Sức ép lên ngành bán lẻ nước Anh ngày càng gia tăng

Trong sáu tháng đầu năm 2016, có tới 2.656 cửa hiệu tại các tuyến phố buôn bán lớn của Anh đã phải đóng cửa, tương đương 15 cửa hiệu mỗi ngày.

ngành bán lẻ nước Anh

Các chuỗi cửa hiệu bán lẻ truyền thống vốn tọa lạc tại các tuyến phố buôn bán sầm uất trung tâm tại Vương quốc Anh đang phải “nhường chỗ" cho các cửa hàng bán đồ giảm giá hay cửa hàng cà phê.

Người tiêu dùng “xứ sở sương mù” đang có xu hướng chuyển sang mua sắm trên mạng, cộng thêm tình trạng lương không tăng kéo dài khiến sức mua của người tiêu dùng giảm sút. 

Sức ép lên ngành bán lẻ của Anh gia tăng, khi theo báo cáo mới nhất của hãng kiểm toán PwC và công ty nghiên cứu dữ liệu Local Data Company, trong sáu tháng đầu năm 2016, có tới 2.656 cửa hiệu tại các tuyến phố buôn bán lớn phải đóng cửa, tương đương 15 cửa hiệu mỗi ngày.

Trong khi đó, số cửa hiệu mới mở cũng đứng ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, giảm từ con số 2.197 xuống còn 2.153. 

Hồi tuần trước, các tuyến phố buôn bán chính đón nhận tin không vui khi tập đoàn thời trang Gap (Mỹ) tuyên bố rút nhãn hiệu Banana Republic khỏi nước Anh, đồng nghĩa với việc tám cửa hàng của nhãn hiệu này sẽ đóng cửa.

Công ty nghiên cứu tiêu dùng Kantar Worldpanel cảnh báo rằng doanh số bán hàng thời trang tại Anh đang giảm ở mức mạnh nhất kể từ thời khủng hoảng tài chính 2008. 

Tính từ đầu năm tới ngày 25/9 năm nay, chi tiêu của người tiêu dùng cho quần áo, giày dép và hàng phụ kiện giảm khoảng 700 triệu bảng so với cùng kỳ năm 2015.

Các cửa hàng thời trang đang trải qua giai đoạn khó khăn, khi có tới 206 cửa hàng đóng cửa và chỉ có 119 cửa hàng mới mở cửa trong sáu tháng đầu năm nay. Các cửa hàng bán lẻ lớn đang “nhường chỗ” cho các cửa hàng thuốc lá, đại lý bất động sản hay các cửa hàng bán đồ trang sức. 

Nhà phân tích bán lẻ Richard Hyman cho hay trong tuần vừa qua, khoảng 64% cửa hàng bán lẻ tiến hành các đợt giảm giá, nhằm giảm lượng hàng tồn kho. Theo ông Hyman, đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với thị trường bán lẻ Anh. Tuy vậy, năm 2017 được dự báo sẽ là năm khó khăn hơn nữa đối với thị trường này.

 

VietHome(Theo Bnews)