Người xin tị nạn và cựu tù nhân có thể giải quyết thiếu hụt lao động

Bộ trưởng Tư pháp cho biết người xin tị nạn và tội phạm đang lao động công ích nên được phép làm việc có lương để giúp giảm thiểu tình trạng thiếu lao động của Vương quốc Anh.

Ông Raab - con trai của một người tị nạn Séc, cho biết ông sẽ “cởi mở” về việc để người xin tị nạn làm việc trong khi hồ sơ xin tị nạn của họ đang được xử lý.

Các số liệu gần đây cho thấy hơn 33,000 người đã chờ hơn hơn một năm sau khi nộp đơn xin tị nạn. Luật hiện hành cấm họ làm việc được trả lương trong khi chờ quyết định cuối cùng. Ông Raab cho biết "thách thức lớn với vấn đề di cư" ở Anh là "chúng ta không hòa nhập mọi người đủ tốt".

Khi được hỏi về việc để người xin tị nạn làm việc, Phó Thủ tướng nói: “Tôi sẽ cởi mở về điều đó. Nếu họ học tiếng Anh và có thể làm việc, họ sẽ hòa nhập tốt hơn nhiều và có đóng góp tích cực”.

Tuy nhiên, ông khẳng định đề xuất của đảng Lao động về 100,000 thị thực nhập cư sẽ “làm giảm mức lương của những người thuộc tầng lớp lao động đầy khát vọng ở Anh”.

Để giải quyết tình trạng thiếu lao động, ông Raab cho biết Anh cần xem xét "chất lượng cuộc sống" và "mức lương" của người dân. Ông Raab nói: "Nếu không, bạn chỉ đang tăng gấp đôi nguồn lao động giá rẻ từ nước ngoài”.

cho nguoi xin ti nan lam viec
Ông Dominic Raab đề xuất cho người xin tị nạn và cựu tù nhân làm việc

Ông Dominic Raab cũng đề xuất các công ty thuê cựu tù nhân để giúp giải quyết tình trạng thiếu tài xế HGV và giảm nguy cơ tái phạm. Các ngành công nghiệp khác cũng đang bị thiếu nhân sự, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Raab bác bỏ lời kêu gọi của đảng Lao động rằng Anh nên cấp 100,000 thị thực nhập cư, với lo ngại đất nước sẽ phải phụ thuộc lâu dài vào lao động từ nước ngoài.

Cựu ngoại trưởng nói với Spectator: “Chúng ta đã yêu cầu các tù nhân và người phạm tội lao động công ích mà không được trả công. Tại sao không khuyến khích họ làm việc được trả lương khi chúng ta đang thiếu lao động và điều này có lợi cho nền kinh tế lẫn cho xã hội? Chỉ có một điều hơi lấn cấn, nhưng dù sao khả năng họ tái phạm tội sẽ thấp hơn nhiều”.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, lần đầu tiên trong ba tháng tính đến tháng 8/2021, Anh có một triệu vị trí đang tuyển dụng.

Sự thiếu hụt lớn nhất được ghi nhận tại các khách sạn, quán rượu và nhà hàng - những cơ sở kinh doanh trước đây chủ yếu dựa vào người châu Âu trẻ tuổi. Nguồn lao động này hiện đã trở về nước do Brexit hoặc đại dịch Covid-19.

Luật nhập cư khắt khe hơn, lương thấp và sự gián đoạn do đại dịch cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên chăm sóc người cao tuổi.

Thiếu hụt lao động, lương khởi điểm tại London tăng kỷ lục

Mức lương khởi điểm ở London đang tăng với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận - một trong những tín hiệu cho thấy nền kinh tế thủ đô đang sôi động trở lại.

Nhu cầu lớn từ các nhà tuyển dụng, kết hợp với sự thiếu hụt lao động lành nghề đã khiến tiền lương trong tháng Một tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử 24 năm khảo sát của REC.

Các doanh nghiệp đã mạnh tay tuyển dụng kể từ khi đợt phong tỏa cuối cùng kết thúc vào mùa xuân năm ngoái và hầu hết các hạn chế đã được dỡ bỏ vào mùa hè.

Các biện pháp kế hoạch B, bao gồm cả hướng dẫn làm việc tại nhà vào tháng 12 và tháng 1, ngày càng giống như tín hiệu hồi phục của London hơn là một bước lùi lớn.

Tuy nhiên, có vẫn lo ngại rằng sự thiếu hụt lao động có tay nghề được thúc đẩy bởi Brexit và làn sóng "Từ chức lớn" có thể kìm hãm sự phục hồi của London.

Cuộc khảo sát cho thấy 59% nhà tuyển dụng ở thủ đô tăng lương khởi điểm trong tháng Một trong khi 41% không thay đổi. Đây là mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1997.

Theo khảo sát, các vị trí đặc biệt khó đảm nhận bao gồm luật sư, đầu bếp, kế toán, nhân viên bảo vệ, kỹ sư phần mềm, y tá, nhân viên xã hội và trợ lý cửa hàng đều được tăng lương.

Số liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy trên toàn Vương quốc Anh có 1,247,000 vị trí đang tuyển người trong quý 4, tăng 462,000 so với mức trước đại dịch, nhưng thủ đô vẫn là khu vực thiếu nhân lực nhất.

Anna Purchas - đối tác cấp cao của văn phòng London tại công ty tư vấn KPMG Anh, công bố cuộc khảo sát với cơ quan tuyển dụng REC, cho biết: “Khi thủ đô phục hồi, tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng đã khiến mức lương khởi điểm tăng lên mức chưa từng có. Điều này, kết hợp với những thách thức về chi phí khác, đang gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp tại thủ đô và có nguy cơ cản trở khả năng phát triển của họ".

"Ở London đang có sự cạnh tranh rất lớn về nhân lực. Ngoài việc giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng của sinh viên - đảm bảo họ có những kỹ năng các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm - vẫn còn một nhiệm vụ to lớn là đào tạo lại người lao động đang thất nghiệp và những người muốn đổi nghề hoặc cần thích nghi với tự động hóa và các kỹ năng mới để đáp ứng các cam kết về môi trường".

Neil Carberry, giám đốc điều hành của REC, cho biết: “Thị trường việc làm vẫn đang phát triển mạnh mẽ vào đầu năm 2022. Các nhà tuyển dụng cố gắng tìm người vì nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng. Khi cuộc cạnh tranh về nhân sự vẫn còn nóng, các công ty đang phải tăng mức lương khởi điểm để thu hút những người giỏi nhất. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đồng nghĩa với việc cũng có nhiều áp lực hơn từ những người tìm việc. Nhưng lương không phải là yếu tố quan trọng duy nhất - các công ty phải suy nghĩ về tất cả các khía cạnh để đảm bảo họ có được ứng viên mình cần. Điều này sẽ rất quan trọng vì chi tiêu của các công ty cũng đang chịu áp lực từ lạm phát”.

“Vai trò của chính phủ là quản lý lạm phát, và đảm bảo vẫn khuyến khích đầu tư - điều sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong năm nay. Bây giờ là thời điểm sai lầm để tăng thuế National Insurance - khoản thuế kinh doanh lớn nhất. Tuy nhiên, các chính trị gia cũng nên suy nghĩ về việc lập kế hoạch lực lượng lao động dài hạn, đảm bảo chúng ta có đủ nhân lực đất nước cần cho tương lai. Điều này sẽ cần nỗ lực hợp tác giữa nhà nước và tư nhân cũng như ngành công nghiệp tuyển dụng”.

Viethome (Theo Metro)