Chuyến bay chở người xin tị nạn đến Rwanda bị hủy vào phút chót

chuyen bay truc xuat bi tri hoan
Một chiếc máy bay Boeing 767 tại bãi thử máy bay quân sự MoD Boscombe Down, gần Salisbury, được cho là chiếc máy bay đưa những người xin tị nạn từ Anh đến Rwanda

Chuyến bay đầu tiên chở những người xin tị nạn từ Anh đến Rwanda đã bị hủy vài phút trước giờ cất cánh sau các phán quyết của một tòa án vào tối 14/6.

Theo kế hoạch, có 7 người lẽ ra sẽ được đưa đến quốc gia nằm phía đông châu Phi. Nhưng chuyến bay đã bị hủy sau sự can thiệp muộn của Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR), dẫn đến những thách thức mới tại các tòa án ở Anh.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nói rằng bà "thất vọng", nhưng bổ sung: "Việc chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo bắt đầu ngay bây giờ."

Tuy nhiên, James Wilson từ nhóm vận động vì quyền của người tỵ nạn Detention Action cho biết sự can thiệp hiếm hoi từ ECtHR "cho thấy mức độ nguy hiểm tiềm tàng" của việc chuyển người xin tị nạn đến Rwanda.

Ông cho biết tòa án đã công nhận rằng không một ai nên bị ép lên máy bay cho đến khi chính sách này được xem xét kỹ lưỡng trong một phiên điều trần của Tòa án Tối cao vào tháng sau.

Việc hủy bỏ chuyến bay diễn ra sau nhiều ngày tranh cãi tại các tòa án ở Anh, kết thúc bằng việc Bộ trưởng Nội Vụ được phép bắt đầu vận chuyển một số người xin tị nạn.

Một chiếc Boeing 767, được thuê với chi phí ước tính khoảng 500,000 bảng Anh, dự kiến cất cánh lúc 22:30 tối ngày 14/6 từ một sân bay quân sự ở Wiltshire.

Nhưng mãi đến 19:30, phán quyết từ ECtHR (ở Strasbourg) đã ngăn chặn việc trục xuất một trong số 7 người xin tị nạn này, đồng thời gây ra một loạt thách thức pháp lý tại các tòa án London. Đến 22:15, tất cả các hành khách đã được đưa ra khỏi máy bay, sau đó máy bay này trở về Tây Ban Nha.

Tòa án nhân quyền Strasbourg - thuộc Hội đồng châu Âu, vẫn coi Anh là một thành viên, không như Liên minh châu Âu - cho biết một người đàn ông Iraq được gọi là KN phải đối mặt với "nguy cơ bị tổn hại không thể phục hồi" nếu anh ta vẫn ở trên chuyến bay.

Trong khi Tòa án cấp cao ở London cho rằng KN có thể được đưa lại Anh nếu nỗ lực kháng cáo của anh ta nhắm vào chính sách Rwanda thành công, ECtHR cho biết không có cơ chế thực thi pháp lý nào đảm bảo KN có thể quay trở lại từ Đông Phi.

Phân tích của Domic Casciani - Phóng viên chuyên về An ninh Quốc nội của BBC

Chỉ mất hơn một giờ để toàn bộ kế hoạch đưa những người xin tị nạn đến Rwanda vào đêm 14/6 sụp đổ như một ngôi nhà xây bằng những lá bài - nhờ một loạt các quyết định liên quan, tất cả xảy ra bởi một phán quyết từ Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Bảy hành khách còn lại có lệnh lên chiếc Boeing 767 đang khởi động tại MoD Boscombe Down (một bãi thử máy bay quân sự ở Wiltshire) trông có vẻ như họ đã không còn sự lựa chọn - nhưng tòa án Strasbourg, nơi có tiếng nói cuối cùng trong các vấn đề nhân quyền, đã phán quyết rằng một nguyên đơn đã nêu ra những lo ngại thực sự về kế hoạch, và thực tế là các thẩm phán Anh đã không xem xét đúng các điều kiện ở Rwanda.

