Phát hiện biến thể lai giữa Delta và Omicron

Giới chức y tế Cộng hòa Cyprus vừa phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại nước này, lai giữa chủng Delta và Omicron, nhưng không đáng lo ngại.

Biến thể mới được đặt tên là Deltacron có chung nền tảng di truyền của biến thể Delta cùng với một số đột biến của Omicron. Chuyên gia Leondios Kostrikis, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và virus học, Đại học Síp, cho biết họ đã phát hiện 25 mẫu được xác định là Deltacron  sau khi giải trình tự 1.377 mẫu trong chương trình truy tìm các đột biến có thể có của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, giới chức nước này cũng khẳng định, biến thể mới chưa đáng quan ngại vì độc lực thấp.

deltacron
Nhân viên y tế Cyprus lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại thủ đô Nicosia tháng 4/2020. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, phát hiện của giáo sư Kostrikis lập tức gây hoài nghi trong giới khoa học. "Dạng tái tổ hợp của Delta và Omicron không phải điều bất ngờ, song phát hiện ở Cyprus dường như là lỗi kỹ thuật trong quá trình giải trình tự gene của virus", Nick Loman, giáo sư nghiên cứu gene vi sinh vật tại Đại học Birmingham của Anh, ngày 9/1 cho biết.

Một số chuyên gia khác cũng bày tỏ nghi ngờ, nhận định Deltacron có thể là lỗi kỹ thuật trong phòng thí nghiệm của giáo sư Kostrikis, do mẫu được lấy từ bệnh nhân nhiễm cả hai chủng Delta và Omicron, hoặc xảy ra tình trạng trộn lẫn mẫu.

Tiến sĩ Tom Peacock, chuyên gia virus học tại Đại học Hoàng gia London, nhận định tình trạng trộn lẫn mẫu xảy ra khá phổ biến trong quá trình giải trình tự gene ở phòng thí nghiệm, thậm chí có thể xảy ra "ngay cả với lượng dung dịch rất nhỏ".

Peacock cũng đặt nghi vấn về thời gian xuất hiện Deltacron, "do hiện tượng tái tổ hợp virus thường không xuất hiện trong vòng vài tuần tới vài tháng sau khi hai biến chủng cùng lưu hành". Chuyên gia này cho biết Deltacron cần được phát hiện tại nhiều phòng thí nghiệm khác trước khi được phân loại là một biến chủng mới.

Phản ứng trước các hoài nghi trên, giáo sư Kostrikis trong email ngày 9/1 cho biết các ca nhiễm Deltacron mà nhóm của ông ghi nhận "không phải kết quả từ hiện tượng tái tổ hợp đơn nhất", mà là dấu hiệu của "áp lực tiến hóa đối với một chủng nguyên thủy để tạo ra những đột biến này".

Ông cho hay số ca nhiễm Deltacron cao hơn ở những bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 so với những bệnh nhân không phải nhập viện, nên có thể loại trừ giả thuyết trộn lẫn mẫu.

Kostrikis còn khẳng định các mẫu bệnh phẩm được xử lý theo nhiều quy trình giải trình tự gene ở nhiều quốc gia và ít nhất một trình tự gene được phòng thí nghiệm ở Israel gửi tới cơ sở dữ liệu toàn cầu mang đặc điểm di truyền của Deltacron.

"Những phát hiện này bác bỏ tuyên bố thiếu cơ sở rằng Deltacron là kết quả của một lỗi kỹ thuật trong phòng thí nghiệm", Kostrikis cho biết.

Bộ nhiễm sắc thể của virus quy định hình dạng của những protein thực hiện một số chức năng cụ thể. Delta và Omicron đều có nhiều đột biến ở protein gai, công cụ để virus tăng khả năng xâm nhập vào tế bào người, do đó Omicron dễ lây lan hơn.

Trong khi các chuyên gia dịch tễ học vẫn chưa đưa ra được quan điểm thống nhất, Bộ trưởng Y tế Cyprus Michael Hadjipantela ngày 9/1 cho biết biến chủng mới không đáng lo ngại và thông tin chi tiết sẽ được chính quyền Cyprus công bố tại cuộc họp báo trong tuần này.

Cộng hòa Cyprus là một đảo quốc nằm tại đông Địa Trung Hải, có dân số hơn 1,2 triệu người. Nước này đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 50% dân số.

Theo VnExpress