Đế chế thời trang trị giá hàng tỷ USD đến từ châu Âu giàu đến nỗi có thể biến họ hàng xa thành triệu phú chỉ sau một đêm.
Đế chế Hermès bao gồm hơn 100 thành viên thuộc ba dòng họ nổi tiếng: Dumas, Guerrand và Puech, trong đó có cả Nicolas Puech. Ảnh minh họa: Anthony Kwan/Bloomberg.
Sự thịnh vượng của đế chế thời trang xa xỉ lan tỏa đến mức ngay cả những người họ hàng xa của nhà sáng lập cũng được thừa hưởng những khoản tài sản kếch xù trị giá hàng triệu USD.
Điển hình là Wilfried Guerrand, một hậu duệ xa của dòng họ Hermès, hiện giữ chức vụ giám đốc điều hành phụ trách métiers (nghề thủ công), hệ thống thông tin và dữ liệu, đồng thời là thành viên ban điều hành của tập đoàn có trụ sở tại Paris (Pháp).
Theo hồ sơ pháp lý, năm nay, Guerrand đã hào phóng trao tặng 450 cổ phiếu Hermès cho mỗi người con của mình, bao gồm Sixtine (25 tuổi), Stanislas (20 tuổi), Mathias (19 tuổi) và Albane (18 tuổi).
Wilfried Guerrand hào phóng tặng mỗi người con gần 3,9 triệu euro giá trị cổ phiếu. Ảnh: La Règle du Jeu.
Giá cổ phiếu của đế chế sản xuất những chiếc túi xách nổi tiếng như Birkin và Kelly đã tăng 226% trong 5 năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc tổng giá trị cổ phiếu mà Guerrand dành tặng cho các con lên tới gần 3,9 triệu euro (khoảng 4,3 triệu USD).
Nhờ món quà kếch xù này, bốn người con Gen Z của Guerrand chính thức bước vào hàng ngũ triệu phú chỉ trong vòng vài tháng, theo Bloomberg.
Các hậu duệ triệu phú
Guerrand gia nhập công ty gần 30 năm trước, sau khi tốt nghiệp trường Kinh doanh Neoma, trường Kinh tế London và trường Stern thuộc Đại học New York.
Năm 2012 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông khi được trao quyền lãnh đạo Hermès Femme, bộ sưu tập thời trang dành riêng cho phái đẹp.
Theo thông tin từ hồ sơ giao dịch được Bloomberg tiếp cận, vào cuối năm ngoái, Guarrand sở hữu tới 10.147 cổ phiếu của công ty, tương đương với khối tài sản trị giá hơn 21,6 triệu euro (khoảng 23,9 triệu USD).
Được thành lập bởi Thierry Hermès vào cuối những năm 1830, nhà mốt Paris hiện đã phát triển thành đế chế hùng mạnh với hơn 100 thành viên thuộc ba dòng họ nổi tiếng: Dumas, Guerrand và Puech, trong đó có Nicolas Puech.
Đế chế thời trang Hermès có trị giá ước tính lên đến 151 tỷ USD. Ảnh: Hermès.
Năm 2024, tạp chí Forbes ước tính tài sản ròng của Puech lên tới 13,6 tỷ USD. Tuy nhiên, ông đã gây chấn động dư luận khi tuyên bố sẽ trao tặng toàn bộ khối tài sản kếch xù này cho người làm vườn của mình.
Sau đó, câu chuyện đã có một bước ngoặt bất ngờ khi Puech đệ đơn kiện cựu quản lý tài sản của mình, cáo buộc rằng số tiền khổng lồ đã "bốc hơi" một cách bí ẩn.
Dù Puech đã trở nên xa cách với Hermès, những hậu duệ khác của gia tộc vẫn tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo then chốt trong đế chế thời trang này. Điển hình là Axel Dumas, Chủ tịch điều hành hiện tại, người thuộc thế hệ thứ sáu của gia đình sáng lập và đã đảm nhiệm vị trí này từ năm 2013.
Các triều đại thời trang xa xỉ của châu Âu
Gia tộc của thương hiệu túi Birkin và mạng lưới chi nhánh rộng lớn, ước tính sở hữu khối tài sản khổng lồ lên tới 151 tỷ USD, không phải là trường hợp cá biệt tại châu Âu.
Thực tế cho thấy, một số lượng đáng kể các tỷ phú trẻ thuộc thế hệ Gen Z và Millennial trên lục địa này đã được thừa hưởng những gia tài kếch xù nhờ vào ngành công nghiệp thời trang.
Chẳng hạn, gia đình Del Vecchio, với ba trong số sáu người con đã ghi danh vào danh sách tỷ phú của Forbes năm 2024: Clemente 19 tuổi, Luca 22 tuổi và Leonardo 28 tuổi.
Mỗi người trong số họ nắm giữ khối tài sản trị giá 4,7 tỷ USD, nhờ vào 12,5% cổ phần thừa kế trong công ty mẹ Delfin có trụ sở tại Luxembourg, trước đây do người cha quá cố của họ, Leonardo del Vecchio, điều hành.
Tại châu Âu, không ít những gương mặt trẻ thuộc thế hệ Gen Z và Millennial đã trở thành tỷ phú nhờ thừa kế khối tài sản khổng lồ từ đế chế thời trang của gia đình. Ảnh minh họa: Fielmann.
Một trường hợp điển hình khác là Sophie Luise Fielmann, 29 tuổi, đến từ nước Đức. Cô sở hữu khối tài sản trị giá 2,7 tỷ USD và lần đầu tiên góp mặt trong danh sách tỷ phú nhờ nắm giữ cổ phần đa số trong công ty kính mắt Fielmann AG, vốn là di sản của người cha quá cố.
Trái ngược với bức tranh ảm đạm của nhiều đối thủ cạnh tranh, nhà sản xuất túi xách Birkin và Kelly vẫn tiếp tục gặt hái thành công, bất chấp sự suy giảm chung về nhu cầu đối với hàng hóa xa xỉ trên thị trường toàn cầu.
Báo cáo kinh doanh nửa đầu năm, được công bố vào tháng 6, cho thấy thương hiệu này đạt doanh thu ấn tượng 7,5 tỷ euro, tăng trưởng 15% ở tỷ giá hối đoái không đổi.
Hãng thời trang cũng nhấn mạnh rằng, nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu vẫn cho thấy "đà tăng trưởng đáng kể" bất chấp "bối cảnh đầy thách thức", ngoại trừ thị trường châu Á, nơi sức mua tại Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại.
Doanh số bán hàng tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ vẫn duy trì được sự "mạnh mẽ".
Theo ZNews