Bên trong quốc gia vừa tuyên bố miễn thị thực cho toàn nhân loại

Mới đây, Kenya đã tuyên bố miễn thị thực cho du khách từ năm 2024. Động thái này được cho là phù hợp với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng du lịch và thương mại không biên giới.

Trong suốt 20 năm qua, mỗi ngày, Joyce Naserian đều đặt những món đồ thủ công gần lối vào công viên Masai Mara (Kenya) để bán cho khách du lịch. Khoản thu nhập này giúp người phụ nữ 46 tuổi nuôi 4 đứa con.

Ở miền Bắc Kenya, khoảng 1.200 phụ nữ đã kiếm được hơn 9 triệu shilling Kenya (tương đương 58.000 USD) từ việc bán đồ cho du khách tại 43 khu bảo tồn động vật hoang dã vào năm 2020, theo Guardian.

Giống trường hợp Naserian, việc bán đồ kết hạt thủ công từng là nguồn thu nhập ổn định của những người phụ nữ này. Nhưng đó là trước Covid-19.

Sự sụp đổ của ngành du lịch sinh thái trong thời kỳ đại dịch đã gây ra thảm họa cho sáng kiến bảo tồn và sinh kế ở Kenya.

kenya 1
Thủ đô Nairobi của Kenya

Reuters đưa tin trong 3 tháng đầu năm 2020, lục địa châu Phi mất 55 tỷ USD doanh thu từ hoạt động du lịch và lữ hành. Đây cũng là quỹ dùng để triển khai các chương trình bảo tồn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy du lịch, Tổng thống Kenya William Ruto tuyên bố du khách đến nước này từ khắp nơi trên thế giới sẽ không cần thị thực từ tháng 1/2024, CNN đưa tin hôm 25/12.

Ông Ruto cho biết chính phủ Kenya đã phát triển một nền tảng kỹ thuật số để đảm bảo tất cả du khách sẽ nhận được giấy phép du lịch điện tử, thay vì phải xin thị thực.

Nhà lãnh đạo này nói trong bài phát biểu tại thủ đô Nairobi tại sự kiện kỷ niệm 60 năm nước này độc lập khỏi nước Anh: “Bất kỳ người nào từ bất kỳ nơi nào trên thế giới sẽ không còn phải chịu gánh nặng xin thị thực đến Kenya”.

Lao đao vì ảnh hưởng của dịch bệnh

“Đó là cuộc đấu tranh để sinh tồn”, Daniel Sopia, người đứng đầu Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Masai Mara, cho biết.

“Những người phụ nữ chỉ dựa vào chuỗi hạt (để kiếm sống) đã bị ảnh hưởng nặng nề vì không có khách du lịch nào đến Mara trong thời điểm hạn chế Covid-19 ở mức cao nhất. Thu nhập hộ gia đình giảm đáng kể và họ phải dựa vào thực phẩm từ các nhà hảo tâm”, ông nói thêm.

15 khu bảo tồn động vật hoang dã mà Sopia đứng đầu gồm các khu đất riêng lẻ thuộc sở hữu của tộc người Maasai. Các chủ đất cho thuê nơi này để xây dựng khu cắm trại và nhà nghỉ trong chuyến du lịch safari. Khoản tiền thu được sẽ được dùng tài trợ cho dự án cung cấp nước, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cũng như thành lập một số doanh nghiệp nhỏ.

Đổi lại, 14.500 chủ đất tại đây sẽ được đảm bảo việc bảo vệ sự đa dạng sinh học trong hệ sinh thái Mara, đồng thời bảo tồn lối sống truyền thống của họ.

Bốn năm trước đại dịch, các khu bảo tồn này đã đóng góp gần 120 triệu shilling Kenya (hơn 774.000 USD) cho chương trình xã hội trong khu vực.

Thế nhưng, khi dịch bệnh diễn ra, một số khu trại phải đóng cửa do sự sụp đổ của ngành du lịch. Các đối tác du lịch phải vay vốn để đáp ứng nghĩa vụ thuê đất và chủ đất chấp nhận thanh toán 50% tiền thuê trong một năm.

