Chính phủ Anh loay hoay với sách lược về di cư

Những sách lược của Chính phủ Anh về hạn chế người nhập cư đang vấp phải nhiều phản ứng trái chiều. Theo thống kê của Chính phủ Anh, năm 2022, nước này cho phép nhập cảnh gần 1,2 triệu người di cư. Trong con số kỷ lục này, có khoảng hơn 900 nghìn người đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU).

sach luoc di cu
Khu vực nhập cảnh tại sân bay London Heathrow, Thủ đô London, Anh. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 7/2022, Thủ tướng Anh Rishi Sunak phải đối diện với thách thức ngày càng gia tăng trong vấn đề di cư. Thực tế tình hình di cư tăng đột biến đã đòi hỏi Chính phủ Anh phải có những biện pháp mới cứng rắn hơn, bao gồm việc đưa ra dự luật cho phép trục xuất người di cư về Rwanda được Hạ viện Anh thông qua vào tháng trước.

Tuy nhiên, dự luật của ông Sunak đã vấp phải những ý kiến phản đối gay gắt. Nổi bật trong đó, các nghị sĩ cánh hữu của Đảng Bảo thủ cho rằng, dự luật quá mềm mỏng. Còn theo những người theo chủ nghĩa trung dung của Đảng và phe đối lập, dự luật này quá cực đoan và có nguy cơ đi ngược lại các cam kết quốc tế về nhân quyền. Dự luật của ông Sunak có thể thất bại nếu không có những sửa đổi mang tính đột phá ngay trong tháng 1/2024.

Đáng chú ý, theo một quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, các sinh viên nước ngoài sẽ không còn được phép đưa người thân hay gia đình đến đoàn tụ tại Anh, áp dụng cho hầu hết sinh viên quốc tế, ngoại trừ những sinh viên đăng ký các khóa học nghiên cứu sau đại học hoặc có học bổng do chính phủ tài trợ.

Quy định mới được kỳ vọng giảm khoảng 140 nghìn người di cư vào Anh mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, có thể quy định này đem đến kết quả khả quan trong thời gian ngắn, nhưng chỉ giải quyết được vấn đề bề nổi. Rất có thể, quyết sách này gây ra cuộc khủng hoảng cho thị trường lao động Anh, thậm chí làm cản trở tăng trưởng kinh tế.

Chính sách mới trên thực tiễn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các trường đại học có ngân sách phụ thuộc vào học phí của sinh viên nước ngoài. Trên thực tế, phần lớn du học sinh Anh đều là người có điều kiện kinh tế khá giả, thậm chí là giàu có, bởi Anh là một trong những nền giáo dục và chi phí sinh hoạt đắt đỏ bậc nhất thế giới.

Bên cạnh việc tìm đến Anh để học tập, phần lớn du học sinh đi cùng gia đình còn có mục tiêu ở lại làm việc và định cư. Chính sự xác định rõ ràng về đường hướng phát triển tương lai này, du học sinh được xem là lực lượng di cư tốt cho nước Anh. Thực tế cũng cho thấy, những du học sinh có thể ở lại Anh sau quá trình học tập đều đã tự trải qua một quá trình sàng lọc tự nhiên khắc nghiệt để chứng minh bản thân thực sự có trình độ nhất định, tuân thủ tốt luật pháp, nghĩa vụ. Điều này cũng là yếu tố quan trọng góp phần bổ sung thiếu hụt của thị trường lao động Anh. Ngược lại, khi Anh từ chối, lượng người di cư tốt này hầu như sẽ được chào đón ở các quốc gia khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách của Chính phủ Anh có thể kéo giảm số người nhập cư nhưng là những con số phù phiếm, khi làm cho đất nước mất đi một khoản thu nhập đáng kể từ những gia đình sinh viên, cũng như làm thiếu hụt trầm trọng hơn nguồn lao động có tay nghề. Anh cũng sẽ tụt hạng cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục, để lại nhiều hệ lụy kinh tế dai dẳng.

Theo giới chuyên gia, khi cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong năm nay, Chính phủ Anh cần đạt được những kết quả ngắn hạn nhằm xoa dịu trước mắt sức ép, tìm kiếm niềm tin của người dân, cũng như phe ủng hộ.

Tuy nhiên, sách lược này mang hơi hướng “vơ đũa cả nắm”, chưa có sự soi xét tỉ mỉ các khía cạnh của vấn đề di cư. Trong khi các “miền đất hứa” khác khuyến khích người lao động có tay nghề đến nước mình, thì động thái của Anh cho thấy sự “thanh lọc” người di cư có trình độ.

Dễ thấy, dù sức ép ngày càng gia tăng, song Anh chưa có định hình hợp lý và có lợi cho một lộ trình siết chặt di cư, thậm chí còn có những nguy cơ để lại hệ lụy là những gánh nặng gấp nhiều lần cho tương lai của đất nước.

Theo bienphong