Omega bỏ 3 triệu USD mua lại đồng hồ của mình nhưng mua nhầm đồ giả

Nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ Omega cáo buộc 3 nhân viên cũ có liên quan đến một 'âm mưu tội phạm' dẫn đến việc hãng này mua lại một chiếc Omega Speedmaster giả trong cuộc đấu giá với giá hơn 3 triệu USD.

omega 1
Omega là nhà sản xuất đồng hồ lớn thứ ba của Thụy Sĩ tính theo doanh thu.

Theo hãng đồng hồ Thụy Sỹ, Omega đã đấu giá để mua lại một chiếc đồng hồ của hãng, mẫu Speedmaster niên đại 1957 với kim chỉ giờ "Broad Arrow" (Mũi tên lớn) với giá chỉ hơn 3,1 triệu franc Thụy Sĩ (3,3 triệu USD) thông qua nhà đấu giá Phillips vào tháng 11/2021.

Đây là mức giá cao nhất từng được trả cho một chiếc Speedmaster tại cuộc đấu giá.

Tuy nhiên, chiếc Speedmaster này hóa ra là hàng giả. Thực tế, đây là một chiếc “Frankenstein”, bao gồm hỗn hợp các bộ phận chủ yếu được trộn lẫn từ những chiếc đồng hồ cổ điển khác.

omega 1
Hình ảnh chiếc Omega Speedmaster Broad Arrow từ năm 1957 được giới thiệu trên trang web của hãng.

Bên cạnh sự thật trớ trêu rằng Omega mua phải "hàng dỏm" của chính mình mà không phát hiện ra, điều này khiến các khách hàng của hãng lo ngại về tình trạng thực tế của những chiếc đồng hồ được bán lại trên thị trường thứ cấp, đặc biệt trong thời kỳ những chiếc đồng hồ trên thị trường mua lại đang ngày càng có giá và được các nhà sưu tập "săn đón".

Theo Omega, việc đấu giá chiếc đồng hồ giả là một âm mưu tội phạm và có ba nhân viên cũ có liên quan âm mưu này, trong đó có một cựu nhân viên của Bảo tàng Omega và là nhân viên từ bộ phận di sản thương hiệu.

Công ty cho biết cựu nhân viên đó “đã làm việc song song với các bên trung gian để mua chiếc đồng hồ cho Bảo tàng Omega”, lập luận với các giám đốc điều hành của công ty rằng đó “là một chiếc đồng hồ hiếm và đặc biệt nó như là một bảo vật phải có” đối với bộ sưu tập của Omega. Chiếc đồng hồ giả được làm một cách hết sức tinh vi, kết hợp giữa các bộ phận của nhiều chiếc đồng hồ khác nhau và thậm chí là có bộ phận được chế tạo.

Người phát ngôn của Omega cho biết công ty vẫn chưa biết ai đã mang chiếc đồng hồ này đến Phillips để bán đấu giá.

Giám đốc điều hành Raynald Aeschlimann nói với tờ NZZ của Thụy Sĩ, tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ việc rằng kế hoạch này “gây bất lợi lớn cho Omega”.

Người phát ngôn của nhà đấu giá cho biết họ không tiết lộ danh tính của người bán do các quy tắc bảo mật khách hàng, nhưng sẽ làm như vậy nếu được các cơ quan chức năng yêu cầu.

Về phía Phillips, nhà đấu giá đã nhận được xác nhận từ Omega về ngày sản xuất của bộ chuyển động được đánh số, số sê-ri, kiểu đồng hồ mà bộ chuyển động được lắp vào và ngày nó được bán. Phillips cho biết họ cam kết tuân theo “các tiêu chuẩn cao nhất và mức độ thẩm định trong thị trường đồng hồ” và mặt hàng được đề cập đã được các nhà sưu tập, học giả và chuyên gia xem xét và đã đi đến London, Singapore, Hồng Kông và New York trước khi nó được đưa ra thị trường bán đấu giá ở Geneva.

Người phát ngôn của Phillips cho biết: “Nếu sau khi xem xét các bằng chứng, chúng tôi cho rằng có cơ sở để truy tố hình sự thì chúng tôi sẽ không ngần ngại chuyển vụ việc đến cơ quan chức năng để truy tố”.

VietnamFinance (theo Bloomberg)