Chiến thuật 'đuổi tàu chở di dân lậu' của Anh khiến Pháp tức giận

di dan toi anh bi duoi ve phap 1
Một nhóm người được cho là di dân đã được lực lượng biên phòng đưa tới Dover hồi cuối tuần rồi

Các tàu thuyền chở di dân vượt qua eo biển English Channel có thể sẽ bị đuổi ra khỏi vùng lãnh hải của Anh, không cho cập bờ, dựa trên chuẩn thuận từ chính Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel đối với từng trường hợp.

Chính phủ Anh đã cho phép cho các nhân viên biên phòng sử dụng chiến thuật mới, nhưng chỉ trong những trường hợp hạn chế. Tuy nhiên, Pháp mạnh mẽ phản đối, nói rằng kế hoạch này là vi phạm luật biển, và cáo buộc Anh Quốc chơi trò tống tiền.

Nhưng phát ngôn viên của ông Boris Johnson nói rằng bất kỳ kế hoạch nào cũng sẽ đảm bảo an toàn và hợp pháp, và sẽ tuân thủ theo đúng quy định pháp luật.

di dan toi anh bi duoi ve phap 1
Các tàu nhỏ được di dân dùng để vượt biển vào Anh được để tại một nhà kho ở Dover.

Ngày càng có nhiều di dân vượt qua eo biển English Channel trong những tháng gần đây. Riêng tuần này đã có hơn 1500 người vào Anh bằng đường tàu thuyền.

English Channel là một trong những nơi có tuyến đường biển bận rộn và nguy hiểm nhất thế giới. Nhiều di dân đến từ một số những quốc gia nghèo nhất, hỗn loạn nhất thế giới, và nhiều người đã xin tị nạn khi bị giới chức Anh bắt.

Các nguồn tin chính phủ xác nhận với BBC rằng một nhóm lực lượng biên phòng đã được huấn luyện trong vài tháng qua để bắt đầu triển khai chiến dịch này.

Được biết việc tập huấn cuối cùng có thể diễn ra trong vài ngày tới, nếu như thời tiết cho phép, và điều đó có nghĩa là chiến thuật sẽ sẵn sàng triển khai bất kỳ khi nào khả thi và an toàn.

Tuy nhiên, Pháp nói việc này vi phạm luật hàng hải quốc tế, theo đó quy định rằng những người có nguy cơ thiệt mạng ngoài biển cần phải được cứu giúp.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin, người đã gặp bà Patel theo hôm thứ Tư để thảo luận về cuộc khủng hoảng di dân, cáo buộc Anh Quốc là tống tiền.

Ông đề cập tới một thỏa thuận mà Anh và Pháp đã ký liên quan đến chuyện tiền bạc hồi đầu năm nay. Theo thỏa thuận này, Anh hứa hẹn sẽ trả cho Pháp 54,2 triệu bảng để Pháp có thêm các hành động như tăng gấp đôi số lượng tuần tra duyên hải. Sau đó, bà Patel cảnh báo rằng Anh có thể sẽ giữ lại khoản tiền, trừ phi có thêm nhiều tàu thuyền bị phía Pháp chặn lại.

"Anh Quốc cần phải giữ cam kết," ông Darmanin nói. "Tôi đã nói một cách rõ ràng với người đồng nhiệm của tôi, bà Priti Patel. Tình hữu nghị giữa hai quốc gia chúng ta xứng đáng được đối đãi tốt hơn là đưa ra áp dụng những thứ làm xói mòn mối quan hệ hợp tác giữa các bộ của hai nước."

Các luật sư của chính phủ Anh nói việc đuổi tàu thuyền ra khơi sẽ là hợp pháp trong những trường hợp hạn chế và cụ thể. Tuy nhiên, họ không xác nhận những trường hợp đó là gì.

Vì bởi có những rủi ro rất cao về mặt pháp lý và an toàn, nên các lãnh đạo lực lượng biên phòng được hiểu là đã yêu cầu bà Patel phải tự mình ủng hộ các quyết định cho phép áp dụng chiến thuật này, và điều đó có nghĩa là bà sẽ phải luôn sẵn sàng nhận cuộc gọi điện từ một tàu biên phòng nào đó, nếu như và vào lúc họ tin rằng chiến thuật này có thể được sử dụng một cách an toàn.

