'Bom nước' 60.000 tấn đổ xuống như thác khiến 13 người chết trong hầm chui ở Hàn Quốc

Theo Thông tấn xã Yonhap (Hàn Quốc), ít nhất 13 người thiệt mạng trong hầm chui ở Osong khi nước tràn vào, nhấn chìm nhiều phương tiện đang di chuyển trong hầm.

"Bom nước" 60.000 tấn đổ xuống như thác

Vào lúc 8h40 sáng ngày 15/7, anh A. đang đi qua đường ngầm Gungpyeong ở Osong, thành phố Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong thì bất ngờ gặp sự cố nguy hiểm.

"Khi tôi vào hầm chui thì nước bắt đầu tràn vào, lúc ra khỏi hầm thì bánh xe ngập hoàn toàn trong nước. Tôi thoát ra được và nhìn vào gương chiếu hậu thấy nước đang ào ạt như thác đổ vào hầm chui", anh A. nói với Yonhap. "Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến vụ việc, tôi vẫn cảm thấy choáng váng".

Chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều tài xế trải qua vụ việc cho biết, bản thân như thoát khỏi đường hầm "tử thần" trong tích tắc.

Trong 5 ngày từ ngày 13-17/7, những cơn mưa lớn với lượng mưa đạt kỷ lục lên tới 570 mm đã đổ xuống nhiều khu vực tại Hàn Quốc.

Đặc biệt, vào ngày 15/7, nước sông Miho dâng cao do mưa lớn đã làm vỡ bờ bao và bắt đầu tràn vào hầm chui ở Osong, cô lập hàng chục phương tiện và các hành khách.

ngap tang ham han quoc 1
Đến sáng 17/7, lượng nước trong hầm chui vẫn còn cao đến thắt lưng người trưởng thành. Ảnh: Thông tấn xã Yonhap

Theo Yonhap, khi bờ kè gần cầu Mihocheongyo bị cuốn trôi, nước từ sông ngay lập tức đổ vào hầm chui. Đường hầm chui dài 430m ngập 60.000 tấn nước trong 2-3 phút.

Có máy bơm thoát nước trong đường hầm nhưng có vẻ như phòng kỹ thuật điện cũng bị ngập trong nước, khiến nó gần như vô dụng.

Một số người trong các xe gặp nạn đã cố gắng thoát ra khỏi xe nhưng nhiều người bị mắc kẹt bên trong xe, không thể di chuyển trong nước.

Có ít nhất 1 nạn nhân trèo lên nóc xe và bị sóng nước tiếp tục dâng cao cuốn trôi.

B, một hành khách trên xe buýt được giải cứu khỏi hiện trường vụ tai nạn cho biết: "Tôi vô cùng sợ hãi vì một lượng nước khổng lồ bất ngờ tràn vào hầm chui".

Cứu nạn ban đầu gặp khó khăn

Theo ghi nhận, 13 thi thể đã đường đưa ra khỏi hầm chui nhưng công tác cứu hộ còn gặp nhiều khó khăn do mưa lớn kèm lượng bùn đất bị cuốn vào hầm.

Thời điểm đầu, đội cứu hộ không thể đưa thợ lặn vào vì đường hầm chứa đầy bùn đất và nước sôngtiếp tục tràn vào từ bờ kè bị sập.

Khi bờ kè bị sập được sửa chữa và mưa ngớt dần, nóc đường hầm mới có khoảng trống để xuồng cao su có thể đi vào. Phải đến 5h55 phút sáng ngày 16/7, tức 21 giờ sau khi tai nạn xảy ra, 4 thợ lặn mới có thể bắt đầu công cuộc tìm kiếm.

Một cán bộ của sở cứu hỏa địa phương cho biết: "Do dự báo có mưa lớn đến ngày 18 nên chúng tôi sẽ hoàn thành công tác tìm kiếm bằng cách huy động toàn bộ thiết bị như máy bơm nước trước đó".

Hàn Quốc tranh cãi về vụ 13 người chết đuối trong hầm đường bộ

Giới chức vùng Osong hứng chỉ trích vì không ứng phó phù hợp khi nước lũ tràn ngập một đường hầm, khiến 13 người thiệt mạng.

Đường hầm dài 685 m ở Osong, thành phố Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong bị ngập hôm 15/7 khi nước sông Miho gần đó tràn bờ do mưa lớn, khiến 15 phương tiện, trong đó có một xe buýt mắc kẹt. Lực lượng cứu hộ đêm 16/7 tìm thấy thêm 4 thi thể, nâng tổng số người thiệt mạng lên 13.

Giới chức Osong đang hứng chỉ trích mạnh mẽ vì không triển khai đủ biện pháp an toàn để cảnh báo người dân. Phe chỉ trích cho rằng thảm họa có thể đã không xảy ra nếu chính quyền địa phương có những động thái như đóng đường hầm và điều tiết giao thông.

Theo Korea Herald, hàng chục phương tiện vẫn đi qua đường hầm vào khoảng 8h40 (6h40 giờ Hà Nội) ngày 15/7. Đây cũng là thời điểm một phần bờ sông Miho, cách đó 600 m, bị vỡ và nước nhanh chóng tràn vào đường hầm. Sông Miho là một nhánh của sông Geum, tuyến đường thủy lớn thứ ba tại Hàn Quốc.

Các tài xế dường như không biết về cảnh báo ngập lụt do mưa lớn tại khu vực đã được ban bố 4 giờ trước đó. Không có biển báo hay lực lượng chức năng ngăn dòng phương tiện qua hầm. Hiện chưa rõ số lượng người mắc kẹt trong hầm khi đó. Lực lượng cứu hộ đã giải cứu được 9 người trong ngày 15/7.

