Rishi Sunak được cứu: Hạ viện thông qua Dự luật Rwanda giữa áp lực nghẹt thở

Vào tối ngày 17.1, ông Rishi Sunak xem như đã phần nào bảo toàn được chiếc ghế thủ tướng khi Dự thảo luật Rwanda được Hạ Viện thông qua trong lần trình thứ ba (third reading) và chỉ có 11 nghị sĩ Bảo Thủ bỏ phiếu chống. 

Đây là lần bỏ phiếu cuối cùng tại Hạ viện, sau đó dự luật sẽ tiếp tục được trình lên Thượng viện. Vào buổi tối hôm trước đó, tại Hạ viện đã xảy ra một cuộc nổi loạn nghiêm trọng khi có đến 60 nghị sĩ Bảo Thủ yêu cầu ông Sunak phải chỉnh sửa dự luật theo hướng cứng rắn hơn nữa. 

Họ yêu cầu ông phải ngăn chặn bất kỳ khả năng nào cho phép những người xin tị nạn kháng cáo lại quyết định trục xuất tới Rwanda. Tuy nhiên đến tối ngày 17/1, đa số các nghị sĩ đã chấp nhận rằng "thà linh hoạt một chút còn hơn để toàn bộ dự luật đều đổ sông đổ bể". 

ha vien thong qua du thao luat rwanda

Cuộc nổi dậy chưa từng có

Tối ngày 16.1, khoảng 60 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền đã đứng lên đòi chỉnh sửa Dự thảo Luật Rwanda theo hướng cứng rắn hơn. Sự việc này cùng với với việc một số thành viên chủ chốt trong đảng Bảo thủ từ chức để yêu cầu những điểm sửa đổi đi ngược lại đường lối của chính phủ, đã tạo nên cuộc “nổi loạn” lớn nhất trong nội bộ đảng kể từ khi ông Sunak lên nắm quyền hồi tháng 10.2022.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Thương mại Kemi Badenoch, Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ Lee Anderson, cùng hai nghị sĩ Brendan Clarke-Smith và Jane Stevenson là những cá nhân đã từ chức, nằm trong nhóm 60 nghị sĩ “nổi loạn” (trong đó có cựu Thủ tướng Anh Liz Truss) nhằm ủng hộ các sửa đổi nhằm siết chặt Luật Rwanda, ngăn chặn bất kỳ khả năng nào cho phép những người xin tị nạn kháng cáo lại quyết định trục xuất họ về Rwanda.

Đây là một đòn giáng mạnh vào cả chính sách lẫn thẩm quyền của ông đối với đảng cầm quyền. Ông Sunak đã coi chính sách nhập cư gây tranh cãi - và vô cùng tốn kém này - là trọng tâm trong nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay.

Giữa hai làn đạn

Trong khi những người thuộc phe Bảo Thủ cứng rắn ở Anh chỉ trích Dự luật Rwanda, cho rằng Anh đang nhượng bộ quá mức, thì các nhóm nhân quyền lại chỉ trích đây là một kế hoạch vô nhân đạo. Thậm chí tháng 11 năm ngoái, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã ra phán quyết rằng chính sách này là bất hợp pháp và vi phạm Luật Nhân quyền của Anh vì Rwanda không phải là quốc gia an toàn đối với người tị nạn.

Để đáp lại phán quyết của tòa án, Anh và Rwanda đã ký một hiệp ước cam kết tăng cường bảo vệ người di cư; đồng thời cho phép nước này thông qua Luật Rwanda, trong đó tuyên bố Rwanda là điểm đến an toàn đối với người tị nạn. Nếu được Nghị viện thông qua, luật này sẽ cho phép chính phủ “loại bỏ” các điều khoản trong Luật Nhân quyền của Vương quốc Anh đối với yêu cầu tị nạn liên quan đến Rwanda và khiến việc phản đối lệnh trục xuất tại tòa án trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử lập pháp đang đến gần, ông Sunak cần đoàn kết Đảng Bảo thủ, những người đang thua xa Đảng Lao động đối lập trong các cuộc thăm dò ý kiến. Nhưng phe tự do và độc đoán của Đảng Bảo thủ đang bất hòa về kế hoạch Rwanda. Những người ôn hòa lo ngại chính sách này quá cực đoan, trong khi nhiều người thuộc phe cánh hữu đầy quyền lực của đảng cho rằng nó sẽ không đủ mạnh để ngăn chặn làn sóng di cư sang Vương quốc Anh.

“Bài kiểm tra” thực sự đối với ông Sunak đã đến vào tối ngày 17.1 khi Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu trong lần trình thứ ba (third reading) của Dự luật Rwanda, theo quy trình lập pháp ở đảo quốc sương mù.

Cuộc bỏ phiếu về Dự luật Rwanda giống như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với thủ tướng. Ông Sunak phải đoàn kết trong đảng để có thể giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu. Nếu toàn bộ 60 nghị sĩ trên “đào ngũ”, dự luật có nguy cơ chết yểu. Kết quả này sẽ khiến cho một trong những chính sách cốt lõi của ông Sunak chính thức khai tử, và có thể đem đến những tác động tiêu cực đối với uy tín của đảng Bảo thủ nói chung và vai trò lãnh đạo của ông Sunak nói riêng, trong bối cảnh năm nay sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.

Trước tối ngày 17.1, tình thế của ông Sunak phần nào giống với một trong những người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May. Vào thời điểm nắm quyền, bà May đối mặt với sự nổi loạn “không hồi kết” của các nghị sĩ trong vấn đề thỏa thuận rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) khi các thành viên cấp cao trong nội các “thay nhau” từ chức.

Thủ tướng Sunak không thể chủ quan trước cuộc nổi dậy của các nghị sĩ trong đảng khi đây từng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho cả ba người tiền nhiệm, bao gồm bà Theresa May, ông Boris Johnson và bà Liz Truss buộc phải rời số 10 phố Downing.

Chính sách Rwanda - lời hứa của ông Sunak

Chính sách Rwanda là chìa khóa cho cam kết của Thủ tướng Sunak nhằm “ngăn chặn thuyền nhân”, một làn sóng đưa những người di cư trái phép tới Vương quốc Anh qua eo biển Manche từ Pháp. Hơn 29.000 người xin tị nạn đã thực hiện các chuyến hành trình đầy nguy hiểm trong năm 2023 với hy vọng có thể đến được miền đất hứa, con số này đã giảm so với con số 42.000 người tị nạn của năm 2022.

London và Kigali (thủ đô Rwanda) đã đạt được một thỏa thuận về tiếp nhận người xin tị nạn cách đây gần hai năm. Theo đó những người di cư đến Anh qua eo biển Manche sẽ được gửi đến Rwanda, nơi họ sẽ được tiếp nhận vĩnh viễn. Đổi lại, Anh trả cho Rwanda ít nhất 240 triệu bảng Anh (305 triệu USD) theo thỏa thuận. Tuy nhiên, cho đến nay, hai bên vẫn chưa thể thực hiện bất kỳ cuộc tiếp nhận người di cư nào do thỏa thuận vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều phía.

Viethome (theo Telegraph)