Vì sao nước Mỹ không thể cấm súng?

Tổng thống Joe Biden hứa sẽ thắt chặt luật kiểm soát súng đạn ở Mỹ nhưng ông sẽ khó lòng thực hiện tốt cam kết đầy tham vọng đó, bất chấp sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Vì ở Mỹ, có nhiều súng hơn người. Cứ 100 cư dân thì có khoảng 121 khẩu súng được lưu hành, khiến Mỹ trở thành xứ được vũ trang nhiều nhất trên thế giới cho đến nay.

Nhưng số liệu còn cho thấy một thực tế là việc sở hữu súng đang dần trở nên ít phổ biến hơn. Gần một nửa số hộ gia đình ở Mỹ sở hữu súng vào năm 1990. Con số này đã giảm xuống 1/3 vào năm 2016. Nhưng số lượng người sở hữu súng rất khác nhau tùy theo tiểu bang. Ví dụ ở New Jersey, chỉ có 8% hộ gia đình có súng. Nhưng ở Montana, con số này là 66%.

khong the kiem soat sung 1
Súng trường kiểu AR-15 được bày bán tại Firearms Unknown, một cửa hàng súng ở Oceanside, California (Mỹ). Ảnh: Reuters

Hiến pháp Mỹ tôn trọng “quyền mang hỏa khí”. Điều đó có thể được hiểu là các cá nhân được phép giữ súng ngắn ở nhà để tự vệ - một quyền luôn được những người ủng hộ súng trân trọng. Tuy nhiên, chính phủ liên bang yêu cầu kiểm tra lý lịch tư pháp đối với hầu hết người mua súng và quản lý chặt chẽ quyền sở hữu súng máy tự động hoàn toàn và ống giảm thanh.

Hầu hết các luật về súng khác được đặt ra ở cấp tiểu bang, nơi các chính sách rất khác nhau. Nhiều bang nghiêng về đảng Dân chủ, như California, thì siết chặt các quy định của mình. Các bang nghiêng về đảng Cộng hòa và ở vùng nông thôn, chẳng hạn như Mississippi, lại dễ dãi hơn nhiều.

Sau vụ xả súng hàng loạt năm 2017 ở Las Vegas khiến 58 người thiệt mạng, Tổng thống khi đó là Donald Trump đã cấm "báng súng đẩy" - một phụ kiện cho phép tăng tốc độ bắn của súng trường bán tự động lên tương đương súng trường tự động. Đối với ông Biden, điều cần đáng lưu tâm nhất là “súng ma”.

Theo nghiên cứu của giáo sư Adam Lankford, Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu tới 42% số súng trên thế giới. Giai đoạn 1966 - 2012, khoảng 31% kẻ xả súng trên thế giới là người Mỹ. Đặc biệt, trong hơn một nửa số vụ xả súng tại Mỹ, nghi phạm đều sở hữu nhiều hơn một khẩu súng và nhiều người trong số này chưa từng có súng trước khi thực hiện tội ác.

Lý giải về vấn đề này, giáo sư Lankford cho biết: "Việc tiếp cận súng ở Mỹ rất dễ dàng, thậm chí ngay cả với những người có nguy cơ cao. Khả năng người Mỹ bị giết trong một vụ xả súng ở nơi làm việc hoặc trường học còn cao hơn nguy cơ trúng đạn gần các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Theo luật, các cửa hàng súng chỉ được bán các phiên bản bán tự động nhưng người mua súng vẫn có thể cải tiến nó thành súng tự động với báng súng đẩy". 

Gốc rễ của sự bùng nổ thị trường súng đạn 

Phát biểu trên truyền hình sau thông tin đau lòng về vụ xả súng vào trường tiểu học Robb, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi kiểm soát chặt chẽ tình hình súng đạn trên toàn quốc. "Đến bao giờ chúng ta mới ngừng ủng hộ việc sở hữu súng mà không có quy định chặt chẽ? Tôi thực sự mệt mỏi. Chúng ta phải hành động ngay lập tức, ông Biden nói. 

