Người Mỹ không đi làm vì muốn được tiền thất nghiệp?

Một cuộc tranh cãi dữ dội đã bùng lên giữa các chính trị gia Dân Chủ và Cộng Hòa chung quanh vấn đề trợ cấp thất nghiệp cho những người lao động bị mất việc vì đại dịch COVID-19.

tin tro cap
Dân Biểu Mo Brooks (Cộng Hòa-Alabama) viết trên Twitter: “Chính phủ trả nhiều tiền cho dân để ĐỪNG làm việc, vì thế họ không đi làm.” Còn Dân Biểu Ro Khanna (Dân Chủ-California) nói: “Một phần lý do mà người ta chưa quay lại làm việc là tiền lương chưa được điều chỉnh.” Trong hình, một trạm xăng ở Cranberry Township, Butler County, Pennsylvania, thông báo tuyển người hôm Thứ Tư, 5 Tháng Năm, 2021. (Hình minh họa: AP Photo/Keith Srakocic)

Cuộc tranh cãi bùng lên sau khi Thứ Sáu tuần trước Bộ Lao Động tường trình chỉ có 266,000 việc làm mới được tạo ra trong Tháng Tư, rất thấp so với con số dự đoán của các chuyên gia kinh tế là một triệu việc làm mới.

Nhiều người Cộng Hòa nói rằng, báo cáo việc làm gây thất vọng như vậy là dấu hiệu cho thấy chính phủ liên bang và chính quyền các tiểu bang đã “quá rộng rãi” trong việc ban phát tiền trợ cấp thất nghiệp, không khuyến khích người dân trở lại làm việc. Họ cho rằng, nếu ở nhà mà nhận được nhiều tiền hơn khi đi làm thì sẽ không ai chịu làm việc cả. Như vậy, muốn tăng số việc làm, tăng số người tham gia lao động thì phải cắt giảm, thậm chí bãi bỏ luôn khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung từ chính quyền liên bang.

Trong khi đó, những người Dân Chủ nhận định số người thất nghiệp cao là do nhiều yếu tố khác liên quan tới đại dịch và biện pháp phòng dịch hơn là do chính sách trợ cấp của chính phủ, do vậy chấm dứt trợ cấp không phải là lời giải cho bài toán lao động.

Quan điểm của hai phía Cộng Hòa và Dân Chủ xem ra rất khác biệt, khó dung hòa và thực tế quan điểm đó đã biến thành hành động ở một số tiểu bang, cản trở việc xem xét các đạo luật lớn và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người Mỹ.

***

Từ trước đến nay, người lao động bị mất việc vẫn thường được hưởng một khoản trợ cấp thất nghiệp từ chính quyền tiểu bang, số tiền trợ cấp nhiều hay ít, kéo dài bao lâu tùy vào quy định của từng tiểu bang, thường kéo dài khoảng sáu tháng với mức khoảng $200-$500/tuần lễ. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm ngoái, hàng ngàn nhà máy, công ty phải đóng cửa, hàng chục triệu người lao động bị mất việc, lâm vào tình cảnh khốn khó. Đến giữa Tháng Tư, 2020, đã có đến 26.5 triệu người Mỹ bị mất việc phải ghi danh nhận trợ cấp thất nghiệp.

Quốc Hội Mỹ vào Tháng Ba năm ngoái đã ban hành đạo luật CARES, quy định ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang người bị mất việc sẽ được nhận thêm mỗi tuần $600 tiền trợ cấp thất nghiệp bổ sung từ ngân sách liên bang. Tính ra, mỗi người bị mất việc vì COVID-19 có thể nhận được ít nhất $3,000 mỗi tháng trong ít nhất 13 tuần lễ.

Chính sách trợ cấp thất nghiệp bổ sung theo luật CARES hết hạn vào ngày 31 Tháng Bảy, 2020, sau đó chính quyền của Tổng Thống Donald Trump đưa ra khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung $300/tuần tạm thời trong thời gian Quốc Hội bàn thảo một đạo luật hỗ trợ kinh tế mới. Vào những ngày cuối năm 2020, Tổng Thống Trump đã ký ban hành luật cứu trợ virus Corona trị giá $900 tỷ mà phần chính trong đó là duy trì chính sách trợ cấp thất nghiệp bổ sung $300/tuần/người.

