Những kẻ buôn người lợi dụng trại tị nạn để kiếm bộn tiền như thế nào?

Cuối Hè năm 2016, Joy - một cô gái Nigeria 18 tuổi - đang đứng bên ngoài Trung tâm tiếp đón người tị nạn Cara di Mineo ở Sicily (Ý), chờ đợi ai đó đến đón. Joy khoác chiếc áo bò bên ngoài áo phông trắng và quần jean, quấn quanh cổ 6 đến 7 chuỗi hạt nhiều màu và đeo một chiếc lắc vàng - món quà của mẹ cô - trên cổ tay trái. Một chiếc xe sẫm màu xuất hiện, Joy vội vã tiến lên phía trước để đảm bảo rằng người lái xe có thể nhìn thấy cô "một mình". Chiếc xe tiến đến, nhưng không giảm tốc độ, vì vậy Joy quay lại và tiếp tục cuộc trò chuyện với nhà báo Barbie Latza Nadeau.
 viethome trai ti nan
Những cái bẫy buôn người Lớn tuổi nhất trong số 6 đứa con, Joy (không phải tên thật) kể với Nadeau rằng cô đã rời nhà ở ngôi làng nhỏ tại bang Edo, Nigeria năm 15 tuổi và làm việc cho một phụ nữ giàu có, sở hữu thẩm mỹ viện ở thành phố Benin. Kể từ đó, cô nghĩ rằng cha mẹ đã bán cô để lấy tiền nuôi những đứa em. Cúi gằm mặt nhìn xuống đường, Joy tự an ủi: "Họ có lẽ không có sự lựa chọn nào khác".
 
Có 6 cô gái khác cũng làm việc cho người mà Joy gọi là maman, nghĩa là mẹ. Khi Joy bước sang tuổi 16, cô đã trải qua một nghi thức buộc cô phải vâng lời maman, nếu không gia đình cô sẽ chết. Vài tuần sau, Joy được thông báo rằng cô sẽ đến Ý, nơi cô sẽ làm việc cho em gái của maman. Cô tin rằng cô sẽ được làm việc trong một tiệm uốn tóc. Cô được đưa cho 45 Euro và một số điện thoại để gọi khi cô đến Ý - nhưng không có tên, không có địa chỉ cũng như không có bất cứ thông tin nào.
 
Cuộc sống mới của Joy hóa ra không giống như những gì cô mong đợi. Thay vì làm việc cho một tiệm uốn tóc, cô lại rơi vào cái bẫy của bọn buôn người, những kẻ ép buộc phụ nữ làm nô lệ tình dục và gái mại dâm. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 80% phụ nữ được đưa đến châu Âu từ Nigeria vô tình bị "tài trợ" bởi những kẻ buôn người, những kẻ đã trả tiền cho các chuyến đi của họ. Những người còn lại sẽ phải tự trả tiền cho những kẻ buôn lậu để được đưa đến châu Âu, nhưng một khi đã đến đó, sẽ không thể thoát khỏi những cái bẫy buôn người.
 
Sau hành trình kinh hoàng qua Tripoli mất gần ba tuần, Joy đã đến cảng Augusta, bờ biển phía Đông Sicily, nước Ý. Cô không có giấy tờ hay hộ chiếu. Tất cả những gì cô có là một số điện thoại của Ý mà maman đã khâu vào tay áo khoác của cô. Khi những người nhập cư xuống thuyền, một viên quân cảnh có vũ trang, mặc áo chống đạn đứng canh giữ trong khi người khác lục soát và thu giữ dao của một vài người đàn ông. Những người có giấy tờ được đưa đến khu vực riêng. Một phụ nữ phát giày dép, trong khi người khác đưa cho họ những quả táo đã vàng thâm. Một viên sĩ quan cầm cây bút đen ghi những con số vào tay trái của những người nhập cư. Joy mang số 323.
 
Tội phạm ngầm trong trại tị nạn
 
Những người mới đến được chia thành các nhóm và đưa lên xe buýt. Xe buýt của Joy chạy tới trại tị nạn Cara di Mineo, một trong những trại lớn nhất ở châu Âu. Địa điểm này được xây dựng như khu nhà ở sang trọng dành cho nhân viên quân sự Mỹ, nhưng nó không được trang bị để đối phó với số lượng lớn người nhập cư tràn vào bờ biển Sicily.
 
Theo số liệu mới nhất, đây là nơi ở của 4.000 người tị nạn. Trung tâm này đã trở thành một nơi không có luật lệ, nơi mọi người dễ làm mồi cho các băng nhóm tội phạm. Nhà nước bảo trợ cho các trung tâm này bằng cách cấp cho họ một khoản tiền dành cho mỗi người xin tị nạn, nhưng một số kẻ quản lý trại đã cắt giảm thực phẩm cùng các tiện ích khác và bỏ túi.
 
Trong khi đó, các thành viên cấp thấp của các tổ chức mafia khác của Ý và các băng đảng Nigeria đến trung tâm để tuyển dụng những người đàn ông làm công việc vận chuyển ma túy cho chúng. Cara di Mineo, giống như trung tâm tị nạn Sant'Anna ở Isola di Capo Rizzuto tại Calabria, và những nơi khác trên đất liền, cũng đã trở thành địa bàn làm ăn của những kẻ buôn người.
 
