Nối bước Anh, Ba Lan cũng đang muốn Polexit

Tương tự như tình trạng Brexit, Ba Lan đang muốn đặt luật pháp của mình lên trên luật pháp EU khiến Brussels nổi giận.

Tờ Telegraph mới đây dẫn lời đại biểu Nghị viện châu Âu Jeroen Lenaers bình luận về những mâu thuẫn giữa Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến các quy định luật pháp của quốc gia và của khối.

Theo đó, ông Lenaers cho rằng, phản ứng của Ba Lan đi ngược lại các quy định chung của khối, hàm ý Ba Lan có thể đi vào lộ trình Polexit - Ba Lan rời EU, tương tự như tình trạng Brexit, Anh rời khỏi EU.

Trước đó, Tòa án hiến pháp Ba Lan tuyên bố một vài điều khoản của các hiệp ước EU và một vài phán quyết của tòa án EU đi ngược lại luật cao nhất của Ba Lan.

Ông Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo Đảng Luật pháp và Công lý có ảnh hưởng lớn nhất trong chính phủ liên minh của Ba Lan, khẳng định mọi phán quyết khác với điều trên đều đồng nghĩa với việc: "Ba Lan không phải là một quốc gia có chủ quyền".

Ông Kaczynski nhấn mạnh trong vấn đề quản lý tư pháp ở nước này, "EU không có quyền can thiệp".

Phán quyết hiến pháp Ba Lan cao hơn các hiệp định EU đã gây ra phản ứng giận dữ từ giới chính trị gia khối này. Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ không ngần ngại trong việc sử dụng thẩm quyền của mình để bảo vệ tính tối thượng của luật pháp EU.

Giới chức châu Âu cáo buộc Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đặt quốc gia này vào hành trình "Polexit".

Mọi thành viên EU đều nhất trí với điều khoản quy định luật pháp EU cao hơn so với luật pháp nước họ. Trọng tài cuối cùng của hệ thống luật pháp EU là Tòa án Công lý châu Âu ở Luxembourg, theo hiệp ước thành viên. 

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Davide Sassoli nhấn mạnh: "Phán quyết hôm nay ở Ba Lan không thể không có hậu quả. Tính tối thượng của luật pháp EU là không thể bàn cãi".

Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders thông báo Brussels sẽ hành động để đảm bảo tính tối thượng của luật pháp EU, cũng như của tòa án cao nhất khối: Tòa án Công lý châu Âu.

Hồi tháng 8,  Bộ trưởng Tư pháp Zbigniew Ziobro lên án EU, cảnh báo châu Âu rằng Ba Lan có thể sẽ rời khỏi khối và không cố gắng ở lại liên minh này "bằng mọi giá".

Sự bất đồng giữa EU và Ba Lan tập trung vào cải cách tư pháp của quốc gia thành viên, được khởi xướng sau khi Đảng Luật pháp và Công lý lên nắm quyền tại quốc gia Đông Âu vào năm 2015. Các cải cách đã thay đổi tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán Tòa án tối cao Ba Lan, dẫn đến việc loại bỏ 20 thẩm phán, thay đổi nhiệm kỳ của các thẩm phán tòa án thông thường và áp dụng một biện pháp cho phép các thẩm phán bị điều tra và trừng phạt vì những phán quyết tại tòa.

polexit

Theo Datviet