Bộ Nội vụ tịch thu điện thoại của người tị nạn để thu thập dữ liệu

Ba người xin tị nạn đã nộp đơn tố cáo lên tòa án tối cao hôm thứ Ba 25/1/2022. Theo đó, bộ trưởng bộ Nội vụ bị cáo buộc thực hiện chính sách bí mật nhằm thu giữ điện thoại di động của người tị nạn vượt biển tới Anh để thu thập dữ liệu.

Chính sách bí mật này được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2020. Bộ Nội vụ bị cáo buộc đã tịch thu hàng nghìn chiếc điện thoại di động.

Theo đánh giá tư pháp của luật sư Tom de La Mare - đại diện cho HM - một trong ba người xin tị nạn: Sau khi các quan chức Bộ Nội vụ thu giữ điện thoại, những người tị nạn đã "bị ngược đãi" và buộc phải cung cấp số pin. Các quan chức nhờ đó có thể truy cập thông tin cá nhân bao gồm email, ảnh, video và tải chúng xuống cơ sở dữ liệu tình báo có tên là dự án Sunshine.

31hoMột sĩ quan Lực lượng Biên phòng kiểm tra một chiếc xuồng hơi được sử dụng để vượt biển tại cảng Dover

Ông Tom cho biết những người bị tịch thu điện thoại đã nhận được một biên lai chứa số điện thoại của Bộ Nội vụ để liên lạc và tìm cách lấy lại điện thoại của họ. Nhiều người đã phải đợi vài tháng trước khi được trả lại điện thoại.

“Họ chỉ nhận được một số điện thoại, và không được phản đối, không bao giờ nhận được câu trả lời,” ông Tom nói. Tòa án cho biết HM mất liên lạc với vợ và con do không có điện thoại. “Anh ấy không biết họ còn sống hay đã chết”, luật sư đại diện nói. Nguyên đơn cũng cho biết đã không thể gọi cho người thân để thông báo anh ấy đã đến Vương quốc Anh an toàn.

HM cáo buộc Bộ Nội vụ "vi phạm luật pháp nghiêm trọng" trong việc điều hành chính sách "hoàn toàn bí mật". Bên nguyên đơn nói rằng số lượng điện thoại bị tịch thu vào năm 2020, trước khi các luật sư bắt đầu điều tra những gì đang xảy ra có thể lên tới hàng nghìn chiếc.

Họ cũng cáo buộc Bộ Nội vụ phủ nhận sự tồn tại của chính sách này trước khi thực sự thú nhận. Đó là "bằng chứng về sự hỗn loạn hiện nay", luật sư nói.

Ba người xin tị nạn tiến hành chiến dịch pháp lý đều khai rằng họ bị tịch thu điện thoại trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2020. Một người đã được xác nhận có khả năng là nạn nhân buôn người.

Họ tuyên bố bị tịch thu điện thoại gần như ngay lập tức khi đến Anh, trước khi có thể ghi lại các thông tin liên lạc lưu trong điện thoại.

Ba người xin tị nạn cáo buộc chính sách thu giữ điện thoại, lấy mã số pin và trích xuất dữ liệu của Bộ Nội vụ là bất hợp pháp, vì chính phủ không có quyền lực pháp lý để làm điều này với những người xin tị nạn mới đến - "những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội" .

Các nguyên đơn cho rằng các chính sách này là bất hợp pháp vì chúng hoạt động theo kiểu “không có ngoại lệ”, không được công bố và vi phạm luật bảo vệ dữ liệu và nhân quyền.

Privacy International - tổ chức chuyên về dữ liệu và các vấn đề về quyền riêng tư, đã được cấp phép để can thiệp vào vụ việc.

Viethome (theo Guardian)