Bàng hoàng trước tội danh mà nhóm vận động chống trục xuất Stansted 15 phải hứng chịu

Dù thoát án tù, những cáo buộc mà Stansted 15 phải nhận liên quan đến tội danh khủng bố đang dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh trên khắp đất nước.

Tại tòa án tối cao Chelmsford vào ngày 6/2, quan tòa Christopher Morgan đã đưa ra bản án gồm nhiều lệnh cộng đồng khác nhau cho nhóm hoạt động chống trục xuất có tên gọi Stansted 15. Các bản án bao gồm lao động công ích và chín tháng tù tạm hoãn cho 12 bị cáo, và lao động công ích cho ba bị cáo còn lại.

Đây là lần đầu tiên những nhà hoạt động hòa bình ở Anh bị kết tội theo luật liên quan đến khủng bố. Vụ án này đã gợi ra nhiều câu hỏi đối với vị thế của các hoạt động xã hội phi bạo lực trong xã hội Anh.

Trước đó, tổ chức Amnesty International đã thu thập 11,500 tin nhắn ủng hộ gửi đến các nhà hoạt động. Một bản kiến nghị cũng được gửi tới quan tòa đề nghị ông không kết án tù và thật may mắn, ông đã lắng nghe những lời kêu gọi này.

Người biểu tình diễu hành để ủng hộ Stansted 15

Các bị cáo đã băng qua hàng rào tại khu vực xa trung tâm trong khuôn viên sân bay Stansted vào đêm ngày 28 tháng Ba năm 2017 rồi đi bộ tới chỗ một chiếc Boeing 767, tạo ra một rào chắn bằng chính thân mình và một số dụng cụ xung quanh máy bay.

Mục tiêu của họ là ngăn chặn việc chiếc máy bay bị sử dụng để trục xuất 57 người nhập cư về Nigeria và Ghana. Cảnh sát phải mất tới 10 tiếng để giải tán nhóm này, và chuyến bay đã bị hủy.

Tại tòa án và trong bản tường trình gửi cảnh sát, các bị cáo liên tục nhấn mạnh họ thực sự lo lắng cho an nguy của một vài người sẽ bị trục xuất trên chuyến bay đó.

Ba người trong chuyến bay khi đó đang phải đối mặt với những đe dọa đến tính mạng, một người trong đó là người đồng tính nữ và bị chồng cũ đe dọa sát hại. Những người khác bị trục xuất trên chuyến bay cũng ở trong tình trạng tương tự.

Dù hoàn toàn ý thức được họ đang vi phạm pháp luật, 15 người vẫn khẳng định trước tòa rằng hành động của họ là cần thiết do tính cấp bách của hoàn cảnh. Về mặt lý thuyết, lập luận này cho phép các bị cáo biện hộ họ phá luật để ngăn cản những mối nguy hại còn lớn hơn.

Nhưng dù quan tòa cho phép Stansted 15 giải thích việc làm của họ, ông không cho phép bồi thẩm đoàn được đưa ra quyết định về tính thuyết phục của lời giải thích.

Ông cũng bác bỏ ý kiến của các bị cáo cho rằng phiên tòa không nên được phép tiếp tục bởi lẽ việc đưa ra tội danh liên quan đến khủng bố là một sự vi phạm đối với quá trình xét xử.

Nhóm người dùng thân mình ngăn chặn máy bay cất cánh.

Thông thường, với các hành động tương tự, các nhà hoạt động có thể bị kết các tội danh như xâm phạm nghiêm trọng hay gây tổn hại. Đó là các tội danh tương đối nghiêm trọng nhưng thường được xử lý ở các tòa án địa phương.

Trong vụ việc này, ban đầu các bị cáo bị kết tội xâm phạm nghiêm trọng. Nhưng vào tháng Bảy năm 2017, ông Jeremy Wright, Tổng Chưởng lý đương nhiệm khi đó, đột nhiên đồng ý nâng tội danh của họ lên thành đe dọa an toàn hoạt động của sân bay, theo Đạo luật về An toàn Hàng không và Hàng hải 1990.

Tội danh này được đặt ra sau vụ đánh bom Lockerbie năm 1988 và theo bà Cecil Parkinson, người chịu trách nhiệm vấn đề giao thông của đảng Bảo thủ, tội danh này được tạo ra để đối phó với nạn khủng bố.

Tội danh này hiếm khi được sử dụng và tất nhiên, chưa bao giờ được dùng để chống lại các nhà hoạt động hòa bình.

Stansted 15 không hề đe dọa bất cứ ai, họ chỉ hành động để giúp đỡ những người khác, và họ giúp công chúng chú ý đến sự tàn nhẫn của hệ thống tạm giữ và trục xuất người nhập cư, trong đó Bộ Nội vụ dường như đã vi phạm quy định đặt ra bởi chính họ, điển hình như trong vụ bê bối Windrush.

Hành động của họ đi đúng với truyền thống không sử dụng bạo lực để đối đầu với quyền lực. Tội danh quá nặng mà họ bị gán phải, những áp lực trong quá trình kiện tụng kéo dài suốt hai năm, 10 tuần xét xử và kết án, dù không dẫn đến bản án tù giam, nhưng cũng tạo ra rào cản cho những hành động phản kháng trong tương lai.

Đây hẳn là một mối lo ngại lớn đối với những người coi biểu tình hòa bình là một tiến trình dân chủ quan trọng.

VietHome (Theo Metro)