Làn sóng truy quét người nhập cư đang gây phẫn nộ trong dư luận

Các nhà tù của Bộ Nội Vụ trên khắp đất nước đang phải hứng chịu sự phẫn nộ của nhiều tổ chức và người dân địa phương, buộc phải trả tự do cho những người đang bị giam giữ.

9 giờ sáng ngày 13/5/2021, khi Nick (63 tuổi) và Ishbel (62 tuổi) nhận được tin cho biết sắp có cuộc đột kích của Bộ Nội Vụ ở Phố Kenmure, thuộc quận Glasgow của Pollokshields. Cả hai đã nghỉ hưu và sống cách đó chỉ 10 phút lái xe, họ có mặt ở đó ngay trước khi xe tải của đội quân cưỡng chế tìm được chỗ đậu phù hợp. Nick theo sau Ishbel tiến đến trước cổng chung cư cùng với chiếc gậy của mình, mà như lời của Ishbel nói rằng “họ sẽ không thể tiến thêm được khi chúng ta vẫn còn đứng ở đây.” Trong lúc đó, một người đàn ông nào đó đã chui xuống gầm xe tải và nằm luôn ở đó.

Có hai người đàn ông khác đã bị giam trong xe tải, cùng với những nhân viên xuất nhập cảnh và một người vẫn còn kẹt dưới bánh xe của họ, nhưng mọi thứ chưa dừng lại ở đó. Mọi người bắt đầu kéo đến khi những buổi lễ cầu nguyện của người Hồi giáo kết thúc, mà theo như mô tả của Ishbel thì cảnh tượng “trông như một vụ nổ.” Nick đi lấy một chiếc chăn cho người đàn ông nằm dưới bánh xe tải, khi ông quay lại thì đã thấy nhiều người khác đang phát đồ uống. “Mọi người đều đang chứng kiến qua mạng xã hội hoặc khung cửa sổ nhà họ, người dân địa phương đã mang trái cây đến, các cửa hàng thì phân phát miễn phí những khay thức ăn.” Nick mô tả.

Aamer Anwar - một luật sư vận động tranh cử hàng đầu ở Scotland, người đã đấu tranh chống lại việc giam giữ phụ nữ và trẻ em tại nhà tù Dungavel hồi năm 2003, anh cũng đã đến vào lúc đó cùng người con trai 13 tuổi và hai người con gái chín và sáu tuổi. Anh cho rằng đây là một hành động vô cùng thực tế, là cách hay nhất để con cái anh có dịp đến gần hơn với văn hoá Hồi giáo.

“Tôi đã lên xe và yêu cầu các cảnh sát rằng trong 24 giờ tới, hãy thả tự do cho những người này và để tôi giải quyết mọi chuyện. Họ sẽ ra về cùng với đám đông ôn hoà ngoài kia và rồi tất cả mọi người đều sẽ giải tán.” Anwar kể lại. Lúc này Roza Salih cũng có mặt ở đó, cô là uỷ viên hội đồng địa phương nhưng đồng thời cũng là thành viên sáng lập của Glasgow Girls - nhóm hoạt động dành cho học sinh. Năm 2005, nhóm này đã đấu tranh thành công chống lại việc một số bạn cùng lớp người Kosovo của họ bị giam giữ.

(Ảnh: Andrew Miligan/PA).

Tâm trạng của nhóm người biểu tình đang dâng lên rất cao. “Tôi nói rằng nếu không thì cảnh sát các anh phải gửi đến thêm 40 xe chuyên dụng chống bạo động nữa. Nhưng họ sẽ không biết điều gì đang chờ đợi họ tiếp theo đâu. Đàn ông, phụ nữ, người da trắng lẫn người da đen, ở đây đang là sự hiện diện của một cộng đồng đa dạng hàng đầu Scotland. Hôm nay còn là ngày lễ quan trọng của người Hồi Giáo nữa, sai lầm này sẽ kéo theo khoảng thời gian nhiều năm u ám sắp đến.” Anwar cho biết thêm.

Cuối cùng đến khoảng 5h30 chiều thì hai người đàn ông cũng được thả, họ vào ngay nhà thờ gần đó để làm lễ với tinh thần tôn nghiêm. Nick kể lại rằng cảnh sát đã cố gắng tạo thành một “đội quân vũ trang", nhưng trước mặt họ là những người đi xe đạp, những người tàn tật, cùng với cha mẹ của những đứa trẻ và xe đẩy của chúng. “Lúc đó chúng tôi nhận thức được mình sẽ bị bắt bất cứ lúc nào, nhưng suy nghĩ duy nhất hiện lên là muốn nói với cảnh sát rằng, đừng hòng đến đất của chúng tôi rồi mang người dân của chúng tôi đi.”