Trong một nỗ lực gần nhất, hồi tháng 4, ông Biden đã bổ sung quy định nhằm "khai tử nạn súng ma" để cố gắng bịt lỗ hổng trong quản lý. Đây là loại vũ khí có thể được mua dưới dạng bộ dụng cụ để lắp ráp tại nhà và không có số series theo dõi nên các cơ quan chức năng rất khó truy vết nguồn gốc. 

khong the kiem soat sung 1
Siết chặt quản lý súng là một trong những chủ đề gây chia rẽ sâu sắc tại chính trường Mỹ. Ảnh: CNN.

Theo đó, quy định mới yêu cầu các nhà sản xuất bộ dụng cụ "súng ma" có giấy phép liên bang và ghi rõ số series trên các thành phần cấu tạo vũ khí. Ngoài ra, các đại lý cũng cần kiểm tra và lưu trữ hồ sơ người mua, bảo đảm rằng các cơ quan chức năng có thể truy xuất thông tin mà họ cần để giải quyết các vụ phạm tội, đồng thời góp phần giảm số lượng vũ khí không thể theo dõi đang tràn lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, quy định nêu trên cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ những người ủng hộ sử dụng súng. Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) từng tuyên bố sẽ chống lại mọi biện pháp kiểm soát súng đạn.

Mỹ là một trong số ít quốc gia trên thế giới quy định quyền sở hữu súng trong Hiến pháp, song siết chặt quản lý súng là một trong những chủ đề gây chia rẽ sâu sắc tại chính trường Mỹ nhiều năm qua. Do có quan điểm trái ngược, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy các chính sách về vấn đề này. 

Hơn nữa, ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm. Do vậy, các nhóm vận động tại Mỹ, trong đó NRA với tiềm lực tài chính mạnh, thường không chịu ngồi yên khi các biện pháp quản lý súng gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của họ. 

Năm 2016, NRA đã gây quỹ 55 triệu USD cho các ứng cử viên tổng thống và quốc hội. Giới chuyên gia cho rằng đây chính là gốc rễ vấn đề khiến các dự luật về kiểm soát súng đạn tại Mỹ vẫn y nguyên sau nhiều nhiệm kỳ Tổng thống. 

Thượng nghĩ sĩ Đảng Dân chủ Chris Murphy kêu gọi các đồng nghiệp của ông hãy hành động - xây dựng luật hạn chế phổ biến súng - để chống lại bạo lực súng đạn.

"Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta là quốc gia có thu nhập cao chết chóc nhất thế giới. Chúng ta có luật súng lỏng lẻo nhất. Súng ‘chảy’ ở đất nước này như nước. Đó là lý do tại sao hết vụ xả súng giết người hàng loạt này đến vụ xả súng giết người hàng loạt khác", ông Murphy nói.

Theo Reuters, những nỗ lực để thông qua các hạn chế liên bang mới về súng trước đây phần lớn đều thất bại. Nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, những người thường phản đối các hạn chế mới về quyền sở hữu súng, lập luận rằng Mỹ cần làm nhiều hơn nữa để chấm dứt bệnh tâm thần, nguyên nhân có thể khiến một số người đi thực hiện các vụ xả súng.

Không đồng ý với lập luận này, ông Murphy nói: "Đừng nói với tôi những điều nhảm nhí về bệnh tâm thần nữa".

"Quý vị không thể giải thích các vụ xả súng qua lăng kính của bệnh tâm thần vì chúng ta không tràn ngập bệnh tâm thần so với các nước. Nhưng chúng ta đặc biệt dễ về khả năng tiếp cận vũ khí, tội phạm và những kẻ bệnh hoạn có thể cầm súng. Đó là điều khác biệt ở Mỹ".

Theo CAND