Những kẻ buôn người quyến rũ phụ nữ ra khỏi trung tâm với lý do dẫn họ đi mua sắm hoặc thưởng cho họ những chuyến du ngoạn khác, nhưng thực tế là đưa họ tới chỗ các tú bà người Nigeria và ép làm nô lệ tình dục. Một số trung tâm đã trở thành đối tượng của các cuộc điều tra hình sự. Các cuộc điều tra này cho thấy tham nhũng diễn ra ở cấp địa phương và cấp bang, thậm chí còn có sự cấu kết với các tổ chức mafia.
 
Theo tờ The Guardian, mafia đang kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ việc khai thác mặt trái của vấn đề người nhập cư. Ngay khi xuống xe buýt tại trung tâm tiếp đón người nhập cư, Joy đã được cấp giường trong một ngôi nhà có 10 phụ nữ Nigeria trạc tuổi cô. Đa số họ được hứa hẹn đến Ý để làm việc trong các tiệm uốn tóc.
 
Joy xin tị nạn vào buổi sáng ngày cô đặt chân đến Ý, sử dụng ngày sinh của mình và tên của em gái. Ba ngày sau, một người đàn ông đến trại gặp Joy và nói với cô rằng hàng sáng, cô phải đứng đợi ở lối vào và có người sẽ đến đón. Joy đã hỏi làm sao cô có thể biết ai sẽ đón mình. "Cô sẽ biết", người đàn ông nói. "Chỉ cần vào xe khi nó dừng lại".
 
Đó là nơi mà nhà báo Nadeau đã gặp Joy. Bà hỏi Joy nghĩ rằng điều gì xảy ra sau khi cô được đón, Joy quả quyết cô sẽ được đưa đến một thẩm mỹ viện. Tại đây, cô sẽ làm tóc cho khách, giống như công việc cô từng làm tại quê nhà.
 
Joy chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ trẻ mà nữ nhà báo Nadeau nhìn thấy đang trượt xuống vực thẳm. Nhiều phụ nữ Nigeria đã được các tổ chức từ thiện hoặc tàu tuần tra cứu thoát khỏi tàu của những tên buôn người. Phần lớn họ độc thân và đi du lịch một mình. Nhiều trong số những nạn nhân của nạn buôn người làm nô lệ tình dục đã bị dụ dỗ rằng họ sẽ có các giấy tờ cần thiết khi họ rời trung tâm. Phần lớn những nạn nhân này đều kết thúc bằng các giấy giả mạo do các nhóm tội phạm có tổ chức của Ý cung cấp. Ngược lại, các giấy tờ này lại là mối ràng buộc các cô gái không thể thoát khỏi tình trạng nô lệ tình dục, bởi vì những má mì đe dọa sẽ đưa họ về "chầu diêm vương" nếu họ cố trốn thoát.
 
"Buôn da thịt"
 
Các cô gái Nigeria bị bán thẳng cho những tú bà ở Naples và những nơi khác bị buộc phải làm gái mại dâm để trả những khoản nợ lớn. Ngay cả trước khi bắt đầu làm việc, họ đã nghiễm nhiên bị các tú bà khoác cho khoản nợ khoảng 60.000 Euro mỗi người. Chỉ cần một nửa trong số ước tính 11.000 cô gái Nigeria đến Ý năm 2016, mỗi người nợ các băng nhóm của tú bà 60.000 Euro thì lợi nhuận thu được từ những cô gái này sẽ lên tới trên 300 triệu Euro.
 
Các cô gái có thể phải làm nô lệ tình dục 5 năm hoặc nhiều hơn để trả nợ. Sau đó, họ được tự do rời đi, tuy nhiên, một số lại biến mình trở thành tú bà hoặc bị thuyết phục tiếp tục hành nghề kiếm tiền. Chu kỳ này đã tiếp diễn trong hơn một thập kỷ, nhưng vào năm 2016, số phụ nữ Nigeria bị bán làm nô lệ tình dục cao hơn 60% so với năm trước.
 
Năm 2016, cảnh sát chống mafia đã tiến hành chiến dịch mang tên "Buôn da thịt" (Skin Trade), phát hiện ra một trong những mạng lưới được thành lập nhằm đưa phụ nữ ra khỏi trại Cara di Mineo để hành nghề mại dâm. Trong số những phụ nữ bị bắt ở Castel Volturno có Irene Ebhoadaghe, 44 tuổi, người tự xưng là Mummy Shade. Các nhà điều tra cho biết, Mummy Shade đang chờ đợi ba cô gái trẻ đến Naples từ Cara di Mineo. Một trong những người đó là Joy.
 
Trong quá trình điều tra, viên cảnh sát ngầm đã được một trong những cơ quan cứu trợ làm việc tại Cara di Mineo giúp đón Joy. Ông đã thuyết phục Joy giúp họ bắt những kẻ đã bán cô và bằng chứng của cô đã trở thành chìa khóa cho chuyên án thành công. Sau khi hợp tác thành công với cảnh sát, Joy được chấp thuận cho tị nạn và chuyển đến Bắc Âu sống với người họ hàng.
Viethome (theo Báo Thế Giới)