Bi kịch 'đứa con ngoan' khiến hai chị em ngồi tù suốt đời

Ở tuổi 19, Andrew Suh (người Mỹ gốc Hàn), một chàng trai nổi tiếng ngoan ngoãn học giỏi, bắn chết chồng chưa cưới của chị gái.

Đó là ngày 25/9/1993. Andrew phạm tội theo lệnh của chính chị gái mình và hiện thụ án 100 năm tù. Catherine Suh cũng bị kết án tù chung thân. 

Tội ác của Andrew và Catherine khiến công chúng lúc đó vừa phẫn nộ vừa không thể tin nổi. Thế nhưng, ẩn sau đó chính là vết thương không lành của mọi thành viên trong gia đình Suh, đã dẫn đến kết cục bi thảm.

Catherine và Andrew Suh hồi nhỏ. Ảnh: House of Suh.

Bố mẹ của chị em Suh là Ronald và Elizabeth Suh, ban đầu sống trong một căn hộ ở Seoul, Hàn Quốc. Trước Catherine, họ có một đứa con trai tên Byung Chul. Năm 9 tuổi, Chul rơi từ căn hộ trên cao xuống đất, bị tổn thương não nghiêm trọng, khả năng hồi phục gần như bằng không.

"Cha mẹ tôi quyết định tắt thiết bị hỗ trợ sự sống để có thể vượt qua nỗi đau", Andrew chia sẻ trong bộ phim tài liệu House of Suh.

Đối với người Hàn Quốc nói riêng và người Á Đông nói chung, chỉ con trai mới được nối dõi tông đường bởi con gái lớn lên sẽ lấy chồng và trở thành con nhà khác. Trong gia phả dòng họ, tên người con gái đôi khi còn bị xóa đi.

Ám ảnh bởi việc phải có con trai, Ronald Suh yêu cầu Elizabeth, lúc đó đã ngoài 40 tuổi, sinh thêm một đứa con trai, nếu không sẽ ly dị. Để mang thai theo ý chồng, Elizabeth uống nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc hỗ trợ sinh sản đang thử nghiệm.

9 tháng sau, Andrew ra đời. Với vết bớt ở sườn phải giống hệt người anh đã khuất, cậu bé được coi như Byung Chul thứ hai và chiếm hết sự quan tâm của bố.

"Mỗi lần đến thăm, chú Ronald đều khoe Andrew là niềm tự hào và hạnh phúc của gia đình. Chú ấy nói yêu Andrew rất nhiều, không thể sống nếu không có con", Byung Won Suh, anh họ của Andrew và Catherine tiết lộ.

Ngược lại, Catherine dần bị ghẻ lạnh. Byung Won cho rằng Ronald đổ lỗi cho con gái vì cái chết của Byung Chul.

Bốn thành viên gia đình Suh: Ronald, Elizabeth, Catherine và Andrew. Ảnh: Chicago Tribune.

Gia đình Suh chuyển từ Seoul đến Chicago (Mỹ) vào năm 1976. Lúc đó, Andrew mới hai tuổi còn Catherine đã lên bảy. Một số người quen tin rằng gia đình Suh đi Mỹ vì muốn quên đi cái chết của Byung Chul. 

Patricia Cohen, một người hàng xóm cũ, cho biết gia đình Suh khá thân thiện. Cô bé Catherine giúp họ trông con và phiên dịch cho bố mẹ vì tiếng Anh của Ronald và Elizabeth không tốt. Cô bé cũng làm nhiều việc vặt khác.

Lớn lên, Andrew thay Catherine làm phiên dịch cho bố. Ronald không giấu sự tự hào mỗi lần nhờ Andrew và gọi cậu bé ngày đó là "đứa con ngoan". Đáp lại, Andrew luôn cố gắng để đạt điểm cao và giúp đỡ gia đình. Lịch trình thường nhật của cậu là dậy sớm, đi học, tới giúp việc cho cửa hàng của bố mẹ, về nhà lúc 20h, ăn tối, làm bài tập và đi ngủ.

"Với tôi, đó là những gì phải làm, nhất là trong gia đình Hàn Quốc", Andrew chia sẻ.

Trái ngược với Andrew, Ronald thể hiện rõ sự ghét bỏ Catherine. Ông bảo Catherine không phải con mình và liên tục đánh cô.

"Catherine có lẽ cũng muốn sống tốt nhưng đứa trẻ nào chẳng từng nói dối và bỏ đi chơi", Byung Won nói. "Em ấy đã cố gắng sống theo kỳ vọng của bố mẹ nhưng liên tục bị khiển trách nên ngày càng khó chịu".

Càng lớn, Catherine càng nổi loạn. Cô bị coi là hư, không vâng lời trong khi em trai được ca ngợi vì lòng hiếu thảo. Ronald thậm chí gọi Catherine là nỗi hổ thẹn vì không yêu người Hàn Quốc. Một lần, Catherine xô xát với bố, khiến Ronald bị thương ở ngực. Tức giận, Ronald tẩm xăng, định thiêu sống cả hai bố con nhưng Elizabeth kịp thời ngăn cản.

