Bật mí thú vị về "người đàn bà thép" thứ hai của Anh

Theresa May đã trở thành nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử Anh. Bà là một trong những nữ chính khách quyền lực nhất thế giới. 

Theresa May trở thành nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử Anh sau sau thời kỳ của “bà đầm thép Margaret Thatcher” từ 1979-1990. Bà May sẽ sớm kế nhiệm chức Thủ tướng sau khi Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức vào ngày 24/6 và đối thủ chính đột ngột rút lui trong cuộc tranh cử chức thủ tướng ngày 11/7.

Tân Thủ tướng Theresa Mary May (Theresa Mary Braiser), 59 tuổi, sinh ở một thị trấn ven biển Eastbourne trên bờ biển phía nam nước Anh. Tân Thủ tướng Anh Theresa May là sinh viên Đại học Oxford. Khi đó, bà theo học ngành nghiên cứu địa lý. Trước khi trở thành một thành viên Quốc hội, bà May từng làm việc ở Ngân hàng Anh và từng giữ chức Trưởng Đơn vị giao dịch châu Âu và Cố vấn cao cấp về vấn đề quốc tế tại APACS.

bat mi thu vi ve nguoi dan ba thep thu hai cua anh

 Bà Theresa Mary May trở thành nữ Thủ tướng thứ 2 trong lịch sử Anh.

Bà May kết hôn với ông Philip May năm 1980 sau khi hai người gặp nhau lần đầu tại một buổi khiêu vũ. Khi đó, bà đang theo học tại Đại học Oxford.

Theresa Mary May trở thành ủy viên hội đồng tại khu Merton, London từ năm 1986 - 1994. Bà được bầu làm nghị sĩ ở Maidenhead vào tháng 5/1997. Bà May dần trở thành nữ chính khách có tiếng nói trong đảng Bảo thủ và giữ nhiều chức vụ trong Quốc hội từ năm 1997.

Nữ Thủ tướng Anh Theresa May từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: thành viên Nội các bóng tối từ năm 1999 - 2010 và là chủ tịch nữ đầu tiên của đảng Bảo thủ từ năm 2002 - 2003.

Đến tháng 5/2010, bà May được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng. Bà trở thành người giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Anh lâu nhất 50 năm qua.

Là một trong những nữ chính khách quyền lực nhất trong đảng Bảo thủ, bà May là người ủng hộ bình đẳng giới và hôn nhân đồng tính.

Là một người ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU), tân Thủ tướng Theresa Mary May từng phát biểu có thể giúp Anh trở thành một đất nước đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi người. Bà cũng tự nhận sẽ làm cây cầu kết nối giữa phe hoài nghi châu Âu (Euroskeptics) và phe tiến bộ của đảng Bảo thủ khi lãnh đạo nước Anh hậu Brexit. Bà May cũng từng phát biểu sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về việc Anh nên đi hay ở lại EU và cam kết sẽ vạch ra kế hoạch kinh tế để giải quyết tình hình bất ổn mà nước Anh sẽ phải đối mặt sau khi rời EU.  

VietHome (Theo Báo Mới)