Đằng sau vụ 8.000 người nhập cư tràn vào Ceuta

Cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới giữa Tây Ban Nha và Morocco có thể bắt nguồn từ cuộc xung đột cách đó 2.000 km.

Từ ngày 17/5, chính quyền Tây Ban Nha bị bất ngờ sau khi khoảng 8.000 người di cư đột ngột xuất hiện tại khu vực Ceuta. Những người di cư đã bơi hoặc dùng thuyền hơi nhỏ để vượt qua biên giới khi lực lượng biên phòng Morocco không để ý, theo AFP.

Tình hình ở Ceuta đã ổn định trở lại sau khi Madrid nhanh chóng triển khai quân tiếp viện và trục xuất người di cư trở lại Morocco. Những người di cư bao gồm cả những gia đình, thanh niên và trẻ vị thành niên.

Vụ việc xảy ra trùng hợp với thời điểm căng thẳng về ngoại giao đang gia tăng giữa Tây Ban Nha và Morocco. Chính phủ Tây Ban Nha đã trợ giúp điều trị Covid-19 cho lãnh đạo của một phong trào độc lập ở Bắc Phi, khiến Morocco tức giận.

8000 nguoi nhap cu 1
Một người nhập cư Morocco trèo lên vác đá ở bờ biển Ceuta. Ảnh: Reuters.

Nhập cư ồ ạt tại Ceuta

Câu chuyện người di cư từ châu Phi đến châu Âu để tìm một cuộc sống tốt hơn không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, số lượng người di cư đến Ceuta trong những ngày qua cao một cách bất thường.

Ceuta là một lãnh thổ tự trị của Tây Ban Nha, nằm trên bờ biển Bắc Phi, phía đông eo biển Gibraltar. Ngoài ra, còn có Melilla, một lãnh thổ khác của Tây Ban Nha, cũng nằm trên khu vực Bắc Phi. Đây là hai khu vực duy nhất đánh dấu biên giới giữa Liên minh châu Âu và châu Phi. Với vị trí đặc biệt, cả hai thành phố đều là nam châm thu hút những người di cư đang cố gắng tới châu Âu.

8000 nguoi nhap cu 1
Luna Reyes ôm người đàn ông nhập cư Senegal khi anh đặt chân lên vùng Ceuta, Tây Ban Nha. Ảnh: Twitter

Ceuta trở thành một phần của đế chế Tây Ban Nha vào thế kỷ XVII khi được Bồ Đào Nha nhượng lại. Ceuta là một phần của Morocco và nằm dưới sự bảo hộ của Tây Ban Nha trong nửa đầu thế kỉ XX. Sau khi Morocco tuyên bố độc lập vào năm 1956, Tây Ban Nha vẫn giữ quyền kiểm soát Ceuta.

Kể từ năm 1990, Ceuta trở thành một thành phố tự trị sau khi được chính quyền Madrid cho phép.

Hầu hết người di cư lần này là thanh niên. Theo chính quyền Tây Ban Nha, các gia đình và một số trẻ vị thành niên cũng tham gia cuộc vượt biên. Những người di cư đa phần mang quốc tịch Morocco.

Những người này bơi hoặc sử dụng thuyền nhỏ để vượt qua một hệ thống chắn sóng đánh dấu biên giới giữa Ceuta và Morocco, sau đó nhập cảnh bất hợp pháp vào lãnh thổ Tây Ban Nha.

Cuộc vượt biên khổng lồ này đã hạ nhiệt vào ngày 19/5 sau khi chính quyền Morocco thắt chặt kiểm soát biên giới. Vào ngày 20/5, không có người di cư mới. Phần lớn người di cư cũng đã bị trục xuất. Tính đến ngày 20/5, Tây Ban Nha đã trục xuất trở lại Morocco hơn 6.000 người nhập cảnh bất hợp pháp. Bất cứ ai đến bãi biển của Ceuta cũng đều ngay lập tức được trả lại, theo Wall Street Journal.

Các cửa hàng và quán bar đã mở cửa và mọi người trở về với cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, máy bay trực thăng cảnh sát thỉnh thoảng bay qua lại và túi của những thanh niên mới đến nằm la liệt trên phố.

Nhiều người di cư bị trả về vẫn hy vọng sẽ trở lại Ceuta một lần nữa nếu kiểm soát biên giới được nới lỏng.

Khủng hoảng ngoại giao

Bộ trưởng Ngoại giao Morocco Nasser Bourita xác nhận rằng “nguồn gốc thực sự của cuộc khủng hoảng là sự chào đón của Madrid dành cho nhà lãnh đạo quân ly khai Polisario”.

Mustapha Ramid, Bộ trưởng Nhân quyền của Morocco, trước đó cũng đã chỉ trích hành vi của Tây Ban Nha trên Facebook. Một số quan chức Morocco khác có lời chỉ trích tương tự.

Vào ngày 18/5, ông Ramid viết trên một bài đăng Facebook rằng Tây Ban Nha đang cung cấp nơi ẩn náu cho một nhóm vũ trang ly khai chống lại Morocco. Điều này là không thể chấp nhận được.

8000 nguoi nhap cu 1
Hai người nhập cư đi bộ sau khi vượt qua biên giới Tây Ban Nha - Morocco. Ảnh: Reuters.

