Anh cân nhắc gửi người xin tị nạn ra nước ngoài

Kế hoạch này được lấy ý tưởng dựa trên hệ thống gây tranh cãi của Úc.

Bộ trưởng bộ Nội vụ Priti Patel ​​sẽ công bố chi tiết kế hoạch vào tuần này. Theo đó, người đến Vương quốc Anh bằng cách không chính thức, ví dụ như băng qua eo biển Manche bằng thuyền nhỏ, sẽ được chuyển đến một quốc gia thứ ba trong lúc đợi xử lý các yêu cầu và khiếu nại. Trước đó, Chính phủ nhiều lần cam kết sẽ đưa ra biện pháp nhằm giảm số lượng người xin tị nạn vượt eo biển Manche.

22patel

Bà Patel vẫn đang tìm cách giảm số lượng người tị nạn vượt eo biển Manche

Một nguồn tin thuộc bộ Nội vụ nói: "Trong khi mọi người đang mạo hiểm tính mạng trong những chuyến đi đầy nguy hiểm, sẽ thật vô trách nhiệm nếu chúng tôi không xem xét mọi biện pháp".

Tuy nhiên, người này từ chối khẳng định rằng các điểm đến được xem xét bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Gibraltar, Đảo Man hoặc các đảo khác của Anh trong khi các cuộc đàm phán với một số quốc gia đã bắt đầu, và chỉ nói rằng đây là "suy đoán".

Năm ngoái, việc đưa người tị nạn tới đến Đảo Ascension – vùng núi lửa bị cô lập của Anh ở phía nam Đại Tây Dương, hoặc St Helena - một phần của nhóm đảo tương tự, đã được nêu ra trong một số cuộc họp của bà Patel. Vào thời điểm đó, các nguồn tin của Bộ Nội vụ cho biết đề xuất được đưa ra khi bà Patel tìm kiếm lời khuyên từ Bộ Ngoại giao về cách các quốc gia khác giải quyết đơn xin tị nạn, và hệ thống của Úc được đưa ra làm ví dụ.

Đảng Lao động mô tả ý tưởng đảo Ascension là "vô nhân đạo, hoàn toàn phi thực tế và cực kỳ tốn kém".

Sau khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào cuối năm 2020, chính phủ Anh không còn quyền tự động chuyển người tị nạn và người di cư tới các quốc gia EU - một phần của hệ thống tị nạn châu Âu với tên gọi quy định Dublin.

Chính phủ Anh đã tìm cách thay thế quy định Dublin bằng một phiên bản tương tự, hậu Brexit, nhưng bị phía EU từ chối.

Áp lực chính trị từ truyền thông và các cá nhân như Nigel Farage - cựu lãnh đạo đảng Ukip, về việc người di cư qua eo biển Manche, đang ngày càng tăng. Ông Nigel thường xuyên tạo các đoạn băng mô tả thuyền của người di cư là "cuộc xâm lược".

Năm ngoái, các tài liệu chính thức cho thấy bộ Nội vụ đang tiến hành thử nghiệm việc phong tỏa eo biển Manche, tương tự như chiến thuật của Úc. Ngoài ra, bộ cũng xem xét các phương pháp khác để ngăn chặn người tị nạn vượt eo biển Manche bất hợp pháp, bao gồm sử dụng máy tạo sóng để đẩy lùi tàu thuyền.  Phía chính phủ đã phủ nhận tin tức này.

Viethome (Theo BBC)