Sajid Javid xin lỗi những người xin nhập cư từng bị bắt cung cấp mẫu DNA

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã gửi lời xin lỗi tới những người nhập cư – bao gồm cả những người mang quốc tịch Afghanistan làm việc trong quân đội Anh và Gurkha – những người từng bị ép phải nộp mẫu DNA theo chính sách môi trường không thân thiện của chính phủ.
 
Những người muốn sinh sống và làm việc ở Anh theo diện quan hệ gia đình có thể chọn cách cung cấp DNA để chứng minh quan hệ nhằm hỗ trợ cho việc nộp hồ sơ.
 
Nhưng ông Javid trình bày trước Hạ viện rằng vào tháng Sáu, thông tin cho thấy trong một số trường hợp xin visa gia đình, việc nộp mẫu DNA đã bị coi là một yêu cầu bắt buộc thay vì một lựa chọn.
 
Một bản báo cáo về bê bối này được Bộ Nội vụ đăng tải vào hôm thứ Năm (25/10) đã phát hiện ra rằng có ít nhất 449 người từng bị yêu cầu nộp mẫu DNA, bao gồm 51 lính Gurkha.
 
1341
 
Trước đó, giới chức từng tiết lộ 1,150 người quốc tịch Afghanistan, bao gồm 700 người thân và cha mẹ của các nhân viên chính phủ Anh, đã được tái định cư tại Anh theo một chương trình sử dụng việc kiểm tra DNA bắt buộc, mặc dù số lượng người cụ thể đã được kiểm tra DNA không được tiết lộ.
 
Yvette Cooper, chủ tịch hội đồng nội vụ thuộc đảng Lao động, bày tỏ: “Tiết lộ cho biết Bộ Nội vụ đã yêu cầu hàng trăm người xin nhập cư nộp mẫu DNA một cách trái phép thực sự đáng lo ngại, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng Windrush, và điều này cho thấy có điều gì đó thực sự không ổn đang diễn ra trong Bộ Nội vụ.”
 
“Ngày hôm nay, tôi muốn nhân cơ hội này để gửi lời xin lỗi đến những người đã bị ảnh hưởng bởi quy trình này,” ông Javid nói.
 
Ông Javid cho biết ông đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới phục vụ những người cảm thấy họ đã bị yêu cầu nộp mẫu DNA một cách sai trái cho mục đích nộp đơn xin nhập cư. Nhưng ông cũng nói thêm rằng ông sẽ yêu cầu một cuộc thẩm định rộng hơn đối với các quy trình của Bộ Nội vụ để đảm bảo rằng cơ quan này “thích hợp với thế giới hiện đại.”
 
“Tôi biết rằng hệ thống nhập cư đang được thực thi bởi những người đáng tin nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo rằng các cơ chế và quy trình họ sử dụng là thích hợp với thế giới hiện đại và thích hợp với một hệ thống nhập cư mới mà chúng ta sẽ áp dụng sau khi rời Liên minh Châu âu.
 
“Tôi sẽ xem xét lại các cấu trúc và quy trình một cách rộng hơn, các cấu trúc và quy trình mà chúng ta cần bảo đảm sự công bằng và nhân đạo. Tôi hiện đang cân nhắc xem việc này nên được tiến hành theo phương thức nào.”
 
Ông Javid nói ông đã đưa ra các hướng dẫn cho biết các nhân viên không được bắt người nhập cư nộp mẫu DNA và sẽ hoàn tiền cho bất cứ ai từng chịu tổn thất tài chính do yêu cầu này. Ông cho biết mọi việc sẽ được kiểm tra lại để xác định xem yêu cầu nộp mẫu DNA trái phép này có xuất hiện ở bất cứ quy trình nào khác trong hệ thống nhập cư hay không.
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông báo vấn đề được tiết lộ từ mùa hè và một cuộc kiểm tra nội bộ đã được tiến hành ngay sau đó. Việc kiểm tra đã hoàn tất nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để xác định quy mô vụ việc.
 
