Cụ ông 95 tuổi buộc phải chứng minh mình đã ở Anh 68 năm

Cụ Antonio Finelli, một người nhận lương hưu ở UK suốt 32 năm, nay lại bị yêu cầu phải chứng minh tình trạng nhập cư của mình khi ông nộp đơn xin ở lại UK hậu Brexit.

Cụ ông 95 tuổi người Ý, đã sống ở UK suốt 68 năm, nay lại được Bộ Nội vụ yêu cầu ông phải cung cấp sao kê ngân hàng suốt 5 năm qua thì mới được cấp thị thực ở lại Anh hậu Brexit. Yêu cầu này thật kỳ quặc vì ông đã nhận lương hưu chính phủ suốt 32 năm qua.

chung minh da o an

Ông Antonio Finelli tới UK vào năm 1952 theo diện lao động nhập cư, nhằm đáp ứng nhu cầu tái thiết nước Anh sau Thế chiến thứ 2. 

Khi cập cảng Folkestone, ông được chào đón với 1 tuần lương trả trước và được đãi món sandwich. Nhưng 70 năm sau, ông lại bị yêu cầu cung cấp 80 trang sao kê tài khoản ngân hàng để chứng minh quyền ở lại UK. 

Ông phải chứng minh mình đã ở Anh trong 5 năm liên tiếp khi nộp đơn xin gia hạn visa theo kế hoạch định cư cho công dân EU, nhưng ứng dụng của Bộ Nội vụ thông báo là không thể tìm thấy bất kỳ dữ liệu nào về ông.

''Điều này không đúng'', ông nói khi đang ngồi ở một trung tâm tư vấn thiện nguyện ở Islington, bắc London. Vợ và con trai duy nhất của ông đều đã qua đời, nhưng ông vẫn còn mấy đứa cháu nội. ''Liệu chúng nó có ổn không?'', ông lo lắng cho tình trạng nhập cư của bọn trẻ.

''Thật kỳ lạ vì tôi có giấy chứng nhận dành cho người nước ngoài'', ông chỉ vào một tờ giấy tùy thân được cấp cho người nhập cư đến UK trong khoảng năm 1918-1957.

''Tôi được nhận lương hưu 32 năm và đã làm việc chăm chỉ suốt 40 năm, nên tôi không hiểu vì sao mình phải cung cấp một đống sao kê ngân hàng'', ông nói.

Trường hợp của ông đã làm dấy lên mối lo ngại vì những thủ tục này sẽ khiến cho người già, người yếu thế phải trải qua nhiều căng thẳng và lo lắng, và nhiều người không hiểu nỗi ở độ tuổi này mà họ còn phải chứng minh giấy tờ. 

Ông Finelli là một công dân gương mẫu và đến UK trước sự ra đời của quyền tự do đi lại, nhưng vẫn chịu gánh nặng phải chứng minh quyền công dân. Ông đã ở đây cả đời nhưng lại bị Bộ Nội vụ xem như không hề tồn tại.

Ông Finelli là trường hợp thứ 2 trong tháng 2/2020, trong đó người lớn tuổi là công dân EU phải chật vật với hồ sơ xét duyệt tình trạng nhập cư của mình. Tất cả công dân EU và EEA phải nộp đơn này nếu muốn được ở lại UK sau tháng 6/2021.

Trước đó, cụ ông Giovanni Palmiero 101 tuổi, đã được yêu cầu phải có bố mẹ thay mặt nộp đơn vì hệ thống của Bộ Nội vụ nghĩ rằng ông chỉ mới có 1 tuổi. 

Người ta lo sợ vấn đề sẽ ngày càng trầm trọng hơn và ảnh hưởng tới hàng ngàn người lớn tuổi nếu hệ thống dữ liệu của Bộ Nội vụ không đảm bảo chính xác, cập nhật và không được áp dụng công nghệ lưu trữ. 

Anh Dimitri Scarlato, một tư vấn viên tình nguyện ở trung tâm Inca CGIL cho hay: ''Tôi đã gặp hàng trăm người lớn tuổi không được tìm thấy trong hệ thống của Bộ Nội vụ. Họ sẽ chứng minh bằng cách nào nếu họ không đứng tên trả tiền hóa đơn điện nước, tiền nhà...? Nhiều người sống một mình, rất dễ tổn thương và không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu''.   

Hồi tháng 3/2020, Bộ Nội vụ đã ra mắt ứng dụng điện thoại và máy tính, theo đó thông tin của người nộp đơn sẽ tự động khớp khi công dân EU nộp đơn xin gia hạn tình trạng nhập cư. Tuy nhiên, khi tờ Guardian đặt câu hỏi có phải hệ thống công nghệ của Bộ Nội vụ có vấn đề hay không, thì bộ này không trả lời. 

Thông tin cập nhật cho thấy sau khi cụ Finelli upload 80 trang sao kê ngân hàng thì đơn của cụ đã được xử lý thành công. 

Viethome (theo Guardian)