"Không thể hiểu tại sao lại không có người điều tiết giao thông ở lối vào đường hầm", một người sống sót nói. Giới quan sát mô tả đây là "thảm họa do con người" vì chính quyền đã phản ứng chậm chạp.

ngap tang ham han quoc 1
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích trong chiếc xe buýt bị mắc kẹt ở đường hầm ngập nước lũ tại Osong, tỉnh Bắc Chungcheong, ngày 16/7. Ảnh: Reuters

Văn phòng kiểm soát lũ lụt sông Geum, cơ quan kiểm soát thảm họa phụ trách các vùng gần sông Geum, đã phát cảnh báo lũ lụt cao nhất từ 4h10 ngày 15/7, cho thấy tính nghiêm trọng của tình hình.

Văn phòng kiểm soát nói rằng khoảng 18h34, họ đã gọi điện cho chính quyền Cheongju để cảnh báo về việc có thể phải ra lệnh sơ tán cũng như triển khai các biện pháp kiểm soát giao thông. Tuy nhiên, chính quyền Cheongju nói họ không nhận được cuộc gọi nào như vậy.

Trong cuộc họp báo ngày 15/7, Kang Jong-geun, quan chức Bắc Chungcheong, trả lời họ "không kịp" kiểm soát giao thông qua đường hầm bởi lũ lụt xảy ra quá nhanh.

"Việc áp đặt hạn chế giao thông trong trường hợp có cảnh báo ngập lụt không phải lúc nào cũng bắt buộc. Chúng tôi đánh giá tình hình chung và theo dõi sát sao để quyết định. Tình hình không có vấn đề cho đến khi bờ sông vỡ. Và do nước chảy quá nhanh, chúng tôi không có đủ thời gian để chặn xe vào hầm", ông Kang nói.

Moon Hyun-cheol, giáo sư ứng phó thảm họa tại Đại học Soongsil, cho rằng theo luật, chính quyền địa phương lẽ ra đã phải ban bố hạn chế. "Thật khó hiểu lý do khiến hệ thống bảo vệ theo Đạo luật cơ bản về An toàn và Ứng phó thảm họa lại không được áp dụng đúng. Cần điều tra kỹ về việc này", ông nói.

Giới chức địa phương cũng đối mặt những câu hỏi rằng họ đã triển khai đủ biện pháp đề phòng lũ lụt hay chưa. Jang Chan-gyo, 68 tuổi, sống gần bờ sông nói với Yonhap ngày 16/7 rằng ông thấy chỉ có một máy xúc múc cát gia cố bờ sông vào khoảng 7h ngày 15/7, không có các bao cát thường được dùng ngăn lũ lụt.

"Họ đã cảnh báo chúng tôi cần chuẩn bị ứng phó mùa lũ lụt từ một tuần trước, nhưng không hiểu sao chính quyền lại không gia cố đê kiên cố để ngăn thảm họa", ông Jang cho biết.

Kong Ha-sung, giáo sư về an toàn và phòng cháy tại Đại học Woosuk, cho biết Hàn Quốc từng đưa ra kế hoạch xây hệ thống rào chắn tự động ngăn phương tiện vào đường hầm trong tình huống ngập lụt từ ba năm trước. "Một số nơi đã triển khai, nhưng không phải Cheongju. Chính quyền thành phố đã không thiết lập kịp thời", ông bổ sung.

Năm 2021, Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền dân sự đã đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ đất đai, vận tải và hạ tầng lắp đặt hệ thống tự động này ở mọi đường hầm. Đây là hạ tầng được đánh giá là "có nguy cơ cao" trong lũ lụt nếu xét đến cấu tạo và vị trí, ủy ban lý giải.

Ủy ban cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống thoát nước trong đường hầm, kêu gọi cần kiểm tra định kỳ. Cả 4 hệ thống thoát nước trong đường hầm ở Osong đã không hoạt động tốt, theo truyền thông địa phương ngày 16/7.

Thảm họa tương tự từng xảy ra tại Busan hồi tháng 7/2020, với ba người thiệt mạng trong đường hầm ngập nước ở khu Dong-gu. Sở cứu hỏa địa phương bị lỡ hai cuộc gọi thông báo sự việc. Họ sau đó lý giải rằng họ đã tiếp nhận "quá nhiều" cuộc gọi hôm đó.

Chính quyền đô thị Busan và giới chức Dong-gu cũng không triển khai các biện pháp kiểm soát giao thông, dù cảnh báo mưa lớn đã được ban bố một giờ trước thảm kịch.

ngap tang ham han quoc 1
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích trong đường hầm ngập nước ở Osong ngày 16/7. Ảnh: AFP

Giới chức Hàn Quốc cho biết tính đến 6h sáng nay, số người thiệt mạng do ảnh hưởng từ đợt mưa lớn gần đây tại nước này tăng lên 39, 9 người mất tích và 34 trường hợp bị thương. Hơn 10.000 người phải sơ tán, hơn 28.600 hộ gia đình mất điện.

Cảnh báo mưa lớn vẫn được triển khai ở các tỉnh Bắc và Nam Chungcheong, đảo Jeju. Cơ quan dự báo thời tiết Hàn Quốc cho biết lượng mưa tại các tỉnh Bắc và Nam Jeolla cùng khu vực lân cận có thể lên tới 40 mm mỗi giờ. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã ra lệnh triển khai toàn lực để ứng phó thiệt hại do mưa lớn nhiều ngày gây ra.

VnExpress (theo Korea Herald, Yonhap)