Gần một năm sau một cuộc càn quét khác cũng phải hoãn lại trước áp lực từ cộng đồng, lần này là ở Quảng trường Nicholson, Edinburgh. Sau đó vào tháng 6 còn có một cuộc phản công khác thành công hơn nữa tại Queen's Road, Peckham London. Về mặt chiến thuật, những cuộc biểu tình này đang đặt ra thử thách hóc búa cho các nhà chức trách. Vì họ không thể tập hợp quá nhiều sĩ quan cảnh sát chỉ trong một thời gian ngắn. “Họ đang đi vào một cộng đồng đa dạng và đông đúc, chứ không phải tiến vào một sân bóng đá.” 

“Họ còn phải dự phòng cho những tình huống khi sức mạnh của đoàn người biểu tình lớn hơn. Đó là chưa kể đến sự xuất hiện gần như ngay lập tức của các phóng viên, các phương tiện truyền thông đại chúng. Bộ Nội vụ và cả cảnh sát đều không thể sẵn sàng cho những kiểu tình huống như thế.” Anwar phân tích.

Những sự kiện như thế này mang tính bộc phát cao, với những hành động trực tiếp vì một mục tiêu cụ thể. Thành công của họ trong thời điểm này khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: phong trào kiểu như vậy bắt đầu khi nào và lan toả ra sao, chúng có ý nghĩa gì với các phe thế lực thù địch, vì sao người ta sẵn sàng vây quanh những chiếc xe tải trong nhiều giờ liền chỉ để làm việc này? Bên cạnh những lời tuyên truyền và kêu gọi mạnh mẽ trên truyền thông, dường như không phải ai cũng muốn những người nhập cư bị tóm gọn và lôi ra khỏi cộng đồng người dân.

Reginald Papoola, 27 tuổi và thuộc nhóm uỷ viên hội đồng cánh tả vừa mới được bầu chia sẻ: “Tôi đã sống ở đây cả đời và những tình huống này đã trở nên quá bình thường. Khi tôi nghe tin một người nào đó sắp bị bắt đi, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là bằng mọi cách cứu giúp người đó. Không chỉ vì bản thân là uỷ viên hội đồng, mà còn vì người đó cũng là một phần trong cộng đồng chúng tôi.” 

Ở bất cứ cuộc biểu tình nào, người ta cũng ghi nhận được sự đồng lòng hợp sức đến mức khó tin. Những chiếc bánh trao tận tay, những chiếc xe đẩy trẻ em hay những lời ca tiếng hát. Người biểu tình hiểu rằng rủi ro họ cũng bị bắt là hoàn toàn có thật, nhưng vượt lên trên đó là tình hữu nghị và đoàn kết chính trị mạnh mẽ. Họ đồng lòng vươn lên để bảo vệ cho chính những giá trị của bản thân. “Đây là đường phố của chúng ta, là cộng đồng của chúng ta, họ sẽ phải nhớ kỹ ngày hôm nay.” Anwar nói với những người con của mình.

Haringey Anti Raids được biết là nhóm lâu đời nhất đang còn hoạt động, được thành lập năm 2016, nhưng họ tiết lộ rằng họ được xây dựng từ nền tảng của nhiều nhóm khác - là một mạng lưới đã thành lập từ năm 2012 sau hàng loạt cuộc càn quét , đỉnh điểm là sự việc được tổ chức ở phía nam London, nhắm vào cộng đồng những người Mỹ Latinh. Nhưng hiện tại đã có nhiều nhóm khác lần lượt xuất hiện ở ​​Hackney, Waltham Forest, Newham, Tower Hamlets và West London, Sheffield, Leeds, Manchester, Edinburgh, Glasgow, Liverpool và Newcastle.

(ảnh: SOPA/REX/Shutterstock).

Zoe Gardner - người vừa rời khỏi nhóm chính sách cho người nhập cư tai Hội đồng phúc lợi cho biết, các nhóm biểu tình là nguồn cơn của nhiều phe phản đối chính trị, bất tuân chính phủ từ nhiều năm về trước. Nick và Ishbel chắc chắn đã tham gia vào nhóm biểu tình kể từ lần điều luật trục xuất được thay đổi. Đây là nhóm những người tị nạn đã bị từ chối, họ kháng cự lại dẫn đến việc Bộ Nội vụ không thể truy quét hết, trong khi chủ nhà cũng không muốn giữ họ lại với tư cách là người thuê nhà. Nick nói: “Khi họ thấy chúng tôi đang đứng trò chuyện dưới chân cầu thang, họ chỉ nói rằng sẽ quay lại vào một ngày khác.”

Thường thì không có nhiều sự kết hợp giữa các nhóm biểu tình với các nhóm chính Đảng, nhưng điều đó cũng đang dần thay đổi. Papoola không phải Uỷ viên Hội đồng duy nhất tham gia vào cuộc biểu tình ở Peckham hôm 13/6. Mặc dù sự kết hợp giữa những nhóm này bao gồm nhiều nhà hoạt động cùng với người dân địa phương, tập hợp một cách tự phát nhưng không có nghĩa rằng họ hoạt động vô tổ chức.

