Anh: Các nghị sĩ bước đầu ủng hộ dự luật nhập cư gây tranh cãi

Dự luật nhập cư gây tranh cãi bước đầu được quốc hội “bật đèn xanh”.

21immigrationbill

Bà Patel khẳng định chính phủ đang hành động theo ý muốn của người dân Anh

Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho biết Dự luật Quốc tịch và Biên giới sẽ giải quyết "hệ thống tị nạn bị phá vỡ" và "phá vỡ mô hình kinh doanh" của các băng nhóm buôn người tạo điều kiện cho người vượt biên trái phép vào Anh.

Dự luật, được thông qua trong lần tuyên bố thứ hai tại Hạ viện vào tối thứ Ba 20/7 với 366 phiếu thuận so với 265 phiếu chống, sẽ trao cho các sĩ quan Lực lượng Biên phòng quyền hạn đưa thuyền di cư đang cố gắng đi qua eo biển Manche trở về nơi xuất phát và sử dụng "vũ lực hợp lý, nếu cần thiết".

Bình luận về cuộc bỏ phiếu lần này, lãnh đạo Lao động Sir Keir Starmer nói: "Đảng Bảo thủ vừa bỏ phiếu để khiến việc tạo nơi trú ẩn an toàn cho trẻ em đang chạy trốn bạo lực và chiến tranh trở nên khó khăn hơn. Họ nên cảm thấy xấu hổ".

Mức án tù đối với người nhập cảnh trái phép sẽ tăng từ sáu tháng lên bốn năm và người bị kết án buôn lậu sẽ chịu án tối đa là tù chung thân.

Lần đầu tiên, cách một cá nhân đến Vương quốc Anh - hợp pháp hay bất hợp pháp - sẽ ảnh hưởng đến quá trình xem xét đơn xin tị nạn.

Chính phủ hy vọng việc sửa đổi các quy tắc tị nạn hậu Brexit sẽ ngăn cản những người di cư cố gắng vượt qua eo biển Manche.

Vào tối thứ Ba 20/7, Bộ Nội vụ thông báo Anh sẽ cung cấp cho Pháp thêm 54 triệu bảng để ngăn chặn người di cư vượt biển. Đây là kết quả thỏa thuận giữa bà Patel và Bộ trưởng bộ Nội vụ Pháp Gérald Darmanin.

Bộ cho biết, số lượng cảnh sát Pháp tuần tra các bãi biển phía bắc sẽ tăng gấp đôi, nhiều công nghệ hơn sẽ được sử dụng để ngăn chặn những kẻ buôn lậu, và những thay đổi sẽ có hiệu lực trong những ngày tới.

Trước đó, hệ thống phân tích dữ liệu của hãng thông tấn PA tiết lộ rằng ít nhất 8,452 người đã vượt qua eo biển Manche bằng thuyền nhỏ trong năm nay, vượt qua tổng số của cả năm 2020.

Chỉ tính trong thứ Hai, đã có hơn 430 người di cư đã vượt biển để đến Vương quốc Anh, vượt qua mức cao nhất trong 1 ngày trước đó là 416 được ghi nhận vào tháng 9 năm ngoái.

Dự luật Quốc tịch và Biên giới dài 87 trang cũng bao gồm các quyền hạn cho phép xử lý đơn xin tị nạn bên ngoài Vương quốc Anh, có khả năng ở các trung tâm nước ngoài. Theo cựu thủ tướng Theresa May, bà có "những lo ngại thực tế” về cách giải quyết này.

Đảng Lao động cho biết luật này có thể vi phạm luật quốc tế.

Ngoài ra, một liên minh gồm hơn 250 tổ chức từ thiện tị nạn và các nhóm vận động đã chỉ trích dự luật và thúc giục chính phủ xem xét lại cách tiếp cận trong xây dựng luật.

21immigrationbill1

Các tổ chức từ thiện cáo buộc đây là dự luật chống người tị nạn

Enver Solomon - Giám đốc điều hành của Hội đồng Người tị nạn, cho biết dự luật mới có thể ngăn chặn tới 9,000 người đang chạy trốn khỏi chiến tranh và bị ngược đãi khỏi tương lai được đảm bảo an toàn ở Anh, mặc dù họ đủ điều kiện theo các quy định trước đó.

Ông Enver chỉ trích đây là "dự luật chống người tị nạn" và cáo buộc Bộ Nội vụ "chọn cách quay lưng với những người cần sự an toàn và coi họ như tội phạm".

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ khẳng định những thay đổi sẽ "ưu tiên người cần được bảo vệ nhất trong khi ngăn chặn việc lạm dụng hệ thống".

Hơn 36.000 người đã xin tị nạn ở Anh vào năm 2020. Cho đến cuối năm, vẫn còn 109,000 vụ việc đang xử lý.

Ông Nick Thomas-Symonds - Bộ trưởng Nội vụ chờ cầm quyền của đảng Lao động, cho biết trách nhiệm về "hệ thống tị nạn" nằm trên vai Đảng Bảo thủ.

Ông Nick nói: "Tuy nhiên, bất chấp những thất bại này, các biện pháp được đề xuất trong dự luật này không giải quyết được tình trạng hỗn loạn mà chúng đã tạo ra. Họ không đối phó với thực tế là thời gian cần thiết để xử lý các yêu cầu xin tị nạn đã tăng vọt hoặc những người tuyệt vọng vẫn trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm. Thay vào đó, họ sẽ giảm hỗ trợ cho nạn nhân buôn người, có khả năng vi phạm luật pháp quốc tế và vẫn chưa có đề xuất hiệu quả, có ý nghĩa để đối phó với tình trạng ngày càng có nhiều người liều mạng vượt biển".

Tuy nhiên, bà Patel khẳng định chính phủ đang lắng nghe và hành động theo những gì người dân Anh mong muốn.

Bà Patel nói: "Người dân Anh sẽ không chịu tình trạng biên giới rộng mở và di cư không kiểm soát nữa. Chúng ta sẽ không để hệ thống tị nạn thất bại khiến người dân phải trả thuế hơn một tỷ bảng Anh mỗi năm, cùng những chiếc xuồng ba lá đến bất hợp pháp trên bờ biển của chúng ta, do các băng nhóm tội phạm có tổ chức chỉ đạo, số người chết đuối trên những chuyến đi nguy hiểm, bất hợp pháp và không cần thiết này".

"Chúng ta đã có đủ số người bị buôn bán và bán làm nô lệ thời hiện đại, đủ số người di cư để đi làm núp bóng tị nạn, đủ số người lớn giả làm trẻ em để xin tị nạn. Chúng ta sẽ không để thêm những người cố gắng nhập cảnh bất hợp pháp đi trước những người làm đúng luật, cũng như tội phạm nước ngoài - bao gồm cả những kẻ giết người và hiếp dâm - những kẻ lạm dụng luật pháp và sau đó lạm dụng hệ thống để chúng tôi không thể loại bỏ chúng".

"Người dân Anh đã chịu đựng đủ khi phải nghe rằng không có vấn đề nào trong số này là quan trọng, hay thậm chí nghĩ về việc giải quyết các mối quan tâm của công chúng và tìm cách sửa chữa hệ thống thất bại là phân biệt chủng tộc. Người dân Anh đã nhiều lần bỏ phiếu để giành lại quyền kiểm soát biên giới của chúng ta. Cuối cùng họ cũng có một chính phủ đang lắng nghe họ".

Viethome (Theo Sky News)