Nhiều khả năng, người được ám chỉ đến là Brahim Ghali, lãnh đạo của mặt trận Polisario. Ông Ghali đã được điều trị Covid-19 ở miền Bắc Tây Ban Nha kể từ giữa tháng 4.

Chính phủ Morocco đã hy vọng được quốc tế công nhận chủ quyền đối với khu vực Tây Sahara. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công nhận Tây Sahara là lãnh thổ của Morocco vào tháng 12/2020. Sự công nhận của Mỹ là một phần trong thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Morocco và Israel.

Tuy nhiên hành động của Tây Ban Nha đối với Ghali khiến Morocco lo ngại rằng tuyên bố chủ quyền của nước này đối với Tây Sahara sẽ lại bị nghi ngờ, theo Deutsche Welle.

Các nhà phân tích cho rằng Morocco đã tìm cách gây áp lực ngoại giao lên Tây Ban Nha. Morocco muốn Madrid công nhận chủ quyền của mình đối với Tây Sahara. Đây là một thuộc địa cũ của Tây Ban Nha, hiện tại chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của Morocco.

Phản ứng với cáo buộc, chính phủ Tây Ban Nha cho biết nước này nhận điều trị cho ông Ghali chỉ với lý do nhân đạo. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết hành động của Morocco là "một sự xâm lược biên giới Tây Ban Nha và biên giới Liên minh châu Âu".

Một số nhóm viện trợ nhân đạo cho biết căng thẳng ngoại giao giữa hai nước có thể đóng một vai trò nhất định. Mohammed Ben Aisa, người đứng đầu Đài quan sát nhân quyền miền Bắc, nhận định rằng chính quyền Morocco đã giảm sự hiện diện quân sự dọc theo bờ biển sau khi Tây Ban Nha tiếp đón ông Ghali. Vì vậy những người di cư đã có cơ hội để vượt biên.

"Những người xin tị nạn và người di cư đang được sử dụng làm con tốt trong một trò chơi chính trị giữa Morocco và Tây Ban Nha", Văn phòng Tổ chức Ân xá Quốc tế châu Âu tuyên bố.

Tây Sahara và Mặt trận Polisario

Căng thẳng bắt đầu từ năm 1884. Sau hội nghị Hội nghị Congo, phần lớn châu Phi bị chia rẽ bởi các cường quốc thực dân châu Âu. Vào thời điểm đó, khu vực hiện được gọi là Tây Sahara nằm dưới phạm vi ảnh hưởng của Tây Ban Nha.

Năm 1976, Tây Ban Nha bắt đầu rút khỏi khu vực Tây Sahara. Sau đó, Morocco và Mauritania đều tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ này. Năm 1979, Mauritania từ bỏ các yêu sách của mình và Morocco chiếm phần phía nam của Tây Sahara.

Tây Sahara là một khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản. Ở khu vực này có một số trầm tích phosphate lớn nhất thế giới. Khoảng 72% trữ lượng phosphate trên thế giới nằm ở đây. Trước khi lệnh ngừng bắn năm 1991 được thực thi, Morocco đã xây dựng một bức tường kiểm soát biên giới. Vì vậy, phần lớn các mỏ khoáng sản đang ở trong lãnh thổ do Morocco kiểm soát.

8000 nguoi nhap cu 1
Người di cư chạy về phía hàng rào ngăn cách Morocco với Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters.

Mặt trận Polisario có tên đầy đủ là Mặt trận Bình dân Giải phóng Saguia el-Hamra và Río de Oro, được thành lập năm 1973. Đây là một phong trào giải phóng dân tộc của người Sahrawi nhằm giành quyền kiểm soát và thành lập một nhà nước độc lập tại Tây Sahara.

Khi ngày càng có nhiều người Morocco đến định cư, Polisario gọi khu vực Tây Sahara là Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi (DARS). Cuộc xung đột vũ trang giữa Morocco và Polisario bắt đầu từ năm 1976. Mặt trận Polisario được hỗ trợ bởi quốc gia láng giềng Algeria, nơi cũng có nhiều người tị nạn từ Tây Sahara.

Năm 1991, một lệnh ngừng bắn giữa hai bên được sắp xếp và kéo dài đến ngày nay. Sự vi phạm nghiêm trọng lệnh ngừng bắn xảy ra lần đầu tiên vào cuối năm ngoái.

DARS hiện được công nhận bởi 50 quốc gia dưới tình trạng “lãnh thổ không tự quản”. Đồng thời, DARS là thành viên của Liên minh châu Phi (AU) từ năm 1984. Đây là nguyên nhân Morocco đã rút khỏi Liên minh châu Phi vào cùng năm và chỉ mới trở lại vào năm 2017.

Nhiều kế hoạch khác nhau đã được đề xuất nhằm giải quyết tình trạng pháp lý của DARS. Morocco đã từng đề nghị đưa DARS vào chế độ khu tự trị. Phái bộ Liên Hợp Quốc về Trưng cầu dân ý ở Tây Sahara đã được phái đến khu vực này để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Điều này nhằm giúp người dân có thể tự quyết định số phận của mình.

Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục nhằm tìm ra một giải pháp hợp lý cho bế tắc đang diễn ra.

Theo Zing