Anh: Thuyền di cư có thể bị ép quay lại bờ trong quá trình đại tu hệ thống tị nạn

Lực lượng biên phòng có thể ép thuyền di cư trên biển quay về nơi xuất phát khi bộ trưởng bộ Nội vụ cải tổ hệ thống tị nạn của Anh.

Chính phủ đã giới thiệu Dự luật Quốc tịch và Biên giới cho Quốc hội vào thứ Ba sau khi tuyên bố sẽ đưa ra luật nhập cư mới “chắc chắn nhưng công bằng” hậu Brexit.

Các nhà hoạt động và nhà phê bình nhận định đây là “dự luật chống người tị nạn” và quy định mới không được tạo ra vì lợi ích tốt nhất của người xin tị nạn.

Vương quốc Anh sẽ cần sự đồng ý của các quốc gia khác, chẳng hạn như Pháp, để có thể đẩy tàu thuyền trở lại vùng biển nước ngoài.

Dự luật cũng sẽ coi việc người cố ý vào Vương quốc Anh mà không được phép là tội hình sự.

Cách nhập cảnh vào Vương quốc Anh - hợp pháp hay “bất hợp pháp” - sẽ có tác động đến tiến trình xin tị nạn và tình trạng công dân ở Anh nếu yêu cầu được thông qua.

7refugee

Lực lượng biên phòng có thể được phép sử dụng vũ lực

Nói chung, người vượt biển bất hợp pháp khi chạy trốn nguy hiểm hoặc bị ngược đãi có thể xin tị nạn ở một quốc gia an toàn - thường được cho là quốc gia an toàn đầu tiên họ đặt chân đến.

Những người nhập cảnh bất hợp pháp có thể sớm phải đối mặt với bốn năm tù, thay vì mức án tối đa sáu tháng như hiện tại.

Theo luật mới, Vương quốc Anh cũng sẽ được phép gửi những người xin tị nạn đến một "quốc gia thứ ba an toàn" hoặc "những nơi được chỉ định".

Điều này có thể tạo điều kiện trở lại cho các tuyên bố trước đây rằng Chính phủ sẽ dùng chung một trung tâm xử lý người tị nạn với Đan Mạch ở Rwanda.

Bà Patel không xác nhận điều này nhưng trả lời rằng "Tôi không loại trừ bất cứ điều gì" khi được phỏng vấn.

Bộ Nội vụ sẽ không bình luận trong khi đàm phán nhưng một người phát ngôn cho biết các lựa chọn đang được thảo luận với các quốc gia khác.

Nếu chính sách này được thông qua, người xin tị nạn có thể bị đưa đến một quốc gia khác trong khi đơn của họ được xem xét.

Bộ trưởng bộ Nội vụ tiết lộ bà muốn ngăn cản mọi người vượt biển bằng cách cho các sĩ quan biên phòng quyền sử dụng “vũ lực hợp lý nếu cần thiết”.

Chính phủ cho biết họ cũng muốn ngăn chặn tình trạng "mua sắm tị nạn" bằng cách đưa ra các hình phạt cứng rắn hơn đối với những người không xin tị nạn ở quốc gia an toàn đầu tiên mà họ đến.

7refugee1

Bộ nội vụ đang có kế hoạch thắt chặt hệ thống tị nạn của Anh

Trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn người, dự luật sẽ tăng mức án tối đa cho tội phạm buôn lậu người từ 14 năm lên tù chung thân.

Số lượng người vượt qua eo biển Manche để xin tị nạn đã tăng lên hàng năm.

Năm ngoái, Anh ghi nhận con số kỷ lục - 8,417 người đến Dover trong khi năm nay đã có 6,000 người tị nạn được tiếp nhận trong sáu tháng đầu năm.

Tổ chức Charity Refugee Action đã chỉ trích đạo luật và nói rằng: “Đạo luật cực đoan và khó chịu này đã phá bỏ Công ước về người tị nạn. Mục đích của nó là ngăn cản những người tị nạn chứ không phải giữ an toàn cho họ. 70 năm sau khi ký Công ước về người tị nạn, Anh đang muốn đóng cửa”.

Bà Patel - người từ lâu đã hứa sẽ sửa chữa hệ thống tị nạn của Vương quốc Anh, đã viết trong một chuyên mục của Daily Mail: “Cách để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp là ngăn chặn buôn bán người và cải tổ hệ thống tị nạn bị hỏng của chúng ta".

"Việc tiếp cận hệ thống tị nạn của Vương quốc Anh phải dựa trên nhu cầu, chứ không phải khả năng trả tiền cho những kẻ buôn lậu”.

Bà Patel khẳng định "không phải tất cả những người vượt biển đều là gia đình có trẻ nhỏ" và một số là "những người di cư kinh tế đang cố gắng qua mặt hệ thống của chúng ta".

Viethome (Theo Metro)