Điều này buộc các cơ quan bảo tồn phải thu hẹp quy mô hoạt động và tập trung vào ưu tiên như trợ cấp cho nhân viên kiểm lâm động vật hoang dã. Sopia và nhóm của ông đã phải cố gắng ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của chương trình bảo tồn.

“Các khu bảo tồn vẫn hoạt động trong suốt đại dịch mặc dù thiếu thu nhập từ du lịch”, Sopia cho biết. “Chúng tôi may mắn huy động được một số nguồn lực từ các đối tác phát triển và tổ chức tư nhân. Những khoản này giúp trang trải tiền lương, khẩu phần ăn, nhiên liệu và bảo dưỡng phương tiện cho kiểm lâm viên”.

Một số tổ chức nước ngoài đang quay trở lại sau hai năm gián đoạn. Vào tháng 3/2022, tổ chức từ thiện Tusk (Anh) đã tập hợp các chuyên gia bảo tồn từ khắp châu Phi tham dự hội nghị chuyên đề ở Masai Mara để tìm cách đa dạng hóa hoạt động gây quỹ.

“Chìa khóa” du lịch

Tuy nhiên, một số nhà bảo tồn cho rằng cách duy nhất để duy trì chương trình bảo tồn và tránh gián đoạn là chính phủ tăng ngân sách cho lĩnh vực này. Dù vậy, đây vẫn là thách thức khi xét tới mức đầu tư nhà nước thấp hiện nay.

Dickson Kaelo - người đứng đầu Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Kenya - cho biết các quỹ phát triển và bảo tồn ở nhiều nước châu Phi phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài.

“Không có sự khuyến khích nào của chính phủ trong việc thành lập khu bảo tồn để bảo vệ một con voi”, Kaelo nói. “Nếu bạn làm trong lĩnh vực nông nghiệp, bạn có thể vay tiền để mua máy kéo, nhưng không có tổ chức nào cho vay đối với người muốn đầu tư vào việc bảo vệ động vật hoang dã”.

Chính phủ Kenya cũng yêu cầu phải đưa ra kế hoạch quản lý, nghiên cứu chiến lược và môi trường, cùng nhiều thủ tục đăng ký và giấy phép khác trước khi thành lập khu bảo tồn tư nhân, theo Kaelo.

Trước tình trạng đó, Kaddu Sebunya - giám đốc điều hành Tổ chức Động vật hoang dã Châu Phi - nhận định người dân châu Phi phải thấy được những lợi ích từ việc bảo tồn động vật và vùng đất hoang dã để chính họ tiên phong hành động.

Ông cho rằng điểm khởi đầu là làm cho du lịch trở nên dễ tiếp cận hơn.

VISA information 750x450
Visa Kenya trước đây.

Việc Kenya tuyên bố miễn thị thực là một phần của phong trào hướng tới mở cửa thương mại và du lịch trong lục địa.

Trước đó, vào tháng 11, Kenya và Rwanda đã tuyên bố miễn thị thực cho tất cả người dân châu Phi.

Tổng thống Ruto nhấn mạnh chế độ miễn thị thực phù hợp với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng du lịch và thương mại không biên giới của chính phủ nước này.

Các yêu cầu thị thực gây tốn kém và mất thời gian, cùng giá vé máy bay cao từ lâu đã tạo ra rào cản đối với việc đi lại ngay tại châu Phi.

“Đã đến lúc chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc giao thương và cho phép hàng hóa, dịch vụ, con người và ý tưởng được di chuyển tự do khắp lục địa”, ông nói.

Trong những năm gần đây, Liên minh châu Phi đã kêu gọi các nước trong khu vực dỡ bỏ rào cản du lịch. Tuy nhiên, sự thay đổi còn hạn chế do mối lo ngại về tội phạm và an ninh.

Dù vậy, theo báo cáo năm 2022, hầu hết quốc gia đã đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh. Số lượng quốc gia cung cấp thị thực điện tử cũng tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2016.

Theo Znews