Một người đàn ông bị trục xuất khỏi Anh bất chấp tình hình sức khỏe nguy kịch

Bộ Nội vụ tỏ ra vô cùng lo ngại về tình hình sức khỏe của một người đàn ông sắp bị trục xuất khỏi Anh, đến nỗi họ buộc phải cử bốn nhân viên y tế chăm sóc ông trên chuyến bay phòng trường hợp ông có thể lên cơn đột quỵ.
 
Sangarapillai Balachandran, 60 tuổi, một người gốc Sri Lanka Tamil có quốc tịch Úc, sẽ được đưa trở về Úc cùng vợ và ba con của mình. Trong vòng sáu năm qua, người đàn ông này từng ba lần lên cơn đột quỵ. Ông cho biết cả ba lần đều xảy ra trong thời gian ông vô cùng căng thẳng vì gặp rắc rối với Bộ Nội vụ do vấn đề nhập cư.
 
5976
Ông Sangarapillai Balachandran
 
Balachandran thường xuyên phải dùng thuốc huyết áp và lo ngại rằng mình có thể qua đời trên máy bay. Khi được kiểm tra sức khỏe vào vài ngày trước, huyết áp của ông lên đến 160/105 – mức huyết áp trung bình nằm vào khoảng từ 120/80 đến 140/90. Một chuyên gia thần kinh điều trị cho ông Balachandran sau lần đột quỵ thứ ba cho biết các cơn đột quỵ thường xuất hiện bởi áp lực máu tăng cao và các yếu tố môi trường khác.
 
Gia đình Balachandran đã hai lần đồng ý trở về Úc trong năm ngoái nhưng rồi không thể thực hiện vì tình trạng sức khỏe của ông Balachandran quá tệ. Lần gần đây nhất là vào tháng Hai, khi ông bị đưa khỏi máy bay vì cảm thấy khó ở và sau khi gia đình nói cho phi hành đoàn biết ông đã từng trải qua ba cơn đột quỵ. Ông được đưa đến bệnh viện sau đó và tiếp nhận điều trị để giúp hạ huyết áp.

Lần này, sau một cuộc đánh giá sức khỏe, Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng ông hoàn toàn có thể đi máy bay. Nhưng gia đình ông cho biết Bộ Nội vụ đã thông báo với họ sẽ có bốn nhân viên y tế hộ tống ông trong chuyến bay. Những chuyến bay dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là với những người có tiền sử huyết áp cao. Gia đình đang hy vọng họ có thể được hoãn bay một lần nữa và được cho phép lưu lại Anh.

viethome truc xuatDù gia đình ông đã sống và làm việc ở Anh lâu năm nhưng vẫn bị từ chối nhập cư. 

Quỹ từ thiện Medical Justice, chuyên hoạt động để bảo vệ sức khỏe những người bị tạm giữ vì vấn đề nhập cư, cho biết mỗi tháng, họ gặp trung bình ba trường hợp trong đó Bộ Nội vụ kiên quyết trục xuất những người có vấn đề về sức khỏe.
 
Ông Balachandran là một kỹ sư có tay nghề cao trong lĩnh vực hệ thống làm sạch nước. Ông được một công ty Anh mời đến làm việc vào năm 2007 vì khi đó họ đang rất thiếu các kỹ sư có trình độ. Gia đình ông đã chuyển từ Sri Lanka đến Úc một thập kỷ trước đó theo chương trình tuyển dụng nhập cư và tất cả đều được trao quốc tịch Úc.
 
Gia đình ông không còn được phép làm việc ở Anh kể từ khi visa làm việc của ông hết hạn và Bộ Nội vụ từ chối cấp quyền lưu trú vĩnh viễn cho họ.
 
Con gái lớn nhất của ông Balachandran, cô Karthika, 30 tuổi, là một điều phối viên tình nguyện tại bệnh viện St George, nơi cô đã làm việc suốt bảy năm qua.
 
Con gái nhỏ nhất của ông, cô Sinthuja, 28 tuổi, có bằng kinh tế của Đại học Queen Mary và đã vượt qua kỳ thi công chức.
Vấn đề nhập cư của gia đình bắt đầu nảy sinh khi họ nộp đơn xin lưu trú vĩnh viễn vào năm 2012. Họ bị từ chối nhưng sau đó đã kháng nghị thành công vào năm 2013. Khi đó, quan tòa yêu cầu Bộ Nội vụ phải cân nhắc lại trường hợp của họ.
 
Tuy vậy, họ lại bị từ chối một lần nữa vào tháng Hai năm ngoái. Gia đình được tổ chức Legal Aid Agency hỗ trợ đặc biệt để thưa kiện về vấn đề nhân quyền, nhưng họ không còn đủ thời gian vì Bộ Nội vụ bắt họ phải ra đi trên chuyến bay vào ngày thứ Hai (15/10).
 
Cô Karthika bày tỏ cô cảm thấy Bộ Nội vụ đối xử với gia đình cô như những kẻ tội phạm dù họ chưa từng làm điều gì sai trái.
 
Bà Theresa Schleicher của tổ chức Medical Justice nói: “Chúng tôi thực sự lo ngại về số người gặp vấn đề về sức khỏe bị Bộ Nội vụ trục xuất khỏi Anh. Những người đó đều được các bác sĩ tình nguyện đánh giá là không phù hợp cho các chuyến bay. Bên cạnh việc đẩy những người nhập cư vào tình trạng nguy hiểm, việc làm này còn gây mất an toàn cho phi hành đoàn và các hành khách trên máy bay.”
 
Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Gia đình Balachandran đã hết thời hạn được lưu lại Anh và tự nguyện chấp nhận trở lại Úc.” 
 
VietHome (Theo Guardian)