Các công ty tư nhân có thể được phép phỏng vấn người xin tị nạn

Bộ Nội vụ đang có kế hoạch cho phép bên thứ ba tiến hành phỏng vấn người xin tị nạn.

1951 Refugee Travel Document UK

Bộ Nội vụ đang xem xét và thử nghiệm phương án mới nhằm giải quyết tình trạng tồn đọng của lượng lớn đơn xin tị nạn. Theo đó, một số công ty tư nhân sẽ được phép tham gia phỏng vấn những người tị nạn. Các tổ chức từ thiện giúp đỡ người tị nạn nhiều khả năng sẽ phản đối động thái này.

Hôm 22/9 vừa rồi, nhóm chuyên xử lý các yêu cầu xin tị nạn của Bộ Nội vụ đã đưa ra thông tư về vấn đề này.

Nội dung như sau:

Do số lượng trường hợp tị nạn tồn đọng ngày càng tăng và nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ hai, Sở Thi hành Tị nạn (Asylum Operation) đang xem xét các biện pháp mang tính thương mại để hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định cuối cùng. Chúng tôi hiện đang tìm hiểu và thử nghiệm việc sử dụng bên thứ ba để thực hiện các cuộc phỏng vấn và thu thập bằng chứng.

Theo đó, một số “bên thứ ba chiến lược” rất muốn tham gia. Một công ty sẽ được chọn cho chương trình thí điểm để làm việc với các trường hợp người tị nạn trong vòng sáu đến tám tuần.

“Ứng viên” bao gồm các công ty như Capita, G4S, Mitie, Serco và Sopra Steria.

Theo một tài liệu Hỏi và Đáp, Bộ Nội vụ vẫn là bên quyết định về yêu cầu xin tị nạn. Các nhà thầu chỉ có trách nhiệm “phỏng vấn những người xin tị nạn [và] thu thập bằng chứng cũng như thông tin để hỗ trợ việc đưa ra quyết định”. Việc chuẩn bị phỏng vấn sẽ do Bộ Nội vụ thực hiện.

Tình trạng tồn đọng trong việc giải quyết đơn xin tị nạn là lí do của thay đổi này. Phỏng vấn trực tiếp – bước quan trọng trong quá trình quyết định một người có nhận được qui chế tị nạn hay không - đã bị hủy trong thời gian phong tỏa. Hiện có hơn 40.000 trường hợp cần xét duyệt. Quá trình phỏng vấn vẫn còn bị hạn chế do các qui định giãn cách xã hội.

Bộ Nội vụ có vẻ đã chuẩn bị rất kỹ từ trước. Sở Thi hành Tị nạn đã “phát triển một khóa đào tạo riêng” cho những người phỏng vấn thuộc bên thứ ba và đặt ra quy trình xét lại trong trường hợp “chất lượng phỏng vấn ở dưới mức mong đợi”.

Thông tư kết luận: “Nhìn chung, sử dụng bên thứ ba cho các cuộc phỏng vấn xin tị nạn sẽ giúp chúng tôi cân bằng hệ thống sau khi dịch COVID-19 bùng phát, tăng số lượng phỏng vấn và cuối cùng, cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho những người tị nạn bằng cách giảm thời gian chờ phỏng vấn cũng như đợi kết quả”.

Động thái này sẽ gây ra sự lo lắng trong các tổ chức tị nạn do uy tín của các “ứng viên” hiện tại không cao. Ví dụ, tại trung tâm di cư Brook House do G4S điều hành đã xảy ra tình trạng lạm dụng người di cư gây chấn động.

Hiệp hội Luật sư về Luật di cư (ILPA) cho biết các đề xuất là "cực kỳ đáng lo ngại".

Mặc dù tình trạng tồn đọng các trường hợp xin tị nạn đang gia tăng trong những năm gần đây - bao gồm cả trước đại dịch  - tỷ lệ người được cấp quyền tị nạn đã được cải thiện đáng kể. Năm ngoái, 52% người xin tị nạn đã được cấp quy chế tị nạn hoặc được bảo vệ hợp pháp ở Anh dưới hình thức khác ngay từ lần đầu nộp đơn. Vào năm 2018, tỷ lệ này là 35%.

Viethome (Theo Free Movement)