<>Năm 1985, Ronald được chẩn đoán ung thư. Andrew, mới 11 tuổi, trở thành trụ cột về mặt tinh thần trong gia đình, hàng ngày đều đến viện chăm bố. Biết bản thân hay ngủ quên, cậu bé nảy ra ý tưởng buộc dây vào cổ tay mình và cổ tay bố. Như vậy, khi cần gì, Ronald chỉ kéo nhẹ tay là Andrew sẽ biết. Tờ Korea Times ngày 19/8/1985 đưa tin về câu chuyện này và gọi Andrew là "đứa con trai ngoan ngoãn".

Một thời gian sau, Ronald qua đời. Hôm ấy, Catherine xuất hiện ở bệnh viện nhưng chỉ đứng ngoài phòng bệnh, không nói gì và lặng lẽ bỏ đi.

"Tôi nghĩ chị ấy vui mừng khi bố mất bởi điều đó có nghĩa được thoát khỏi kẻ kiểm soát", Andrew nhận định.

Trước khi Ronald qua đời, Andrew hứa với bố sẽ bảo vệ mẹ. Cậu cố gắng làm hài lòng Elizabeth, đặc biệt khi thấy bà phải làm việc vất vả tại cửa hiệu giặt là để kiếm tiền nuôi con.

Elizabeth cũng đòi hỏi tình cảm của con trai, dường như để bù đắp mối quan hệ với chồng. Một lần, bà hỏi Andrew: "Giả sử một ngày, khi con đã lập gia đình, nhà mình bị cháy. Con sẽ cứu ai giữa mẹ và vợ con con?"

Andrew trả lời rằng sẽ cứu vợ con để có người nối dõi. Nghe vậy, Elizabeth nói: "Con là đàn ông, muốn bao nhiêu phụ nữ và con cái cũng được. Nhưng con chỉ có một người mẹ thôi".

Năm 1987, Elizabeth Suh bị sát hại ở cửa hàng giặt là tại Evanston. Trước đó vài tháng, Robert O'Dubaine 25 tuổi đã hẹn hò với Catherine 18 tuổi. Sau cái chết của Elizabeth, O'Dubaine chuyển vào sống với chị em Suh, Catherine nhận trách nhiệm giám hộ em trai 13 tuổi cùng số tiền thừa kế. 

Mẹ qua đời, Catherine trở thành thân nhất duy nhất còn sót lại của Andrew. Vì thế, cậu chuyển sang cố làm hài lòng chị. "Ban đầu, tôi làm mọi thứ để hài lòng cha, sau đó là mẹ, cuối cùng là chị", Andrew nói.

Andrew Suh bên cạnh Robert O'Dubaine. Ảnh: House of Suh.

Andrew xuất sắc trong lĩnh vực học tập. Cậu được nhận vào Học viện Loyola danh tiếng ở Wilmette, trở thành học sinh danh dự và được bầu làm chủ tịch hội học sinh.

"Andrew là một người nổi bật. Cậu ấy cao lớn, rất nổi tiếng, dễ hòa nhập và được yêu quý", Sam Park, bạn học của Andrew, kể. "Cậu ấy thực sự là một ngôi sao ở trung học".

Trong khi hầu hết học sinh gốc Á đăng ký vào câu lạc bộ Toán, Andrew gia nhập vào đội bóng bầu dục của trường và trở thành người dẫn đầu. Cậu luôn tỏ ra là người mạnh mẽ, tự tin và chẳng ai biết những bi kịch đã xảy ra với gia đình Suh. 

"Làm sao bạn có thể mở miệng, nói với một người không quen thân rằng mẹ mình bị sát hại và rằng bạn có vấn đề", Andrew nói. "Bạn không nói về những điều như thế. Bạn ôm trái tim tổn thương vào phòng, uống một chai bia và im lặng. Bạn để thời gian trôi qua. Đó là cách tôi được dạy để đối phó với mọi thứ".

Theo bác sĩ Ravi Chandra từ Hiệp hội Tâm thần Mỹ, Andrew không chỉ mang gánh nặng của một đứa trẻ nhập cư mồ côi mà còn phải cố tạo ra hình ảnh nam tính, mạnh mẽ. Andrew tự mô tả mình là "đứa trẻ nổi tiếng cô đơn", dường như sống cuộc đời hoàn hảo nhưng thật ra chẳng có ai để nói chuyện.

Kết thúc cấp ba, Andrew được học bổng vào Đại học Providence.

Mùa hè năm 1993, Catherine và Robert O'Dubaine gặp trục trặc. Catherine tìm đến Andrew, than phiền về "gã bạn trai tồi tệ" và tiết lộ với em chính O'Dubaine đã giết mẹ.

