Các salon làm đẹp, tiệm rửa xe, công trường xây dựng và nhà hàng đang trở thành mục tiêu truy lùng người lao động không giấy tờ của Đảng Lao Động.
Trong nỗ lực ngăn chặn việc trục lợi hệ thống nhập cư, những người chủ vi phạm sẽ đối mặt án phạt £60,000 cho mỗi lao động không giấy tờ. Còn giám đốc điều hành sẽ bị tước giấy phép. Hai đối tượng này có thể bị phạt tù đến 5 năm.
Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper đã tiết lộ kế hoạch giải quyết những vấn đề nổi cộm trong nền "kinh tế gig" - đây là mô hình kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian, tạm thời hoặc không có giờ giấc cụ thể (zero-hour contract). Bà muốn ngăn chặn tình trạng lao động không giấy tờ nhận làm những công việc tay chân và nhận lương bằng tiền mặt.
Bà Cooper nói: "Nếu cứ tiếp tục nhắm mắt trước tình trạng này, người nhập cư sẽ tiếp tục bị bọn buôn người lợi dụng. Chúng bán cho họ những chỗ ngồi chật chội trên chiếc xuồng ọp ẹp quá tải, với lời hứa về cơ hội việc làm và một cuộc sống sung túc ở Vương quốc Anh. Việc thuê mướn người không giấy tờ với giá rẻ sẽ giúp các chủ doanh nghiệp loại bỏ được đối thủ cạnh tranh, nhưng điều đó là vi phạm luật và chúng tôi luôn kiên quyết loại trừ".
Bộ trưởng Nội Vụ Yvette Cooper. Ảnh: Jacob King/PA
Trong 9 tháng qua Đảng Lao Động đã áp dụng những biện pháp rất căng để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, bao gồm đẩy mạnh việc trục xuất và đập tan các băng nhóm buôn người. Sắp tới chính phủ sẽ còn áp dụng những bộ luật nghiêm khắc hơn nữa để ngăn chặn lao động bất hợp pháp.
Các doanh nghiệp thuê nhân viên part-time hoặc thời vụ đều phải có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ được phép làm việc của họ. Thủ tục kiểm tra cũng giống như khi tuyển nhân viên full-time.
Như vậy, đây là lần đầu tiên mà các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế gig (như công ty xây dựng, công ty giao thức ăn nhanh, tiệm làm đẹp, công ty chuyển phát...) phải tiến hành kiểm tra đầy đủ hồ sơ của người xin việc trước khi nhận vào làm.
Hiện tại, hàng ngàn doanh nghiệp sử dụng hình thức thuê mướn tạm thời và họ không bắt buộc phải kiểm tra giấy tờ của người lao động. Nay luật sẽ chính thức thay đổi.
Nếu doanh nghiệp không kiểm tra giấy tờ, họ sẽ bị phạt lên tới £60k đối với mỗi lao động không giấy tờ, bị đóng cửa doanh nghiệp, bị tước giấy phép hành nghề.
Hiện tại các công ty Deliveroo, Just Eat và Uber Eats đã xung phong kiểm tra giấy tờ để đảm bảo mọi tài xế mà họ thuê đều là lao động hợ pháp.
Bên cạnh đó, kể từ tháng 5/2025, các nhân viên thực thi luật di trú vả cảnh sát chống tội phạm nhập cư sẽ được trang bị camera gắn trên người. Công nghệ này đã được chính phủ chi 5 triệu bảng hỗ trợ, nhằm giúp người thi hành công vụ dễ dàng thu nhập bằng chứng để truy tố kẻ vi phạm
Từ tháng 7 năm ngoái đến nay, Bộ Nội Vụ đã tiến hành 6,784 lượt kiểm tra tại các doanh nghiệp và tiến hành 4,779 vụ bắt giữ. Số lượt kiểm tra tăng 40% và số vụ bắt giữ tăng 42% so với 12 tháng trước đó. Đã có 1,508 cơ sở bị phạt hành chính.
Viethome (theo Independent)