Luxembourg hợp pháp hóa việc trồng và sử dụng cần sa

Người trưởng thành ở Luxembourg được phép trồng tối đa bốn cây cần sa trong nhà hoặc vườn. Luật mới sẽ đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu hợp pháp hóa sản xuất và tiêu thụ cần sa.

Thông báo hôm thứ Sáu 22/10 của chính phủ Luxembourg được cho là sẽ mang lại thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của quốc gia này đối với cần sa do không thể cấm và ngăn chặn việc sử dụng.

Theo luật, người từ 18 tuổi trở lên có thể trồng hợp pháp tối đa bốn cây cần sa để sử dụng cho mục đích cá nhân. Buôn bán hạt giống cũng sẽ được cho phép mà không có giới hạn về số lượng hoặc mức độ Tetrahydrocannabinol (THC).

Chính phủ cho biết người dân có thể mua hạt giống ở các cửa hàng, nhập khẩu hoặc mua trực tuyến. Chính phủ Luxembourg cũng có ý định cho phép sản xuất thương mại hạt giống trong nước. Tuy nhiên, kế hoạch thiết lập chuỗi sản xuất và phân phối do nhà nước quản lý đã bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Tư pháp Sam Tanson mô tả thay đổi luật sản xuất và tiêu dùng trong nước là bước đầu tiên: “Chúng tôi nghĩ chính phủ phải hành động, chúng tôi có vấn đề với chất cấm và cần sa là loại được sử dụng nhiều nhất, chiếm thị phần lớn trên thị trường chất bất hợp pháp”.

"Chúng tôi muốn bắt đầu bằng cách cho phép mọi người trồng cần sa tại nhà. Ý tưởng là một người sẽ không phạm luật khi tiêu thụ cần sa và chúng tôi không hỗ trợ toàn bộ quy trình từ sản xuất đến vận chuyển và buôn bán cần sa bất hợp pháp. Chúng tôi muốn làm mọi cách để dần dần thoát khỏi thị trường chợ đen bất hợp pháp”.

25luxLuxembourg sẽ cho phép mỗi gia đình trồng 4 cây cần sa

Đối với người trồng tại gia, nơi trồng sẽ chỉ giới hạn ở trong nhà hoặc ngoài trời, trên ban công, sân thượng hoặc sân vườn. Lệnh cấm tiêu thụ và vận chuyển cần sa hoặc các sản phẩm cần sa ở nơi công cộng sẽ được duy trì. Buôn bán cần sa hoặc sản phẩm cần sa không phải hạt giống, cho dù miễn phí hay trao đổi, vẫn bị cấm.

Tuy nhiên, tiêu thụ và vận chuyển lên đến 3 gam sẽ không còn bị coi là tội hình sự và được xếp vào tội nhẹ. Tiền phạt sẽ giảm xuống chỉ còn 25 € nếu sở hữu dưới 3 gam, giảm từ 251 € tới 2,500 € như hiện nay.

“Trên ba gam và không có gì thay đổi, bạn sẽ bị coi là một người buôn thuốc,” bà Tanson nói, ”Cũng không có gì thay đổi đối với việc sử dụng cần sa khi đang lái xe: luật pháp vẫn không khoan nhượng".

Các nguồn tin chính phủ cho biết luật này được thúc đẩy bởi mong muốn tự do hóa tiêu dùng và trồng cần sa trong nhà. Quy định mới là bước đầu tiên của quá trình tái quy định cơ bản về xử lý cần sa của chính phủ Luxembourg, nhằm đưa người dùng tránh xa thị trường bất hợp pháp.

Hệ thống sản xuất và phân phối do nhà nước quản lý sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nguồn thu từ việc bán cần sa sẽ được đầu tư “chủ yếu cho phòng ngừa, giáo dục và chăm sóc sức khỏe về vấn đề chất gây nghiện”.

Luxembourg sẽ cùng với Canada, Uruguay và 11 bang của Hoa Kỳ đưa ra công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát chất gây nghiện. Theo đó, các bên ký kết hạn chế “chỉ cho phép sản xuất, chế tạo, xuất khẩu, nhập khẩu phân phối, buôn bán, sử dụng và sở hữu chất gây nghiện vì mục đích y tế và khoa học”, bao gồm cả cần sa.

Uruguay đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tạo ra thị trường cần sa quốc gia hợp pháp vào năm 2013, sau đó là Canada vào năm 2018.

Ở Hà Lan - có thể là quốc gia châu Âu có thái độ thoải mái nhất đối với sử dụng cần sa, việc sử dụng, sở hữu và buôn bán để giải trí vẫn là bất hợp pháp.

Họ có "chính sách khoan dung" hay còn gọi là gedoogbeleid - theo đó sử dụng cần sa để giải trí phần lớn được chấp nhận nhưng vẫn bị giới hạn.

Tại Anh, sở hữu, trồng, phân phối, bán hoặc phát triển cần sa vẫn là bất hợp pháp. Người bị bắt phải đối mặt với án tù tối đa 5 năm, phạt tiền không giới hạn hoặc cả hai.

Một số lực lượng cảnh sát cho biết sẽ không nhắm vào những người dùng cần sa để giải trí và người bị phát hiện mang theo cần sa nhỏ hơn 28 gram có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền tại chỗ.

Viethome (Theo Guardian)