"Tôi chạy ra ngoài, ngồi sụp xuống bãi xe", Andrew nhớ về giây phút biết sự thật. "Lúc ấy, tôi trở về làm đứa trẻ con 13 tuổi vừa hay tin mẹ mất. Tôi ghét tất cả mọi người, ghét cả Catherine lẫn Robert".

Andrew định báo cảnh sát nhưng Catherine ngăn lại với lý do sợ bị bắt vì tội bao che, tòng phạm với người yêu trong vụ án của mẹ mình. Thay vào đó, Catherine gợi ý em trai tự tay kết liễu O'Dubaine.

Andrew bị dằn vặt bởi trách nhiệm bảo vệ danh dự gia đình, danh dự của mẹ. Cậu mất ăn, mất ngủ, không quan tâm đến trường lớp. "Khi bố ốm, tôi đã hứa không để chuyện gì xảy ra với mẹ. Tôi không thể chấp nhận rằng mình không giữ được lời hứa. Nhiệm vụ của tôi, với tư cách là một đứa con trai, là sửa chữa sai lầm này", Andrew nói.

Trong hai tuần, Catherine gọi điện 66 lần, nhắc nhở em trai "chăm sóc" O'Dubaine. Cuối cùng, Andrew đồng ý làm theo. Ngày 25/9/1993, anh quay lại nhà chị gái. Catherine bảo em: "Hãy làm điều này vì mẹ".

"Tôi đã rời đi nhưng giọng nói của chị gái, hình ảnh của mẹ và trách nhiệm của một đứa con trai với bố giữ tôi ở lại", Andrew nói. "Anh ta đi vào và tôi bóp cò".

Andrew bị kết án 100 năm tù. Catherine cũng bị bắt và nhận án chung thân. Nhưng cô không nhận tội đã xúi giục O'Dubaine giết mẹ mình.

Catherine khi bị bắt. Ảnh: Chicago Tribune.

Theo bác sĩ Ravi Chandra, Andrew xứng đáng nhận bản án trên. Tuy nhiên, tận sâu tội ác này là những tổn thương nghiêm trọng. Là "đứa con trai ngoan ngoãn" trong một gia đình Á Đông, Andrew không thấy lựa chọn nào khác để bảo vệ danh dự gia đình ngoài việc bắn O'Dubaine.

Trong khi đó, hành động của Catherine bắt nguồn từ tuổi thơ bị ruồng bỏ. Theo Byung Won, bản thân Catherine cũng có quá nhiều mâu thuẫn và cô chọn trút lên đầu em trai và người yêu. "Nếu ở trong một gia đình yêu thương, có lẽ em ấy đã không trở nên như vậy", Byung Won nói.

Kevin Koron, anh trai O'Dubaine, chung suy nghĩ với Byung Won. Koron cho rằng lớp trang điểm, quần áo đắt tiền mà Catherine khoác lên người chính là lớp áo giáp bảo vệ cô khỏi cuộc đời. "Khi không son phấn, cô ấy trông mỏng manh và dễ vỡ", Koron nhận xét. "Catherine cũng chỉ là một nạn nhân mà thôi".

Hiện nay, Andrew thụ án ở Trung tâm Cải tạo Dixon, phía tây Chicago. Hối hận vì những gì đã làm, anh viết thư xin gia đình O'Dubaine tha thứ.

"Tôi thấy tiếc cho Andrew. Cậu ấy không có bố, không có mẹ, cũng không có anh chị em đúng nghĩa. Điều Andrew cần chỉ là một người giật lại khẩu súng và bảo cậu ấy vào nhà nhưng không ai ở đó", Kevin Koron nói.

Catherine thụ án ở nhà tù cách em trai chưa đến 30 dặm. Thông qua một người bạn, Andrew gửi lời đến Catherine, động viên chị gái "chúng ta rồi sẽ vượt qua". Đáp lại, Catherine bảo Andrew đừng liên lạc nữa, cô không có em trai và chẳng biết anh là ai.

"Nhưng dù thế nào, chị ấy cũng là chị gái tôi. Chị ấy là gia đình duy nhất tôi còn lại trên thế giới này", Andrew nói.

Ảnh chụp Andrew vào năm 2017 trong lần trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Chicago Tribune. Thời điểm này anh đã thụ án 20 năm và mong được ân xá vì những cố gắng của mình trong nhà giam.

Vào thời điểm đó, công tố viên cho rằng động cơ thật sự cho việc giết người của Andrew là vì muốn chiếm khoản bảo hiểm trị giá 250,000 USD của O'Dubaine. Vào năm 2017, trong cuộc điện thoại dài 4 tiếng với tờ Chicago Tribune, Andrew kể rằng sau khi đã vào tù, anh mới lờ mờ nhận ra người thật sự giết mẹ mình không phải là O'Dubaine, mà chính chị gái Catherine năm mới 18 tuổi đã ra tay sát hại mẹ để chiếm đoạt tài sản trị giá 800,000 USD.

Viethome (theo VnExpress)