Chiến sự giữa hai nước thuộc Liên Xô cũ, nhiều máy bay và xe tăng bị hạ

Armenia ban bố tình trạng thiết quân luật và tổng động viên thanh niên trên 18 tuổi sau cuộc đụng độ với Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh. Ít nhất 10 xe tăng, 15 máy bay không người lái và 4 trực thăng của Azerbaijan đã bị tiêu diệt.

xe tang armenia 16012093621151766413872

Một xe tăng của Azerbaijan bị trúng đạn

Nagorno-Karabakh, còn được biết với tên gọi Cộng hòa Artsakh, là một khu vực nằm trên lãnh thổ Azerbaijan nhưng có đông người gốc Armenia sinh sống. Quốc gia tự xưng này nằm giáp với Armenia và thường xuyên nhận sự hỗ trợ từ Armenia.

Cộng hòa Artsakh không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan, hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ, tái bùng phát vào ngày 27-9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ có vũ trang dẫn tới các cáo buộc đổ lỗi từ cả hai phía.

Armenia cho rằng các lực lượng Azerbaijan đã nã pháo về phía khu vực Nagorno-Karabakh, trong đó có thành phố Stepanakert. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho rằng các lực lượng Armenia mới là bên nã pháo vào quân đội nước này và tấn công các địa điểm dân sự.

Azerbaijan sau đó thông báo triển khai một chiến dịch phản công và bảo vệ người dân. Trước động thái này, Armenia ban bố thiết quân luật và tổng động viên toàn quốc thanh niên trên 18 tuổi.

Người đứng đầu cơ quan phòng vệ Nagorno-Karabakh tuyên bố đã bắn hạ 4 trực thăng, 15 máy bay không người lái và 10 xe tăng của Azerbaijan. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố sẽ sát cánh cùng người dân chống lại "cuộc xâm lược của Azerbaijan".

Cả Armenia và Azerbaijan đều xác nhận có thương vong trong giao tranh.

Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 khiến cộng đồng quốc tế lo ngại một cuộc chiến toàn diện giữa Azerbaijan và Armenia.

Từ Matxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi điện cho 3 người đồng cấp Azerbaijan, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Chi tiết cuộc gọi không được hé lộ.

Thổ Nhĩ Kỳ chọn đứng về Azerbaijan khi kêu gọi Armenia ngừng "các hành động thù địch" và xuống thang căng thẳng.

Đức và Pháp trong ngày 27-9 lên tiếng kêu gọi ngừng bắn, nhấn mạnh mọi việc chỉ có thể được giải quyết qua đối thoại trong lúc Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố đã "giải phóng được 6 ngôi làng bị Armenia chiếm giữ".

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia vẫn luôn âm ỉ.

Năm 2016, hơn 200 người thiệt mạng trong vụ đụng độ quân sự nghiêm trọng nhất tại Nagorno-Karabakh sau cuộc chiến kéo dài từ năm 1988 đến 1994.

Viethome (Theo Tuổi trẻ)