Người phụ nữ bị Bộ Nội vụ dọa đuổi khỏi nhà khi mang thai ở tuần thứ 40

Đối với hầu hết các bà mẹ mang thai, 40 tuần là cột mốc vô cùng quan trọng, là những giây phút cuối cùng để thu gom nốt những món đồ dành cho trẻ sơ sinh và sẵn sàng đón chào em bé. Nhưng Lina không được hưởng niềm vui và cảm giác háo hức ấy. Cô đang phải đối mặt với tình trạng vô gia cư và nghèo đói.

Ở tháng thứ chín của thai kỳ, khi lẽ ra đã phải chuẩn bị xong những bộ trang phục đầu tiên cho em bé, Lina nhận được một lá thư từ Bộ Nội vụ nói rằng cô sẽ bị đuổi khỏi chỗ ở hiện tại. “Khi tôi nhìn vào ngày tháng ghi trên bức thư, đó là ngày 27 tháng Tư. Đúng ngày dự sinh của tôi,” cô kể lại, “Làm thế nào tôi có thể tự rời khỏi nhà? Tôi đã cận kề ngày sinh nở, tôi phải đi đâu, tôi phải làm gì đây? Tôi sẽ trở thành người vô gia cư, không có nơi nào để đi.”

Bộ Nội vụ cũng ngừng hỗ trợ tị nạn cho Lina, và mặc dù chỉ có 35,39 bảng ít ỏi mỗi tuần, đó vẫn là nguồn sống duy nhất trong khi cô chờ đợi quyết định cho yêu cầu xin tị nạn của mình. “Họ đã lấy đi khoản hỗ trợ của tôi - bạn có tin được không? Tôi có thai 40 tuần - 40 tuần! Và họ đã tước đi mọi hỗ trợ. Làm thế nào mà Bộ Nội vụ, làm thế nào mà con người với nhau lại hành động như vậy? Thật khó khăn để vượt qua điều này, nhất là khi bạn đang mang thai.”

“Thật khó, rất, rất, rất khó. Tôi đã khóc, tôi rất buồn - tôi đã khóc cả ngày.” Không có bạn bè hay gia đình để tìm đến, Lina và cố vấn chăm sóc sức khỏe của cô đã lo lắng về những ảnh hưởng từ tâm trạng căng thằng và buồn bã của người mẹ đối với em bé.

May mắn thay, Lina đã nhận được sự giúp đỡ từ ASHA, một tổ chức từ thiện đã đứng ra kháng nghị quyết định cắt tiền trợ cấp từ văn phòng của Bộ Nội vụ cũng như thông báo cho nhà cung cấp chỗ ở rằng họ không nên đuổi người phụ nữ này. Phải mất ba tuần để Lina nhận lại được hỗ trợ. Mặc dù vậy, cô vẫn nhận được những lá thư đe dọa đuổi cô khỏi nhà và thay đổi ổ khóa.

Trong những ngày trước khi sinh và vài tuần đầu tiên sau sinh, Lina sống nhờ tiền quyên góp từ một quỹ từ thiện, được gầy dựng bởi cố vấn chăm sóc sức khỏe và nữ hộ sinh của cô. “Họ đã đến nhà tôi. Lúc đó tôi đang mang bầu nên không thể đi đâu được. Tôi đã quá mệt mỏi. Họ biết điều này và họ đã đến nhà tôi và cho tôi một ít tiền cho đến khi tôi bắt đầu nhận lại tiền trợ cấp. Họ đã giúp tôi chứ không phải Bộ Nội vụ.”

Khi cuối cùng cũng nhận lại được trợ cấp, Lina vẫn không nhận được tiền cho đứa con mà lẽ ra cô ấy phải được hưởng. Điều này gây khó khăn cho việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của em bé mới sinh. “Thật quá khó khăn, nhưng tôi có thể làm gì? Tôi đang cho con bú, vì vậy tôi muốn ăn uống đầy đủ để con tôi được bú tốt. Tôi phải ăn cho con tôi. Khi tôi ăn thức ăn ngon, con bé cũng được ăn ngon. Điều này thật khó khăn với tôi.”

Lina hiện đã ở Vương quốc Anh được năm năm dài đằng đẵng và tràn ngập khó khăn nhưng cô vẫn mong muốn được nghe quyết định cuối cùng về yêu cầu xin tị nạn của mình. “Sau 4 năm, tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời về yêu cầu xin tị nạn của mình. Tôi đến đất nước này vào năm 2014, và tôi đã có cuộc phỏng vấn sau đó, vào năm 2015. Sau đó tôi nhận được lời từ chối. Sau đó tôi đã đến tòa án ở London - tòa án đã từ chối tôi. Sau đó tôi yêu cầu kháng cáo. Kết quả kháng cáo được đưa ra sau 2 năm - họ thậm chí không thông báo với tôi. Tôi đã phải liên lạc với nghị sĩ ở khu vực của tôi, họ [Bộ Nội vụ] đã quên mất tôi. Bây giờ tôi phải ra tòa một lần nữa vào tháng Mười.”

Lina đã phải vật lộn để nuôi sống bản thân và đứa con với khoản hỗ trợ nhỏ nhoi do Chính phủ cung cấp, nhưng nếu không làm thế, cô sẽ phải chịu cảnh vô gia cư và nghèo đói - còn tồi tệ hơn nhiều. “35 bảng Anh là quá ít để mua đồ chơi, quần áo, tã lót, thực phẩm, đồ trẻ em. Không đủ, nhưng tôi có thể làm gì, tôi phải đợi.”

Mặc dù ASHA đã thay mặt cô kêu gọi, Lina vẫn phải chờ hơn bốn tháng để có thể bắt đầu nhận tiền trợ cấp cho em bé.

Mặc dù Lina được nhận hỗ trợ tị nạn, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện và nhóm chăm sóc sức khỏe liên quan tâm đến trường hợp của cô, Lina có lẽ đã phải chịu cảnh đơn độc, mang thai nặng nề và lang thang trên đường phố.

“Nếu cắt vào tay mình, máu của tất cả chúng ta đều như nhau, bạn biết không? Chúng ta đều là con người. Khi tôi nghĩ về thời điểm đó, tôi không hiểu Bộ Nội vụ nghĩ gì về chúng tôi - Tôi thực sự không biết.”

Lời biên tập viên: Câu chuyện của Lina là câu chuyện có thật, nhưng tên tuổi và hình ảnh đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của cô.

Viethome (Theo Refugee Action)