Bay từ châu Á sang châu Âu mùa dịch khổ như thế nào?

Đi nước ngoài, trong đai dịch Covid-19, ngoài việc tốn thêm chi phí, phải chuẩn bị thêm nhiều hồ sơ, giấy tờ khác thường.

Bất kể mục đích ra nước ngoài là du học, chữa bệnh, thăm thân nhân… người có hộ chiếu Việt Nam cần chuẩn bị kỹ từ trước để tránh rủi ro bị từ chối, hoặc tốn kém tiền bạc, thời gian.

Chính sách và thủ tục nhập cảnh của từng quốc gia trong giai đoạn này cũng thay đổi, cập nhật liên tục. Các nhà cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ nhập cảnh cũng có thể nhầm lẫn, chậm nắm bắt thông tin.

Bài này kể lại trải nghiệm của một nhà báo BBC bay từ Thái Lan sang Anh tuần này giúp bạn có thêm thông tin về quá trình chuẩn bị hồ sơ nhập cảnh vào nước khác và hình dung phần nào về hành trình đi lại.

Hồ sơ và thủ tục phức tạp hơn

Mặc dù trước dịch, người Việt Nam được miễn thị thực tới một số nước, nay hầu hết không miễn trừ nữa. Nhiều hồ sơ, văn bản bắt buộc phải gửi kèm để được nhập cảnh.

Văn bản quan trọng hàng đầu để vào Thái Lan là COE, viết tắt của Certificate of Entry, tức chứng nhận được phép nhập cảnh. Văn bản này do Bộ Ngoại Giao Thái Lan duyệt xét.

Đối với hồ sơ nhập cảnh Anh quốc, ứng viên phải đăng ký hồ sơ Passenger Locator, tạm dịch là định vị hành khách. Hồ sơ này do bộ phận nhập cảnh Vương quốc Anh yêu cầu. Nhiều quốc gia khác cũng yêu cầu nộp thêm hồ sơ tương tự.

Để được chứng thực, ứng viên phải làm xét nghiệm virus corona trong vòng 72 giờ trước khi bay. Một vài trường hợp là 48 giờ trước bay.

Ứng viên bắt buộc phải đăng ký dịch vụ cách ly từ 10 đến 15 ngày tại quốc gia mình đến. Nhiều dịch vụ bắt buộc phải thanh toán tiền trước, trong đó có chi phí xét nghiệm ở nơi cách ly.

Không phải bất kỳ khách sạn nào tại nơi đến cũng có đủ điều kiện cách ly theo chuẩn mực và yêu cầu của chính quyền nơi đó. Danh sách các nhà cung cấp dịch vụ cách ly và xét nghiệm thường có trên website của các Đại sứ quán.

Thông thường, nếu ứng viên đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp chứng nhận này trong vòng hai ngày. Tuy nhiên, vì dịch dã nên việc xử lý hồ sơ có thể kéo dài.

Hầu hết mọi trường hợp, ứng viên phải điền đơn và nộp trực tuyến, chỉ trừ phỏng vấn thị thực. Không hiếm nơi chỉ nhận thanh toán qua mạng, không nhận tiền mặt.

Có visa cũng không chắc đã nhập cảnh được

Có trường hợp đã được Lãnh sự quán Vương quốc Anh cấp thị thực. Mọi thủ tục đã hoàn tất, không thiếu bất cứ tài liệu nào. Nhưng nhân viên mặt đất phi trường Suvanabhumi, Bangkok từ chối.

Họ không cho phép lên máy bay, dù có vé, có visa. Lý do là trong chặng bay, có một điểm quá cảnh mà chính phủ nước đó không cho phép người mang hộ chiếu Việt Nam dừng chân.

Một thao tác cần thiết khác mà ứng viên, hoặc người nhà của họ cần nhớ là phải thường xuyên kiểm tra trước lịch bay. Rất có thể các hãng hàng không thay đổi, thậm chí hủy chuyến.

Cũng tại phi trường Suvanabhumi, phóng viên của chúng tôi ghi nhận chỉ trong hai lần có mặt tại đây vào tháng Sáu này, có tới hàng trăm chuyến bay bị hủy. Trong đó có nhiều hãng bay lớn.

Đôi khi, nhân viên phi trường tại điểm xuất phát không cho phép bạn bay chỉ vì nơi quá cảnh không chấp nhận lại là may mắn.

Tại sân bay Charles de Gaulle, Paris, nhân viên kiểm soát tại mặt đất ở đây rất chú mục vào các hóa đơn trả trước của hành khách.

Sau khi liếc qua hộ chiếu có visa nhập cảnh Anh quốc, họ yêu cầu xuất trình xác nhận của bộ phận nhập cảnh Vương quốc Anh.

Đặc biệt, họ đòi hỏi cho họ xem hóa đơn thanh toán được gửi vào hòm thư của hành khách. Nếu không có hóa đơn thanh toán mà chỉ có đăng ký thì sẽ không được lên phi cơ bay tiếp.

san bay heathrow nhon nhip
Khu vực làm thủ tục nhập cảnh tại phi trường Heathrow, UK.

Chuyện trên chuyến bay

Nhiều nước không tiếp nhận hành khách đi bằng đường bộ. Muốn xuất ngoại trong thời dịch này, người Việt Nam chỉ còn cách bay.

Nhưng ngồi trên phi cơ cũng có thể lây bệnh, nhiều người “vũ trang” kín mít từ đầu đến chân. Nhìn từ bên ngoài không thấy hết được những bất tiện, khổ sở của hành khách.

Bình thường, phải đeo khẩu trang đã khó chịu. Đeo khẩu trang nhiều tiếng lại là chuyện khác. Nhất là khi ngủ trong tư thế khẩu trang suốt một chuyến bay dài. Ngáp cũng khó.

Đã vậy, nhiều người phương Tây không đeo khẩu trang, số khác thì tuy có đeo, nhưng lại để mũi thò ra bên ngoài. Có lẽ tốt nhất là bạn nên làm quen với những điều này cho dễ ngủ.

Nhưng…trên khoang máy bay, phóng viên của chúng tôi đã mất ngủ vì từng phải nghe tiếng mèo kêu suốt chặng bay 12 giờ. Chó mèo được người bay về Pháp đón theo...

Bù lại, dung dịch diệt khuẩn, giấy lau mặt, lau tay đặc chủng và việc làm sạch kỹ lưỡng (deep cleaning) ghế ngồi và các tiện ích khác thường được các hãng hàng không tên tuổi chú trọng.

Phi trường nhiều nước đã có dấu hiệu nhộn nhịp hơn, nhiều hành khách và chuyến bay hơn. Đặc biệt là phi trường ở nhiều nước Tây phương. Nó chứng tỏ sự tự tin của các nước này sau khi đã được chủng ngừa.

Để tránh rủi ro đáng tiếc, lời khuyên là trước và trong quá trình làm hồ sơ, ứng viên nên tham khảo từ các nguồn chính thống của Bộ Ngoại Giao các nước.

Đây là các thông tin có sẵn trên website của các sứ quán hoặc lãnh sự quán nước họ nhưng bạn cần đọc cập nhật trước khi bay, vì nội dung có thể thay đổi liên tục.

Theo BBC