Maya 29 tuổi (đã thay đổi tên) mô tả rằng sau cuộc truy quét ở đường phố Kenmure, cô đã tham gia vào khoá huấn luyện do Haringey Anti Raids tổ chức. “Mọi người sẽ được hiểu rõ các cuộc truy quét diễn ra thế nào, bạn có quyền gì với tư cách là những người bị tạm giữ, bạn biểu tình như thế nào trong vai trò của một nhóm ôn hoà, hay những câu hỏi nào mà bạn không cần phải trả lời.”

Cũng có mặt trong cuộc biểu tình ở Peckham như Maya là Hunter (đã thay đổi tên, 29 tuổi sống ở New Cross Gate). Giống nhiều cuộc biểu tình khác, lần này vẫn là một tổ chức có phần lỏng lẻo, được huy động bởi nhiều mạng lưới khác nhau trong đó có cả nhóm chat Whatsapp của một phụ huynh học sinh. Nhìn thấy tình huống đó nên đội làm nhiệm vụ truy quét đã phần nào chủ quan, họ tìm đến với chỉ một chiếc xe van chuyên dụng. Với niềm tin rằng những người biểu tình rồi sẽ nhanh chóng bị khống chế. Hunter kể lại: “Chỉ có một chiếc xe ở đó, trong phút chốc những viên cảnh sát nhận ra rằng họ không thể làm gì trước sức mạnh của cuộc nổi dậy. Thậm chí một người trong số chúng tôi còn nghe thấy qua bộ đàm của họ rằng, các cảnh sát khác cũng đang rất bận rộn nên khó lòng đến tiếp ứng ngay.”

Như những gì đã xảy ra ở Glasgow, bầu không khí đang thật sự dễ chịu khi những người biểu tình giành chiến thắng, còn những người bị bắt thì được thả tự do. Hunter kể tiếp: “Tình hình thay đổi quá nhanh chóng. Cảnh sát tạo ra hàng rào đẩy những người biểu tình lùi lại phía sau, họ tóm lấy chúng tôi rồi quật ngã xuống nhưng mọi thứ chỉ diễn ra như thế trong không quá năm phút.” 

Chủ tịch của Migration Watch UK, Alp Mehmet cho biết: “Không thể có lý do nào chính đáng để ngăn cản cảnh sát hay cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình.” Bộ Nội vụ cũng đã trả lời bằng một văn bản: “Chính phủ đang giải quyết các vấn đề về người nhập cư cùng những hệ quả mà nó mang lại, thường là dành cho những người dễ bị tổn thương nhất, bằng cách loại bỏ những người nhập cư ra khỏi lãnh thổ Vương Quốc Anh. Việc ngăn cản các lực lượng làm nhiệm vụ sẽ cản trở một quá trình mà người dân Anh nào cũng đang chờ đợi.”

“Ngôn từ trung lập dễ tạo cho bạn cảm giác khó chịu, nhưng sự thật là Bộ Nội vụ đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng khi những cuộc truy quét tỏ ra kém hiệu quả. Họ có rất ít thông tin tình báo trước khi tiến hành những cuộc càn quét, nhưng lại tuyên bố sẽ chỉ tin vào những thông tin tình báo mình có được. Nhưng nếu nhìn nhận chi tiết thì bạn sẽ thấy phần lớn các quyết định của họ mang tính cảm tính nhiều hơn.” Gardner chia sẻ thêm.

“Quyết định nhằm vào người Trung Quốc hay Ấn Độ chưa từng thay đổi, một đường dây nóng để người dân địa phương cung cấp thông tin cũng được tạo ra. Không có cách nào để đo lường mức độ chính xác của những luồng thông tin đó, cũng chẳng có một phương án nào để các cuộc càn quét trở nên hiệu quả hơn.” Việc truy quét bất thành tại một toà nhà hay trụ sở công ty, dĩ nhiên làm ảnh hưởng đến uy tín và khiến những lực lượng thực thi nhiệm vụ bị giám sát chặt chẽ hơn.

Hunter thì cho biết bản thân cũng từng lo sợ những kế hoạch của cảnh sát sẽ chặt chẽ hơn. Tuy nhiên anh sẽ không ngừng lặp lại những hành động chống đối, bởi vì “tôi không muốn sống trong một đất nước nơi người dân bị truy bắt khỏi ngôi nhà của họ.” Người biểu tình cũng phải hiểu rằng các biện pháp của Chính phủ cũng sẽ nghiêm khắc hơn. Chẳng hạn như sắp tới khi dự luật được thông qua, người tham gia biểu tình có thể bị giam giữ đến 6 tháng, người tham gia giao thông làm gián đoạn đường cao tốc có thể bị phạt một khoảng tiền không hề nhỏ.

Nick và Ishbel chia sẻ rằng: “Chúng tôi không phải anh hùng, tất cả chúng tôi chỉ đang tin rằng những hành động của mình là đúng còn quan điểm của Bộ Nội vụ là sai. Đó là điều giúp chúng tôi luôn giữ được sự tự tin của mình.”

Nguồn: Viethome (theo The Guardian).