Nguy cơ 'tất cả cùng thua' khi xung đột Ukraine kéo dài

Mỹ không ngừng tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Nga không hạn chế chi tiêu quốc phòng, khiến xung đột nguy cơ kéo dài, gây thiệt hại cho tất cả các bên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/12 nói với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng rằng Washington sẽ sát cánh với Kiev đến cùng. Mỹ cũng thông báo gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 1,85 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot.

chien su ukraine keo dai
Một người lính lái xe tăng Ukraine tại Bakhmut tháng này. Ảnh: Reuters.

Điện Kremlin trước đó cảnh báo các hệ thống Patriot của Mỹ sẽ là mục tiêu hợp pháp nếu xuất hiện tại Ukraine. Nga cũng cáo buộc Mỹ làm gia tăng nguy cơ xung đột trực tiếp khi tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Trong cuộc gặp các tướng hàng đầu quân đội hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không hạn chế chi tiêu quốc phòng và sẽ cung cấp mọi thứ mà quân đội nước này yêu cầu. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy Nga sẽ tăng đáng kể chi tiêu quân sự trong thời gian tới, trong bối cảnh phương Tây nhận định Điện Kremlin có thể chuẩn bị cho chiến dịch kéo dài và tốn kém tại Ukraine.

Nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ khí khiến xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã được đại tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nêu ra hồi tháng 11. Ông Milley khi đó tuyên bố rằng Ukraine không thể chiến thắng bằng các biện pháp quân sự, đồng thời khuyến nghị Kiev tận dụng lợi thế mà họ đang có để cân nhắc đàm phán hòa bình với Nga.

Tướng Milley nhắc lại thời kỳ Thế chiến I, khi các bên từ chối đàm phán, khiến thêm hàng triệu người thiệt mạng, để chứng minh rằng việc bỏ lỡ thời cơ có thể gây đau khổ thêm cho nhân loại.

Bình luận của ông Milley trái ngược với lập trường của Kiev và nhiều đồng minh khác như Ba Lan, các nước vùng Baltic, Bắc Mỹ và Anh, những quốc gia ủng hộ Ukraine theo đuổi chiến thắng quân sự hoàn toàn.

"Con đường duy nhất dẫn đến hòa bình là đẩy Nga ra khỏi Ukraine", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho hay. Kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố hồi tháng 11 cũng đưa ra cách tiếp cận tương tự.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chiến thắng quân sự hoàn toàn có thể đòi hỏi cuộc chiến rất dài và điều đó đồng nghĩa đoạn kết của nó sẽ phụ thuộc vào các yếu tố chính trị ngoài tầm kiểm soát của phương Tây. Đối với những người ủng hộ phương án "đánh đến cùng", phương Tây chỉ cần tiếp tục cung cấp vũ khí và nguồn lực cần thiết để Ukraine tiếp tục chiến đấu và chờ đợi Nga thua cuộc, theo Vladislav Zubok, giáo sư lịch sử quốc tế tại Đại học Kinh tế London.

Nhưng diễn biến trên chiến trường thường rất phức tạp và khốc liệt. Trong vài tháng qua, cuộc chiến tranh tiêu hao ở miền đông và miền nam Ukraine đã gây tổn thất cho Nga, nhưng đồng thời cũng gây thiệt hại lớn cho Kiev lẫn phương Tây.

Khoảng 7 triệu người Ukraine phải tị nạn ở nước ngoài, nền kinh tế rơi tự do và cơ sở hạ tầng năng lượng bị tàn phá, đe dọa gây ra thảm họa nhân đạo trong mùa đông. Ukraine đang duy trì mạch sống cho đất nước và khả năng kháng cự thông qua nguồn viện trợ hàng tỷ USD từ Mỹ và châu Âu. Nhưng sự ủng hộ của phương Tây đang có dấu hiệu phai nhạt, khi nền kinh tế châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái do khủng hoảng năng lượng.

Trong khi đó, bất chấp những thất bại liên tiếp trên chiến trường, lực lượng Nga đang củng cố phòng tuyến ở miền đông và miền nam Ukraine. Đà phản công từ tháng 9 của quân đội Ukraine đã chững lại, do vấp phải tuyến phòng thủ kiên cố của Nga, cũng như những trở ngại từ địa hình, thời tiết.

Kết quả hợp lý nhất đối với Ukraine sẽ là lực lượng Nga rút khỏi 4 tỉnh họ đang kiểm soát. Song ngay cả khi điều này xảy ra, nhiều người Ukraine lo ngại Moskva chỉ rút quân để tập hợp lại lực lượng, trước khi phát động chiến dịch tấn công tiếp theo.

Dù hứng chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây, Nga vẫn là quốc gia lớn mạnh, với tiềm lực quân sự, kinh tế, chính trị tương đối ổn định, theo Zubok. Mùa đông tới sẽ là bài kiểm tra quan trọng với khả năng chống chịu của quân đội Nga, nhưng các chuyên gia quân sự không cho rằng lực lượng này sẽ suy yếu.