Sang năm 2021, tình hình dịch bệnh dần dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh dần dần được khôi phục nhưng số người thất nghiệp vẫn còn cao. Hồi Tháng Ba, 2021, Quốc Hội thông qua đạo luật Cứu Nước Mỹ (American Rescue Act, ARA) do chính quyền Biden đề nghị với chi phí $1,900 tỷ, trong đó có khoản trợ cấp thất nghiệp $300/tuần được kéo dài đến ngày 6 Tháng Chín.

Như vậy, từ đầu đại dịch đến nay người lao động không may bị mất việc đều nhận được sự hỗ trợ tích cực, ngoài những khoản trợ cấp trực tiếp mà đa số người Mỹ thu nhập dưới $75,000/năm đều được hưởng thì người mất việc còn được bổ sung khoản trợ cấp thất nghiệp khá hào phóng của chính quyền liên bang.

Thực tế hiện nay là trên khắp nước Mỹ, hầu hết các công ty đã mở cửa hoạt động trở lại nhưng nhiều nơi bị thiếu người làm trong khi số người ghi danh nhận trợ cấp thất nghiệp vẫn cao. Tình trạng thiếu người làm xảy ra phổ biến ở những ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông, lương thấp như các ngành dịch vụ, phục vụ nhà hàng, siêu thị…

***

Trước tình trạng trái khoáy đó, nhiều chính trị gia Cộng Hòa đổ lỗi cho chính sách trợ cấp thất nghiệp “quá hào phóng” và gọi đó là “chủ nghĩa xã hội.” Dân Biểu Mo Brooks (Cộng Hòa-Alabama) viết trên Twitter: “Chính phủ trả nhiều tiền cho dân để ĐỪNG làm việc, vì thế họ không đi làm. DUH! Chủ nghĩa xã hội nhìn có vẻ đẹp nhưng thực tế đang phá hoại. Nước Mỹ: cần học hoặc thua cuộc!”

Dân Biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York) – một đồng minh thân cận của cựu Tổng Thống Trump và đang cố thay thế Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming) trong vị trí lãnh đạo phe Cộng Hòa ở Hạ Viện, cho rằng số liệu việc làm thấp như vậy là do “các quyền lợi thất nghiệp kiểu xã hội chủ nghĩa.” Bà Stefanik nói thêm rằng, nhiều công ty nhỏ ở tiểu bang New York nói với bà rằng họ không thể tìm đủ người làm.

Không chỉ phản đối bằng lý lẽ, chính quyền một số tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát như Montana, South Carolina và Arkansas đã quyết định từ tháng sau sẽ ngừng việc chi trả khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung $300/tuần của liên bang bất chấp việc đó đã được quy định rõ trong đạo luật ARA. Họ lập luận, muốn người ta trở lại làm việc thì phải cắt bỏ khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung.

Thống Đốc tiểu bang Montana Greg Gianforte nói rằng “bây giờ việc kéo dài các quyền lợi thất nghiệp của liên bang đang gây hại nhiều hơn lợi.” Thống Đốc tiểu bang Utah Spencer Cox nói trên đài CNN ông vẫn cho rằng chính sách hiện hành về trợ cấp thất nghiệp liên quan tới đại dịch là ý tưởng hay, nhưng báo cáo số việc làm thấp hơn dự đoán gần đây “là chuyện tất nhiên xảy ra khi chúng ta trả tiền cho người lao động để không làm việc.”

Đảng Dân Chủ không tán thành các lập luận như vậy mà giải thích tình trạng người lao động chưa muốn trở lại nơi làm việc bằng nhiều lý do khác, chẳng hạn như nỗi lo bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc khi đại dịch chưa hoàn toàn được khống chế, không có chỗ gửi con cái để đi làm khi nhà trẻ và trường học chưa hoàn toàn mở cửa trở lại và tiền lương thấp, nhất là đối với các lao động lãnh lương theo giờ, không khuyến khích người ta đi làm việc trong hoàn cảnh nhiều rủi ro về sức khỏe…

Dân Biểu Ro Khanna (Dân Chủ-California) và một số chính trị gia Dân Chủ khác đổ lỗi cho các công ty đã không chịu tăng lương cho người lao động. “Tiền lương chưa tăng và một phần lý do mà người ta chưa quay lại làm việc là tiền lương chưa được điều chỉnh,” ông Khanna nói với MSNBC và kêu gọi Quốc Hội thông qua đạo luật tăng gấp đôi mức lương tối thiểu của liên bang lên $15/giờ. Ông Khanna cũng nói cần hỗ trợ cho dịch vụ chăm sóc trẻ em để những người phụ nữ có thể quay lại nơi làm việc.

