bối mang tính quốc gia. Chúng ta có hẳn một hệ thống – NRM – để xác định và hỗ trợ các nạn nhân, vậy mà hệ thống này lại thất bại trong cả hai mặt trận,” bà nói.

“Rất nhiều trẻ em đang bị lạm dụng mà không được phát hiện vì thiếu các chuyên gia được đào tạo, quyết định quy trình xác định thường mắc lỗi, và sự hỗ trợ dành cho các nạn nhân đã được xác định thường không nhất quán, dẫn đến cảnh các em lại tiếp tục bị lạm dụng.

“Nói theo cách nào đó, chúng ta thực sự đã rơi vào tay lũ buôn người, những kẻ đã nhận thấy điểm yếu của hệ thống chăm sóc và sử dụng nó như “kho chứa” các nạn nhân trẻ em.”

Khi được yêu cầu đưa ra ý kiến, Chính phủ cho biết việc bảo vệ các nạn nhân trẻ em là điều tối quan trọng. Một phát ngôn viên cho hay chính phủ đang giới thiệu một hệ thống độc lập hỗ trợ trẻ em bị buôn người và chi một khoản 2.2 triệu bảng để bảo vệ trẻ em gặp nguy hiểm ở Anh cũng như ở nước ngoài.

“Tất cả các cơ sở địa phương đều có nghĩa vụ bắt buộc phải bảo vệ trẻ em và chúng tôi đã thắt chặt luât lệ liên quan đến nơi trú ẩn cho các em. Chúng tôi cũng yêu cầu chính quyền địa phương có nghĩa vụ thông báo cho chúng tôi khi trẻ em mất tích khỏi nơi chăm sóc, kể cả khi chưa quá 24 giờ,” phát ngôn viên nói.

“Nạn nhân trẻ em của nạn buôn người cần nhận được sự hỗ trợ cho các nhu cầu và tổn thương cụ thể của các em. Và đó là lý do vì sao hồi năm ngoái, chúng tôi đã giao phó cho ECPAT UK và Hội đồng Tị nạn cung cấp các khóa đào tạo chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi và bị buôn người cho các nhân viên chăm sóc, nhân viên hỗ trợ và các chuyên viên khác.”

Viethome (theo Independent)