Bộ Nội vụ bị cáo buộc “hành động bất hợp pháp” khi trục xuất người xin tị nạn

Hàng trăm người đến England bằng thuyền nhỏ bị giam giữ ngay lập tức tại các trung tâm trục xuất người nhập cư, làm dấy lên lo ngại về một chính sách bí mật mới của Bộ Nội vụ nhằm trục xuất người xin tị nạn mà không xem xét đơn xin của họ.

Trong số những người bị bắt, có cả nạn nhân buôn người và bị tra tấn đến từ các quốc gia bao gồm Việt Nam, Afghanistan và Iraq. Những người này thường sẽ được phép tị nạn trong cộng đồng trong khi yêu cầu của họ được xử lý nhưng thay vào đó lại bị giam giữ.

Trẻ em cũng nằm trong số những người đã vượt qua eo biển Manche và bị đưa thẳng đến các trung tâm loại bỏ người nhập cư. Các luật sư tuyên bố Bộ Nội vụ đã phân loại trẻ vị thành niên là người lớn và không trực tiếp đánh giá độ tuổi của các em.

Một số người xin tị nạn đã không được gặp luật sư kể từ đầu tháng 5 sau khi tới Anh và bị giam giữ ngay lập tức trong một trung tâm trục xuất.

Các nhà vận động cho biết động thái này “không phải là hành động của một quốc gia văn minh và nhân ái”.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Priti Patel đã bị chỉ trích khi công bố dự luật về biên giới và quốc tịch vào thứ Ba 13/7.

Liên Hợp Quốc đã cáo buộc Anh có "cách tiếp cận gần giống kiểu thực dân mới" khi tự cho phép mình trốn tránh trách nhiệm quốc tế đối với người tị nạn.

Các luật sư nhập cư cho biết thay đổi chính sách không được tiết lộ rõ ​​ràng, dường như đã kéo dài ra trong hai tháng qua, là bất hợp pháp và họ đang chuẩn bị để phản đối hành động này.

Ông Toufique Hossain - giám đốc luật công và nhập cư tại Duncan Lewis, mô tả đây là "sự lạm dụng quyền lực nghiêm trọng".

19asylum

Nhóm người được đưa đến Dover, Kent, trên thuyền cứu sinh sau một sự cố thuyền nhỏ ở eo biển Manche

Ông Hossain nói thêm: “Họ đã bắt đầu bỏ qua hệ thống tị nạn và nói với những cá nhân có lý do tị nạn thuyết phục rằng yêu cầu của họ là không đủ thuyết phục và họ không được kháng nghị. Bộ cũng tỏ ý nhanh chóng trục xuất những người này".

"Điểm khởi đầu là bộ không tin tưởng những người nơi mà họ biết rằng nỗi sợ hãi bị tổn hại và ngược đãi của các cá nhân này là có cơ sở”.

Sự thay đổi dường như đã ảnh hưởng đến hàng trăm người, với việc Duncan Lewis nhận được báo cáo rằng mạng lưới trung tâm trục xuất người nhập cư của Vương quốc Anh đang bị quá tải.

Trong đó, trung tâm loại bỏ Harmondsworth gần sân bay Heathrow - với sức chứa 670 người - được hiểu là "quá tải".

Bộ Nội vụ cũng đang lấp đầy Brook House tại sân bay Gatwick và Colnbrook, gần Heathrow - có tổng công suất 850 người, khi liên tục chuyển người xin tị nạn đến Anh bằng thuyền nhỏ tới đây.

Tom Nunn của Duncan Lewis cho biết: “Các trung tâm giam giữ đang chật kín những người mới đến nhưng không được đưa vào cộng đồng”.

Theo ông Tom, Ducan Lewis ghi nhận hơn 50 trường hợp là công dân Việt Nam - một trong điểm nóng về buôn người tới Vương quốc Anh.

Cũng có suy đoán Bộ Nội vụ thuê một chuyến bay thương mại để trục xuất người về Việt Nam vào cuối tháng Bảy, mặc dù chính phủ không xác nhận điều này.

Ông Nunn cho biết công ty đã ghi nhận trường hợp người Iraq và Afghanistan có dấu hiệu bị tra tấn, nhưng rõ ràng Bộ Nội vụ đã tiến hành giam giữ trái với quy trình xin tị nạn.

Ông Nunn nói: “Đã có một vài trường hợp được các bác sĩ ở trung tâm nhập cư tư vấn rằng họ là nạn nhân bị tra tấn. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rất nhiều trường hợp Bộ Nội vụ tỏ ý rằng: ‘Bạn là nạn nhân bị tra tấn nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể loại bỏ bạn nhanh chóng và do đó chúng tôi sẽ giam giữ bạn’”.

Clare Moseley của tổ chức từ thiện Care4Calais cho biết: “Giam giữ và trục xuất người dễ bị tổn thương theo cách này không phải là hành động của một quốc gia văn minh và nhân ái. Nếu chúng ta không đảm bảo rằng những người cần được giúp đỡ được đối xử một cách công bằng và tử tế, Anh quốc có nguy cơ đánh mất danh tiếng là một xã hội tử tế và trung thực”.

19asylum1

Colnbrook, một trong hai trung tâm đưa người nhập cư tại sân bay Heathrow

Thông thường những người xin tị nạn được bố trí nơi ở đặc biệt trong khi yêu cầu của họ được xử lý - quá trình thường có thể kéo dài hơn một năm.

Hiện số lượng hồ sơ tồn đọng đang ở mức kỷ lục 109,000 với hơn 79,000 trường hợp có thời gian xử lý hơn một năm.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Nội vụ âm thầm đưa ra các biện pháp làm giảm quyền và sự bảo vệ cho người xin tị nạn.

Năm ngoái, bộ đã bí mật rút ngắn phỏng vấn sàng lọc xin tị nạn, khiến nạn nhân bị tra tấn và buôn người có thể bị trục xuất nhanh hơn nhiều.

Vào tuần trước, tòa án cấp cao đã phán quyết rằng bà Patel nên nhanh chóng đưa một người xin tị nạn người Sudan, hiện đã được chuyển đến Pháp, về Vương quốc Anh.

Liberty Investigates và Observer đã điều tra trường hợp của người đàn ông 38 tuổi này. Được đặt biệt danh là Omar trong cuộc điều tra, người tị nạn này có 9 trong số 11 dấu hiệu buôn người và tra tấn nhưng đã bị trục xuất về Pháp vào tháng 8 năm ngoái, chỉ sau hai tháng ở Anh.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: “Chúng tôi đánh giá mức độ phù hợp của tất cả những người mới đến và chỉ giam giữ người khi có triển vọng thực tế rằng họ sẽ bị trục xuất trong một khoảng thời gian hợp lý và cân nhắc về việc nhập cư có trọng lượng hơn bằng chứng về hoàn cảnh dễ bị tổn thương của họ”.

“Nói rằng trẻ vị thành niên không có người đi kèm được xếp vào nhóm người lớn trong các cuộc phỏng vấn đánh giá độ tuổi là không chính xác. Bộ Nội vụ cố gắng hết sức để đảm bảo tuổi của mọi người được đánh giá một cách chính xác, vì lợi ích của quá trình bảo vệ và tránh lạm dụng hệ thống".

Bộ Nội vụ nói thêm rằng chính phủ sẽ "đàn áp nhập cảnh bất hợp pháp và tội phạm có liên quan".

Viethome (Theo Guardian)