Tưởng cần để ý đề nghị tăng mức lương tối thiểu liên bang lên $15/giờ đã được Hạ Viện đưa vào dự luật ARA cách đây ba tháng nhưng sau đó phải rút ra vì gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng Hòa; cuối cùng Tổng Thống Joe Biden đã ký ban hành luật ARA mà không có điều khoản tăng lương tối thiểu.

Lập luận của đảng Dân Chủ khá nhất quán trong quan điểm của các dân biểu, nghị sĩ trong Quốc Hội và các nhà lãnh đạo Hành Pháp. Tại cuộc họp báo hôm Thứ Hai, 10 Tháng Năm, bà Jen Psaki, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, nói có “nhiều yếu tố lớn hơn” đang giữ chân người ta ở nhà hơn là quyền lợi thất nghiệp. Theo bà Psaki, tỷ lệ người được tiêm chủng, dịch vụ trông giữ trẻ và mở cửa trường học trở lại đều có tác động đến quyết định của người lao động có nên đi làm trở lại hay chưa. Bà cũng khuyên các chủ công ty “trả một mức lương sống được” cho người lao động.

Tổng Thống Joe Biden cho biết hiện còn tám triệu người Mỹ bị thất nghiệp so với trước đại dịch và ông gọi khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung của liên bang là “mạch sống” (lifeline) của họ. “Chúng ta sẽ không quay lưng với đồng bào Mỹ của chúng ta.”

***

Trước đó, trong cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu tuần trước, Bộ Trưởng Tài Chính Janet Yellen cho biết các dữ liệu kinh tế không ủng hộ lập luận “tăng trợ cấp thất nghiệp dẫn tới hiện tượng thiếu lao động.” Bà nói xem xét dữ kiện của các tiểu bang và các ngành kinh tế có quyền lợi thất nghiệp cao thì không thấy có hiện tượng tỷ lệ người tìm việc giảm xuống như lý lẽ của các chính trị gia Cộng Hòa mà chỉ có chuyện ngược lại.

Các nghiên cứu của khu vực tư nhân dường như ủng hộ quan điểm của bà Yellen. Khảo sát hồi Tháng Hai, 2021, của ngân hàng JPMorgan Chase cho thấy có rất ít bằng chứng chứng minh việc tăng quyền lợi thất nghiệp khuyến khích người ta không đi làm. Khảo sát cho thấy sau khi Quốc Hội tăng khoản trợ cấp thất nghiệp thêm $600/tuần hồi đầu đại dịch thì nhiều người lao động bị mất việc và hưởng trợ cấp đã quay trở lại làm việc trước khi khoản tiền bổ sung này hết hạn.

Một nghiên cứu khác của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ khu vực Chicago xem xét dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm việc làm từ 2013 đến 2019 ghi nhận những người nhận quyền lợi thất nghiệp thường tích cực tìm kiếm việc làm hơn những người không nhận trợ cấp và khi tiền trợ cấp thất nghiệp chấm dứt thì người ta không tìm kiếm việc làm nữa.

Theo Tổng Thống Biden, một người nhận trợ cấp thất nghiệp nếu được đề nghị “một công việc thích hợp” thì phải nhận việc đó hoặc mất tiền trợ cấp. “Người Mỹ muốn làm việc. Tôi nghĩ những ai tuyên bố người dân Mỹ sẽ không đi làm ngay cả khi tìm được công việc tốt và cơ hội thích hợp là đã đánh giá thấp người dân Mỹ,” ông Biden nói hôm qua Thứ Hai, theo tường thuật của CBS News.

Lý lẽ của các chính trị gia Dân Chủ phản ánh quyết tâm của họ xem xét và ban hành các đạo luật kích thích kinh tế lớn mà chính phủ Biden mới đề nghị gần đây: Kế Hoạch Việc Làm (American Jobs Plan) và Kế Hoạch Gia Đình (American Family Plan) có tổng chi phí tới $4,000 tỷ. Trọng tâm của các kế hoạch này không chỉ gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra hàng triệu công việc làm với mức lương cao mà còn nhắm gia tăng phúc lợi xã hội cho các gia đình trung lưu và nghèo như mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe, dịch vụ trông giữ trẻ miễn phí, miễn học phí đại học công, trợ cấp hằng tháng cho trẻ em gia đình nghèo…

Hai dự luật lớn này đang được Quốc Hội bàn thảo nhưng xem ra rất khó được thông qua nếu không có những sự điều chỉnh lớn do quan niệm của các nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa còn cách nhau rất xa mà vấn đề trợ cấp thất nghiệp trình bày ở trên là một ví dụ. 

Theo Người Việt