“Nhưng dù có bao nhiêu người bị ảnh hưởng, một trường hợp cũng đã là quá nhiều,” ông nói. “Tôi quyết tâm sẽ tìm hiểu đến cùng bằng cách nào và tại sao trong một số trường hợp, người dân lại bị yêu cầu cung cấp mẫu DNA.”
 
Phần lớn các trường hợp được xác định đều nằm trong một chương trình của Bộ Nội vụ có tên gọi Operation Fugal, được bắt đầu từ tháng Tư năm 2016, nhằm đối phó với vấn nạn lừa đảo trong một số hồ sơ nhập cư gia đình và liên quan đến nhân quyền.
 
Gần 400 lá thư đã được gửi đi theo chương trình này, trong đó thông báo một cách sai lệch rằng những người nộp hồ sơ buộc phải cung cấp mẫu DNA và rằng nếu không cung cấp thông tin này mà không có lý do hợp lý, hồ sơ của họ sẽ bị từ chối.
 
Ông Javid nói tổng cộng 83 hồ sơ đã bị từ chối, bảy trong số đó chỉ vì lý do không cung cấp mẫu DNA. Sáu hồ sơ khác dường như bị từ chối vì không cung cấp mẫu DNA dù đó không phải lý do duy nhất.
 
Thêm vào đó, bộ trưởng bày tỏ yêu cầu nộp mẫu DNA trái phép này đã bị áp dụng cho cả các binh sĩ Gurkha và những người quốc tịch Afghanistan làm việc cho chính phủ Anh.
 
Vào tháng Một năm 2015, một chương trình đã được mở rộng nhằm cho phép người lớn có quan hệ phụ thuộc với các trẻ em Gurkha được trả tự do trước năm 1997 sẽ được phép định cư tại Anh.
 
Các hướng dẫn đã được công bố, trong đó cho biết người nộp hồ sơ có thể được yêu cầu nộp mẫu DNA và hồ sơ có thể bị từ chối nếu minh chứng này không được cung cấp trong vòng bốn tuần mà không có lý do hợp lý.
 
“Bản hướng dẫn đã được công bố này hoàn toàn sai lệch và hiện đã được cập nhật,” ông Javid nói, cho biết thêm rằng 51 trường hợp được phát hiện, trong đó người nộp hồ sơ được yêu cầu nộp mẫu DNA bằng chi phí cá nhân.
 
Có bốn trường hợp trong cùng một gia đình bị từ chối hồ sơ chỉ vì không cung cấp mẫu DNA.
 
Vào năm 2013, những người mang quốc tịch Afghanistan từng được chính phủ Anh tuyển dụng được chào đón định cư tại Anh. Nhưng các điều khoản của chương trình này lại bao gồm việc kiểm tra DNA bắt buộc cho các nhóm gia đình và sẽ được thanh toán bởi chính phủ.
 
Việc điều tra cho thấy không có ai nộp hồ sơ theo chương trình này bị từ chối vì không thực hiện kiểm tra DNA, ông nói. “Có điều việc kiểm tra bắt buộc không nên là một phần của chương trình này và yêu cầu này đã được loại bỏ,” bộ trưởng tiếp tục.
 
“Cụ thể, tôi muốn gửi lời xin lỗi tới những người Gurkha và Afghanistan từng bị ảnh hưởng. Cả hai chương trình tôi vừa nhắc đến đều được áp dụng để giúp đỡ các gia đình phục vụ cho an ninh của quốc gia này. Tôi xin lỗi vì họ đã bị yêu cầu những việc mà lẽ ra họ không nên nhận được.”
 
Bà Diane Abbott, bộ trưởng nội vụ đảng đối lập, bày tỏ: “Những sự xúc phạm như thế này không tự nhiên mà có. Các nhân viên ở Bộ Nội vụ đã thực hiện chính sách môi trường thiếu thân thiện của chính phủ, và đó cũng từng là nguyên nhân gây ra bê bối Windrush. Người dân đang bị đối xử như những kẻ tội phạm trừ khi họ tự chứng minh được mình vô tội.
 
“Chúng ta cần một hệ thống nhập cư công bằng và minh bạch, nhưng môi trường lãnh đạm này không thể hỗ trợ điều đó và chính phủ cần chấm dứt nó.”
 
 
VietHome (Theo Guardian)