Kinh tế Nga cũng cho thấy sức chống chịu tốt. Nhiều người từng cho rằng Nga sẽ khó chống đỡ hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây và phải nhanh chóng rút quân khỏi Ukraine. Zubok cho rằng áp lực kinh tế từ phương Tây đang gây tổn hại đến Nga, nhưng không đủ mạnh để kết thúc cuộc chiến.

Nền kinh tế Nga đã suy giảm trong năm 2022, nhưng chỉ ở mức 3%, ít hơn đáng kể so với dự đoán của nhiều người. Trần giá dầu mà G7 áp đặt có thể ảnh hưởng tới doanh thu dầu Nga, nhưng ngay cả những người phương Tây lạc quan cũng không chắc nó hiệu quả đến đâu.

"Nếu Nga không hạn chế ngân sách quốc phòng và tiếp tục đáp ứng mọi nhu cầu của quân đội, bất chấp áp lực từ phương Tây, xung đột ở Ukraine sẽ rơi vào bế tắc", giáo sư Zubok cảnh báo.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu trong cuộc họp ngày 21/12 đã đề xuất tăng quy mô lực lượng vũ trang từ 1,15 triệu quân lên 1,5 triệu, trong đó có 695.000 quân nhân chuyên nghiệp. Tướng Shoigu còn đề xuất nâng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc lên 21-30 tuổi, thay vì 18-27 tuổi như hiện nay. Tổng thống Putin đồng ý với các đề xuất này.

Theo Zubok, phần lớn người Nga vẫn tiếp tục ủng hộ chính phủ và chưa sẵn sàng chấp nhận thất bại. Với họ, Tổng thống Putin vẫn là người đảm bảo chủ quyền và ổn định của Nga.

"Với những động lực này, Ukraine khó tạo ra một thắng lợi quân sự đủ lớn có thể khiến Điện Kremlin chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán hòa bình", ông nói. Ông cho rằng cách tiếp cận hiện tại của phương Tây, tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"Nó khiến người Ukraine phải chịu hứng chịu xung đột khủng khiếp liên tục. Số người chết và chi phí tài chính sẽ tiếp tục tăng", ông Zubok nói. "Nó cũng củng cố quan điểm của ông Putin rằng Nga đang trong một cuộc chiến với phương Tây, khuyến khích những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga rằng họ phải chiến thắng hoặc chết".

Vào tháng 11/1918, Chương trình 14 điểm của tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã thuyết phục giới lãnh đạo Đức rằng họ sẽ được đối xử công bằng khi chấp nhận hiệp đình đình chiến, giúp chấm dứt Thế chiến I. Giáo sư Zubok cho rằng đây là cách tiếp cận phương Tây nên xem xét với xung đột Ukraine, để tránh nguy cơ cuộc chiến kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng cho tất cả các bên.

Cho đến nay, phương Tây chỉ sử dụng chiến lược "cây gậy" với Nga, thông qua tăng trừng phạt, cấm vận, đồng thời không ngừng hỗ trợ tài chính, quân sự cho Ukraine. Nhưng Zubok cho rằng con đường dẫn tới giải pháp hòa bình nên có những "củ cà rốt", như dỡ bỏ dần dần các lệnh trừng phạt hay đảm bảo an ninh cho Nga.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc thuyết phục các bên ngồi vào bàn đàm phán sẽ khá khó khăn, không chỉ với Nga mà với cả Ukraine. Kiev và nhiều đồng minh phản đối bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Moskva và chỉ chấp nhận thảo luận về điều khoản hòa bình khi Nga thừa nhận thất bại.

"Mỹ và các cường quốc phương Tây khác phải thuyết phục Kiev rằng cách tiếp cận tuyệt đối như vậy sẽ khiến cuộc chiến kéo dài và chính người dân Ukraine phải hứng chịu nhiều đau khổ", Zubok nói.

Giáo sư Đại học London thừa nhận những tác động lâu dài của xung đột Ukraine giờ đây khó có thể dự đoán chắc chắn. Nhưng nhận thức về những bất ổn nếu cuộc chiến kéo dài sẽ thúc đẩy các bên tìm ra một chiến lược toàn diện, vừa có thể mang lại hòa bình cho Ukraine, vừa đảm bảo tương lai cho Nga.

Ông cho rằng thay vì chờ đợi để phản ứng với những động thái mới nhất của Moskva và Kiev hoặc hy vọng Nga thất bại, phương Tây cần phải chủ động để tìm kiếm con đường hòa bình. "Cuộc chiến càng kéo dài, hậu quả càng tồi tệ và tất cả sẽ cùng thua", giáo sư Zubok nhấn mạnh.

"Xung đột Nga - Ukraine hiện nay không khác gì một cuộc chiến ủy nhiệm", Zhu Feng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, nhận định. "Xung đột càng kéo dài, những cú sốc mà nó gây ra sẽ lan xa hơn, tới những khu vực khác của thế giới".

VnExpress (theo Foreign Affairs, Global Times)