Tòa Thượng thẩm Anh nói kế hoạch gửi người xin tị nạn sang Rwanda là "hợp pháp"

ti nan rwanda 2
Một đồ họa của BBC News mô tả các tuyến đường đưa người lậu từ VN và châu Á vào Anh qua châu Âu

Trong phán quyết ngay lập tức bị một số tổ chức nhân quyền phê phán, Tòa Thượng thẩm ở Anh nói kế hoạch của chính phủ Anh gửi người xin tỵ nạn sang Rwanda và họ phải chờ cứu xét đơn xin tỵ nạn bên đó là “hợp pháp”.

Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Suella Braverman vui mừng chia sẻ trên mạng xã hội rằng “chính quyền ngay từ đầu đã tin rằng kế hoạch của mình là hợp pháp”.

Từ Tòa Thượng thẩm, Thẩm phán (Lord Justice) Lewis nói: "Chúng tôi kết luận rằng đó là điều hợp pháp để chính phủ bố trí các kế hoạch đưa người xin tỵ nạn sang Rwanda và đơn xin tỵ nạn của họ sẽ được cứu xét bên đó.”

Ngài thẩm phán cũng trích phán quyết Tòa Thượng phẩm cho rằng các kế hoạch đưa người sang Rwanda “không vi phạm Hiến chương LHQ về người tỵ nạn”, và cũng không “vi phạm nhân quyền”.

Thế nhưng các thẩm phán cũng nói cụ thể về tám trường hợp người nhập cư vào Anh xin tỵ nạn thì đã không được Bộ trưởng Nội vụ Anh xem xét đúng đắn, khi họ được “chọn để đưa lên máy bay sang Rwanda”.

Tức là trên nguyên tắc, việc mở chương trình cứu xét đơn tỵ nạn của người vào Anh bằng đường biển không thị thực, gồm một số người Việt Nam, là đúng pháp luật và có thể được thực hiện.

Toà chỉ yêu cầu Bộ Nội vụ cứu xét lại tám trường hợp chờ lên máy bay. Giữa năm 2022, vụ việc bị kiện nên các chuyến bay phải dừng lại.

Tranh cãi về nhân quyền

Chuyến bay chở "tám người đầu tiên" sang trại cứu xét tỵ nạn ở Rwanda bị ngưng lại vì các vụ kiện, coi đây là chuyện “vi phạm nhân quyền”.

Cùng lúc, một số tờ báo thiên hữu ở Anh ủng hộ chương trình này, coi đó là cách gửi ra thông điệp để “những đường dây buôn người nguy hiểm” phải chùn tay.

Vì nếu hàng nghìn người vào Anh bằng thuyền nhỏ từ châu Âu biết rằng họ sẽ được chuyển sang Rwanda ở châu Phi để chờ xét đơn tỵ nạn chứ không thể chờ ở Anh, thì khả năng cố sang Anh bằng mọi giá sẽ giảm, theo cách lập luận trên.

Tuy thế, các tổ chức nhân quyền đã tiếp tục phê phán phán quyết của tòa án Anh. Ông Steve Valdez-Symonds thuộc Ân xá Quốc tế ở Anh (Amnesty International UK) nói “chương trình Rwanda phải bị bỏ ngay lập tức và bỏ toàn bộ”.

Chính phủ Rwanda đã hoan nghênh phán quyết của toà án Anh. Anh Quốc trả tiền cho Rwanda để nhận mở các trung tâm tạm cư cho người tới Anh xin tỵ nạn.

Gần đây, chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak đã tỏ ra cứng rắn về vấn đề di dân. Tin mới nhất cho hay ông Sunak "rất vui về giải pháp Rwanda" được tòa án bật đèn xanh.

Người Albania và người Việt Nam

Chính phủ Anh muốn mọi công dân Albania vào Anh xin tỵ nạn sẽ bị trả về Albania ngay. Anh Quốc nói Albania là nước châu Âu, đã lâu không còn chiến tranh và không có dấu hiệu hàng nghìn người "bị đàn áp", nên họ không có lý do gì tới Anh xin tỵ nạn.

Hàng nghìn người Albania đã bơi thuyền qua eo biển giữa Anh và Pháp để tới Anh. Từ tháng 6/2021 đến hết tháng 6/2022, 7.627 công dân Albania, một nước châu Âu không còn chiến tranh, đã tới Anh xin tỵ nạn.

Số liệu của Bộ Nội vụ Anh nói chỉ tính đến hết tháng 10/2022, chừng 38 nghìn người đã vượt biên bằng thuyền vào Anh trong năm đó.

Từ tháng 1/2018 đên hết tháng 6/2022, số người vào Anh bằng thuyền nhỏ, không giấy tờ gồm 28% người Iran, 20% Iraq, ngoài ra là dân Albania, Afghanistan. Con số người từ Pakistan, Sri Lanla, Việt Nam cũng có nhưng ít hơn.

Theo BBC Tiếng Việt