Quyết định đó, dù chỉ dành cho một người xin tị nạn, nhưng cũng đủ khiến những người đàn ông còn lại kháng cáo - một số đệ đơn lên các thẩm phán ở London. Cuối cùng, tất cả các lệnh trục xuất đã bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, chính sách chuyển những người xin tị nạn từ Anh sang Rwanda vẫn chưa "chết". Điều chúng ta không biết lúc này là cuối cùng các thẩm phán sẽ ra phán quyết như thế nào khi họ xem xét toàn bộ chính sách Rwanda vào tháng tới.

Trận chiến này - giữa các Bộ trưởng, và các luật sư mà họ coi là kẻ thù, và bây giờ là Tòa án châu Âu - chỉ mới bắt đầu.

Tòa án Strasbourg cũng cho biết Liên Hiệp Quốc đã đưa ra quan ngại rằng những người xin tị nạn ở Anh được chuyển đến Rwanda sẽ không được tiếp cận với các thủ tục "công bằng và hiệu quả" để xác định tình trạng tị nạn của họ.

Và Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng Tòa án Tối cao đã thừa nhận có những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc liệu Rwanda có được đánh giá chính xác là một quốc gia thứ ba an toàn hay không.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết "những rào cản pháp lý lặp đi lặp lại" này tương tự như những rào cản mà chính phủ Anh phải đối mặt trong các vụ trục xuất khác, đồng thời nói thêm rằng "nhiều người trong số những người được đưa khỏi chuyến bay này sẽ được sắp xếp vào chuyến bay tiếp theo".

Bộ trưởng Priti Patel cho biết bà cương quyết duy trì chính sách "không dễ thực hiện" này, nhưng nói thêm rằng điều "rất bất ngờ" là Tòa án châu Âu đã can thiệp sau khi chính phủ Anh được các tòa án trong nước cho phép tiến hành các chuyến bay.

"Đội ngũ pháp lý của chúng tôi đang xem xét mọi quyết định được đưa ra về chuyến bay này và việc chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo bắt đầu ngay bây giờ," bà Patel nói.

Chính phủ Rwanda cho biết họ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận với Anh và "không bị nhụt chí" khi chuyến bay đầu tiên khởi hành không thành công.

Người phát ngôn Yolande Makolo cho biết: "Rwanda sẵn sàng tiếp nhận những người di cư và mang đến cho họ sự an toàn và cơ hội ở đất nước của chúng tôi."

Trước đó, hôm 14/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với nội các của mình rằng những người đánh giá thấp chính sách Rwanda đang "tiếp tay cho hoạt động của các băng nhóm tội phạm" và nói rằng chính phủ sẽ không nản lòng.

Khi các phóng viên hỏi liệu nước Anh có rút khỏi Công ước Châu Âu về Nhân quyền, vốn được tòa án Strasbourg ủng hộ hay không, ông Johnson nói rằng "rất có thể" cần phải thay đổi luật.

Nhưng các nhóm ủng hộ những người xin tị nạn đã thúc giục chính phủ thay đổi quyết định và đưa ra một con đường công bằng cho những người chạy trốn cuộc đàn áp đi tìm nơi tị nạn ở Anh.

Giám đốc Hội đồng Tị nạn Enver Solomon nói việc chuyến bay không thể cất cánh là "dấu hiệu cho thấy kế hoạch vô nhân đạo" và cho rằng chính phủ phải suy nghĩ lại kế hoạch của mình bằng cách có "cuộc trò chuyện lớn hơn với Pháp" về việc người di cư vượt Eo biển Manche.

Ông Wilson từ nhóm vận động Detention Action cho biết Tòa án Nhân quyền châu Âu, được thành lập sau nạn diệt chủng Holocaust, đã "làm những gì họ được thành lập để làm", gọi đây là "một đêm của sử sách".

Theo BBC News Tiếng Việt