Chiến thuật đuổi tàu chưa từng được dùng tại English Channel nhưng đã được triển khai tại Địa Trung Hải, Nghiệp đoàn Ngành Nhập cư (ISU) đại diện cho các nhân viên làm việc trong lĩnh vực biên phòng, nhập cư và hải quan nói.

Lucy Moreton từ ISU nói rằng bà sẽ rất ngạc nhiên nếu như rốt cuộc chiến thuật này được sử dụng.

"Điều có thể hiểu được, đó là có rất nhiều những hạn chế quanh việc này, và quý vị không thể làm điều đó với một con tàu vốn đã rất dễ bị tổn thương."

"Nhưng điều quan trọng hơn, là quý vị cũng cần có sự chuẩn thuận từ phía Pháp để làm như vậy. Bởi vì khi quý vị đuổi tàu trở lại Pháp, khi con tàu đã vượt qua ra làn ranh giới phân chia giữa hai nước, thì nó sẽ bị phía Pháp chặn và cứu, mà có vẻ như là người Pháp đơn giản là sẽ không làm chuyện đó."

Điều gì xảy ra với di dân tại English Channel?

di dan toi anh bi duoi ve phap 1
Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên vùng biển giữa Anh và Pháp: đường đứt đoạn là ranh giới hoạt động trên biển của lực lượng tuần duyên hai nước; vùng bên trong vạch đỏ là vùng lãnh hải của từng quốc gia.

  • Nếu di dân được tìm thấy ở vùng lãnh hải thuộc Anh, nhiều khả năng họ sẽ được đưa vào một cảng biển của Anh
  • Nếu họ ở vùng biển quốc tế, Anh sẽ phối hợp với giới chức Pháp để quyết định đưa họ tới đâu
  • Mỗi nước đều có những vùng tìm kiếm và cứu hộ riêng
  • EU có một luật, gọi là Dublin III, cho phép người xin tị nạn được chuyển trả trở lại quốc gia thành viên đầu tiên của khối, nơi được chứng minh là điểm đầu tiên họ vào EU. Nhưng Anh không còn là thành viên trong thỏa thuận này nữa và chưa đồng ý ký gì khác để thay thế cho luật này.

Bà Patel gặp ông Darmanin hôm thứ Tư để thảo luận về cuộc khủng hoảng di dân, nhưng cả hai bên đã không đạt được thỏa thuận nào về bất kỳ biện pháp mới nào.

Hơn 12.600 di dân đã có hành trình vượt qua English Channel tính từ đầu năm tới nay.

Các tổ chức thiện nguyện thúc giục Bộ Nội vụ Anh hãy có "cách tiếp cận nhân văn và có trách nhiệm hơn" đối với những người muốn xin tị nạn.

Tổ chức Amnesty International UK nói mọi người có quyền xin tị nạn tại nước Anh, và họ "chỉ thực hiện những hành trình nguy hiểm và dựa vào những kẻ buôn người bởi họ không còn lựa chọn nào khác an toàn hơn".

Bộ Nội vụ Anh nói sẽ tiếp tục đánh giá và thử nghiệm một loạt các biện pháp hợp pháp và an toàn để tìm ra những cách thức chặn tàu nhỏ tìm cách vào Anh.

Phát ngôn viên của Thủ tướng nói tương tự, rằng các hoạt động của Anh "tuân thủ luật quốc tế và luật trong nước".

Chính phủ nói thêm rằng sẽ cần phải dùng mọi chiến thuật khả dĩ để xử lý tình trạng buôn lậu người.

Bà Patel nói rằng những nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện việc buôn người vào Anh để thu lợi, và rằng dự luật mới về quốc tịch và biên phòng là nhằm phá vỡ mô hình làm ăn của chúng.

Bà chủ trì ngày họp cuối cùng của các bộ trưởng nội vụ khối G7 vào thứ Năm, và chủ đề di dân bất hợp pháp nằm trong trọng tâm bàn thảo.

Theo BBC Tiếng Việt