Tăng cường kiểm soát nạn nô lệ thời hiện đại trong các tiệm nails

Các tiệm nail trên khắp nước Anh có nguy cơ diễn ra nạn nô lệ thời hiện đại rất cao, đến mức Ủy ban Độc lập chống Buôn người phải đề xuất một kế hoạch cấp bách nhằm ngăn chặn việc đưa người từ Việt Nam sang làm việc như nô lệ.

Một bản báo cáo do ông Kevin Hyland, người đứng đầu ủy ban, đưa ra đã cung cấp một bức tranh chi tiết về việc lạm dụng những người mang quốc tịch Việt Nam ở Anh. Báo cáo nhấn mạnh con số ngày càng tăng những nhân viên người Việt bị bóc lột trong các tiệm nail, bên cạnh việc sử dụng nhân công người Việt trong các trang trại cần sa.

Trong khi rất nhiều thợ nail trên phải trả tiền cho bọn buôn người để được vận chuyển từ những vùng quê nghèo ở Việt Nam đến nước Anh, những người khác, hầu hết là trẻ em, bị đưa lậu sang nhằm mục đích bóc lột sức lao động. Báo cáo cho hay có nhiều bằng chứng cho thấy một vài người đã bị bắt cóc và cưỡng ép tới Anh.

Mặc dù không có số liệu nào cho thấy quy mô của vấn đề, người Việt Nam vẫn là nhóm người đông nhất hoặc đông thứ hai trong danh sách của đơn vị chống buôn người thuộc cảnh sát.

Bản báo cáo với tên gọi Nạn Nô lệ thời Hiện đại đối với người Việt Nam trên lãnh thổ Anh cũng kêu gọi Bộ Nội vụ nên kết hợp với Hiệp hội thợ Nails để “áp dụng một số biện pháp nhằm ngăn chặn nạn nô lệ thời hiện đại trong lĩnh vực này.” Những bản hướng dẫn chi tiết cần được công bố để cung cấp cho cảnh sát thông tin về nguy cơ nô lệ hiện đại trong các tiệm nail.

Cảnh sát tiểm tra giấy tờ ở một tiệm nail (Ảnh minh họa)

Theo ông Hyland, trong thập kỷ qua, cộng đồng người Việt đã góp mặt trong nhiều lĩnh vực kinh doanh quan trọng, “chủ yếu là trong lĩnh vực làm nail.” Báo cáo cho rằng hầu hết các tiệm nail đều chỉ nhận tiền mặt và không được quản lý. Không có số liệu thống kê số lượng tiệm nail, nhưng mọi người đều hiểu rằng đó là ngành kinh doanh chính của cộng đồng người Việt ở Anh.

“Đây là hành vi phạm tội nghiêm trọng và có tổ chức, trong đó con người bị trao đổi như những món hàng,” ông Hyland nói. “Chúng tôi liên tục phát hiện ra những mối liên hệ giữa các tiệm nail và tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Chúng tôi biết một hệ thống tội phạm có tổ chức có nguồn thu chi đang tồn tại. Chúng ta cần phải hành động và đập tan nó.”

Báo cáo có đoạn: “Những lao động này hầu hết phải làm việc sáu ngày một tuần và ít nhất tám giờ một ngày. Rất nhiều công việc có cung cấp chỗ ở mặc dù chỗ ở này rất đông đúc.”

Theo phân tích trong báo cáo chống buôn người của cảnh sát, các tiệm nail không chỉ trở thành địa điểm làm việc bất hợp pháp mà còn là nơi bóc lột sức người.” Báo cáo viết: “Mỗi nạn nhân bị ép làm việc cả bảy ngày trong tuần từ sáng đến 6 hay 7 giờ tối. Họ chỉ được trả 30 bảng mỗi tuần.”

Một nạn nhân được phỏng vấn trong báo cáo giải thích anh ta phải tự xoay sở tìm đường sống khi còn ở Việt Nam vì là trẻ mồ côi. Sau đó, anh ta bị ép đến nước Anh và tại đây, anh ta bị nhốt trong phòng rồi được đào tạo trở thành thợ vẽ móng. Anh ta tìm được việc làm trong hai tiệm nail và được trả 6.50 bảng một giờ. “Tuy nhiên, thay vì được giữ khoản tiền này, anh ta bị buộc phải nộp chúng cho bọn buôn người, những kẻ đã đưa đón anh từ nhà đến tiệm nail mỗi ngày và nhốt anh trong nhà,” bản báo cáo chỉ rõ.

Một tiệm nail ở trung tâm thành phố Bath đã bị đóng cửa hồi tháng Ba và người chủ Việt Nam bị buộc tội âm mưu điều khiển người khác với mục đích bóc lột sức lao động và âm mưu kiểm soát việc di chuyển của một số phụ nữ trong nước Anh nhằm mục đích bóc lột sức lao động.

Các nỗ lực nhằm đối phó với nạn bóc lột trong lĩnh vực này đều gặp phải khó khăn vì lý do “làm nail vẫn là ngành nghề chưa được quản lý ở Anh, bất chấp số lượng người tham gia ngày càng tăng.”

Ở New York, ngài thị trưởng đã áp dụng một số biện pháp nhằm đảm bảo các thợ nail không bị bóc lột và được trả ít nhất là theo mức lương tối thiểu, vì thế các tiệm nail ở thành phố này đều phải công bố các quy định quyền lợi với nhiều thứ tiếng.

Hyland kêu gọi những người thường lui tới tiệm nail hãy cẩn trọng hơn với những cơ sở mà họ hay ghé thăm. “Người dân có thể băn khoăn về điều này; hầu hết mọi người đều cho rằng nếu nó phạm pháp, hẳn chính quyền đã phải đóng cửa nó,” ông nói, cho biết thêm rằng trên thực tế, rất nhiều cửa hàng không được quản lý cẩn thận.

“Người dân nên để ý các dấu hiệu bất thường trong tiệm nail,” ông nói. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm các nhân viên có vẻ ngoài quá trẻ, giá thành thấp, thay đổi nhân viên liên tục, nhân viên quản lý có hành vi sai khiến hoặc không dùng chung ngôn ngữ với các nhân viên.

“Hãy quan sát nơi đó, quan sát điều kiện làm việc của các nhân viên, theo dõi giá tiền. Hãy tự hỏi: liệu có thể duy trì một cơ sở như vậy với mức giá thành đó không? Nếu không ổn, bạn có thể liên hệ với cảnh sát hoặc chính quyền địa phương, Crimestoppers hoặc đường dây nóng về nô lệ thời hiện đại.”

Bản báo cáo cũng đề xuất Bộ Nội vụ nên cân nhắc tài trợ dịch vụ tư vấn qua điện thoại cho các nạn nhân người Việt để giúp đỡ họ ngay trong những giờ đầu tiên được xác nhận ở Anh. Một đề xuất khác được nêu ra là đào tạo các chuyên gia về buôn lậu trẻ em để làm việc cùng những nhóm người Việt Nam thiểu số.

VietHome (Theo Guardian)