Đoạn video cho thấy một số cá voi sát thủ giả vẫn thở hổn hển với những tiếng kêu yếu ớt, nằm trên cát và không thể di chuyển.
Ngày 19/2/2025, một sự kiện đáng buồn đã xảy ra khi hơn 150 con cá voi sát thủ giả dạt vào bờ biển phía tây bắc Tasmania, Úc. Theo thông tin từ Chương trình Bảo tồn Biển của Tasmania, trong số 157 con cá voi mắc cạn, 90 con vẫn còn sống.
Sự việc xảy ra gần sông Arthur, một khu vực xa xôi và khó tiếp cận, khiến công tác cứu hộ trở nên phức tạp.
Đoạn video do người dân địa phương Jocelyn Flint quay lại cho thấy cảnh tượng đau lòng khi những con cá voi nằm thở hổn hển trên cát, không thể di chuyển. Trong đoạn video chúng ta có thể nghe thấy những tiếng kêu yếu ớt của cá voi vang lên, thể hiện sự đau đớn và tuyệt vọng của những con cá voi.
Hơn 150 con cá voi sát thủ giả đã dạt vào bờ biển ở đảo Tasmania.
Trước tình hình trên, Cơ quan Công viên và Động vật hoang dã Tasmania đã ra lệnh đóng cửa bãi biển Arthur ở phía nam Bottle Creek, đường Sundown Point và khu cắm trại Nelson Bay để đảm bảo an toàn và phục vụ công tác cứu hộ.
Cá voi sát thủ giả (tên khoa học Pseudorca crassidens) có chiều dài từ 4,5 đến 5,5m và trọng lượng từ 1.000 đến 1.400 kg khi trưởng thành.
Giới chức Australia cho biết họ đã đưa ra quyết định an tử để giảm bớt đau đớn cho các cá thể cá voi sát thủ giả, CNN đưa tin ngày 19/2.
Sau nhiều giờ mắc kẹt trên bờ, chúng có thể trở nên hoảng loạn và mất phương hướng.
Trước đó, theo Sở Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường Tasmania, hơn 150 con cá voi sát thủ giả được phát hiện mắc cạn gần sông Arthur, thuộc bờ biển phía tây hòn đảo, vào cuối ngày 18/2 (theo giờ địa phương).
Đến sáng 19/2, chỉ 90 cá thể còn sống. Dù lực lượng cứu hộ đã cố gắng đẩy hai con trở lại biển, gió lớn và biển động đã khiến chúng phải ngay lập tức quay lại bờ.
"Tình hình khá khắc nghiệt, và chúng không thể vượt qua vùng sóng vỗ để bơi ra ngoài. Chúng cứ xoay vòng và quay trở lại bãi biển", Shelley Graham, quản lý sự cố thuộc Cơ quan Công viên và Động vật hoang dã Tasmania, cho biết.
Cư dân địa phương tại Arthur River, Jocelyn Flint cho biết con trai bà đã phát hiện ra những con cá voi mắc cạn vào khoảng nửa đêm khi đang câu cá mập.
Cô cho biết cô đã đến hiện trường vào lúc trời tối và trở về sau bình minh nhưng những con cá voi quá lớn nên không thể đưa chúng trở lại mặt nước. “Nước dâng lên dữ dội và chúng quằn quại. Chúng chỉ đang chết dần, chúng đã chìm xuống cát”, Flint nói. “Tôi nghĩ là đã quá muộn rồi. Có những con còn nhỏ. Ở một đầu, có rất nhiều con vị thành niên. Thật buồn", cô nói thêm.
Cá voi sát thủ giả mắc cạn gần Sông Arthur, trên bờ biển phía tây Tasmania. Ảnh: Chương trình bảo tồn biển Tasmania.
Hình ảnh chụp từ trên không cho thấy những con cá voi sát thủ giả rải rác dọc theo bãi biển. Một số bị vùi một nửa trong cát, số khác mắc kẹt trong vùng nước nông gần các mỏm đá.
Trong các chiến dịch giải cứu gần đây, máy móc thường được sử dụng để di chuyển cá voi mắc cạn đến khu vực kín gió hơn - nơi chúng có thể giữ được sự ổn định trong nước trước khi ra biển lớn.
Tuy nhiên, Brendon Clark, nhân viên liên lạc tại Cơ quan Công viên và Động vật hoang dã Tasmania, cho biết địa điểm lần này quá hẻo lánh và khó tiếp cận, khiến việc triển khai thiết bị hỗ trợ trở nên bất khả thi.
Người dân được cảnh báo không lại gần khu vực này để đảm bảo an toàn vì những con cá voi có kích thước lớn, nặng từ 500 kg đến khoảng 3 tấn.
Ở Tasmania, cá voi được bảo vệ ngay cả khi đã chết. Việc can thiệp vào xác của chúng là hành vi vi phạm pháp luật.
Các nhà khoa học hành vi động vật và chuyên gia hải dương học cho biết tỷ lệ sống sót của cá voi mắc cạn rất thấp. Chúng được cho “chỉ có thể cầm cự trên đất liền trong khoảng 6 giờ trước khi bắt đầu suy yếu”.
“Không phải lúc nào cũng rõ nguyên nhân cá voi mắc cạn, nhưng hiện tượng này đã xảy ra trong nhiều thế kỷ trên khắp các bờ biển thế giới, bao gồm cả mắc cạn hàng loạt”, tiến sĩ Angus Henderson thuộc Viện Nghiên cứu Biển và Nam Cực, Đại học Tasmania, cho biết.
Năm 2022, 230 con cá voi hoa tiêu mắc cạn xa hơn về phía nam trên bờ biển phía tây tại Cảng Macquarie.
Vụ mắc cạn hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Úc xảy ra tại cùng một bến cảng vào năm 2020 khi 470 con cá voi hoa tiêu vây dài bị mắc kẹt trên bãi cát. Hầu hết những con cá voi mắc cạn đều chết trong cả hai lần.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa rõ ràng. Nguyên nhân có thể bao gồm mất phương hướng do tiếng ồn lớn, bệnh tật, tuổi già, chấn thương, động vật ăn thịt chạy trốn và thời tiết khắc nghiệt.
Theo Nguoiduatin/Zing/Saostar