Bộ Nội vụ dùng cả sân bay quân sự để trục xuất người nhập cư trái phép

Sau nhiều động thái phản đối của các nhà hoạt động, hiện tại quy trình trục xuất của chính phủ Anh đã được quân sự hóa một cách bí mật.

Bộ Nội vụ đã sử dụng một căn cứ của Lực lượng Không quân Hoàng gia (RAF) năm lần trong năm ngoái để trục xuất hàng trăm người về tây Phi. Việc quân đội tham gia vào chính sách môi trường thiếu thân thiện của thủ tướng Theresa May bị phát hiện nhờ vào quyền tự do yêu cầu thông tin.

Các chuyến trục xuất tới Nigeria và Ghana thường được khởi hành từ sân bay London Stansted, một sân bay dân dụng. Tuy nhiên, hiện các chuyến bay đã được chuyển tới căn cứ Brize Norton của RAF ở Oxfordshire sau khi nhiều cuộc biểu tình được tổ chức ở Stansted. Ở một trong các cuộc biểu tình hồi tháng Ba năm 2017, các nhà hoạt động đã tự xích mình vào bánh một chiếc máy bay dùng để trục xuất.

Sau vụ việc này, Brize Norton bắt đầu được sử dụng trong suốt các tháng còn lại của năm 2017 để trục xuất 223 người Nigeria và Ghana, bao gồm 44 phụ nữ. Hai phần ba số người bị trục xuất không có tiền án tiền sự. Bộ Nội vụ vốn dự tính trục xuất gần một nghìn người từ căn cứ quân sự này, nhưng các động thái pháp luật đã khiến kế hoạch chưa thành công. Một người đàn ông Nigeria, xin được giấu tên, từng bị đưa tới sân bay RAF Brize Norton để trục xuất do nhầm lẫn đã kể lại sự việc.

“Cha mẹ tôi đưa tôi đến Anh khi tôi còn là một thiếu niên. Tôi là người lưỡng tính và bị tấn công ở Nigeria. Một băng nhóm đã bắt cóc tôi và sau đó cảnh sát cưỡng hiếp tôi, do đó tôi buộc phải rời khỏi đất nước mình. Tôi đi học đại học ở Hackney và sống ở Anh gần nửa cuộc đời mình.

“Khi Bộ Nội vụ cố gắng trục xuất tôi, họ đưa tôi vào trung tâm giam giữ người nhập cư ở gần sân bay Gatwick. Tôi cảm thấy như sắp chết. Một đêm nọ, có một chuyến bay hợp đồng tới Nigeria và Ghana. Luật sư của tôi nói rằng họ không thể trục xuất tôi, nhưng khi tôi ra khỏi nhà tắm, các nhân viên an ninh đã đóng gói xong đồ đạc của tôi. Họ buộc chặt dây quanh eo và cổ tay tôi, vì thế tôi không thể cử động cánh tay.

“Nhân viên an ninh lôi tôi đi bằng cách nắm lấy dây – tôi gần như đang lướt đi vậy. 60 người khác đã ở trên xe, và tôi được đưa tới một chiếc xe tải khác. Tôi phải cúi đầu xuống tay để dùng điện thoại và gọi cho bạn tôi. Tôi đã khóc. Dây trói quá chặt khiến tôi xì hơi. Các nhân viên an ninh cười nhạo tôi.

“Tôi tưởng họ đưa tôi đến Gatwick, nhưng sau ba tiếng đồng hồ trên đường, tôi nhìn thấy một doanh trại quân đội với hàng rào thép gai xung quanh. Nhiều người đàn ông mặc đồ ngụy trang xanh đang ôm những cây súng lớn. Họ hét vào mặt người lái xe để hỏi thông tin. Cả người lái xe trông cũng có vẻ sợ hãi. Đoàn hộ tống đỗ lại trên đường băng, gần chiếc máy bay.

“Dây trói chặt đến nỗi tôi muốn đi tiểu. Nhân viên an ninh đưa tôi vào căng tin quân đội. Họ giữ cửa toilet mở và tôi khó khăn lắm mới kéo được quần xuống. Tôi tiểu vương vãi ra khắp xung quanh. Tôi phải dùng khuỷu tay để xả nước.

“Vào lúc 12.30 đêm, ai đó lại gần chiếc xe tải và nói tôi không phải người cần được đưa lên máy bay. Tôi thực sự căm giận họ. Họ tháo dây trói ra và đưa tôi trở lại trại giam. Những người bạn của tôi trên máy bay cho biết máy bay cất cánh lúc 4 giờ sáng. Các nhân viên an ninh đánh đâp họ. Họ không đưa mọi người đến những sân bay bình thường nữa vì bị phản đối, vì thế họ mang bạn tới căn cứ quân sự.”

Các nhà hoạt động cũng đã được thông tin về sự tham gia của RAF. Một nhóm hoạt động mang tên End Deportations, cho biết họ đã nói chuyện với một người đàn ông sinh ra ở Anh và từng tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2017 trước khi bị trục xuất về Ghana trong chuyến bay thứ hai từ Brize Norton.

Một nhóm hoạt động khác mang tên Right to Remain miêu tả đó là các “chuyên bay ma”. Cộng tác viên của nhóm, cô Lisa Matthews, bày tỏ cô thực sự bị sốc: “Để đáp trả các cuộc biểu tình hòa bình, Bộ Nội vụ sử dụng đến cả quân đội để thực thi chính sách hà khắc trong môi trường thiếu thân thiện của họ.”’

Mặc dù Bộ Nội vụ cho phép một quan sát viên từ Ban Quản lý Độc lập (IMB) có mặt trên chuyến bay đầu tiên từ Brize Norton, IMP  không hề nhắc đến căn cứ này trong báo cáo hàng năm của họ. Khi được liên hệ, IMB từ chối bình luận với lý do việc này “có thể đe dọa an ninh đối với quy trình của Bộ Nội vụ và ảnh hưởng tới an toàn của những người nhập cư trái phép có liên quan.”

Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ phát biểu: “Chúng tôi không bình luận về các vấn đề liên quan đến quy trình.”

VietHome (Theo JOE)