Tình báo Anh điều tra nghi vấn virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng nghiệm

Giới tình báo Anh cho rằng, giả thuyết virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc là "hoàn toàn có thể xảy ra".

31covid

Các nhà điều tra WHO đã đến Vũ Hán, Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19. (Ảnh: AP)

Truyền thông Anh ngày 30/5 cho biết, giới tình báo Anh đang tiến hành một cuộc điều tra riêng về nguồn gốc Covid-19, trong đó có giả thuyết virus SARS-CoV-2 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Ban đầu các cơ quan tình báo phương Tây cho rằng, giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là "rất thấp". Tuy nhiên, sau những đánh giá lại gần đây, nhiều cộng đồng tình báo, trong đó có cộng đồng tình báo Anh, tin rằng giả thuyết này là "hoàn toàn có thể'.

Ông Richard Dearlove, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo MI6 của Anh, hôm 28/5 nói rằng, cuộc điều tra hiện nay đã trở thành "một vấn đề tình báo" và các cơ quan an ninh của Anh có thể sẽ tìm cách khai thác thông tin từ những công dân Trung Quốc đào tẩu nếu Bắc Kinh từ chối điều tra giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.

Theo nguồn tin của Telegraph, các cơ quan tình báo của Anh đang hỗ trợ Mỹ điều tra liệu virus SARS-CoV-2 có thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc hay không.
"Chúng tôi đang hỗ trợ (Mỹ) những dữ liệu tình báo về Vũ Hán mà chúng tôi có, cũng như đề nghị giúp đỡ Mỹ trong quá trình xác thực và phân tích thông tin tình báo họ thu được. Tuy nhiên, vấn đề là phải có các dữ liệu từ các nguồn đáng tin cậy thay vì các phân tích mang tính nhận định", Telegraph dẫn nguồn thạo tin cho biết.

vu han 1600382904847

Chợ Hoa Nam ở Vũ Hán - ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới (Ảnh: Reuters).

Động thái trên của cộng đồng tình báo Anh diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tuần này yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ "tăng gấp đôi nỗ lực" điều tra nguồn gốc Covid-19. Mệnh lệnh được đưa ra giữa lúc giới khoa học và giới làm chính sách của Mỹ lật lại giả thuyết virus gây đại dịch Covid-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm.

Tại cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới trong tuần này, đại diện Mỹ và Anh đều kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục cuộc điều tra giai đoạn hai để làm sáng tỏ nguồn gốc đại dịch. Giới chức các nước này nhấn mạnh, mục đích của các cuộc điều tra này là nhằm tránh những đại dịch trong tương lai.

Hồi đầu năm nay, nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu đã đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng họ bị hạn chế tiếp cận phòng thí nghiệm và các dữ liệu thô liên quan đến giai đoạn đầu bùng phát dịch tại Vũ Hán. Báo cáo của nhóm chuyên gia sau đó nói rằng, giả thuyết nhiều khả năng nhất là virus SARS-CoV-2 lây từ động vật nhiễm bệnh sang người, ngược lại giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là "rất khó xảy ra".

Mỹ và một số nước cho rằng, báo cáo trên là chưa thỏa đáng. Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã lập ra một nhóm chuyên điều tra giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Nhóm này đã bị Tổng thống Biden giải tán hồi đầu năm nay, tuy nhiên, Washington vẫn không từ bỏ các cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Ông Biden thừa nhận, hiện tại cộng đồng tình báo Mỹ vẫn chia rẽ về giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm và virus lây từ động vật sang người. Đó là một trong những lý do ông yêu cầu cộng đồng tình báo nỗ lực gấp đôi để đưa ra đánh giá rõ ràng hơn.

Trong một diễn biến liên quan, hai chuyên gia Anh và Na Uy cho biết, họ có bằng chứng từ năm ngoái về việc virus SARS-CoV-2 được tạo ra trong phòng thí nghiệm và nghi ngờ rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm cách xóa dấu vết để làm cho virus "trông có vẻ" tiến hóa tự nhiên.

Bắc Kinh hiện chưa bình luận về nghiên cứu của hai chuyên gia này nhưng trước đó nhiều lần bác bỏ giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán và chỉ trích phương Tây đang lợi dụng đại dịch để "thao túng chính trị".

Viethome (Theo Dân trí)